Thứ 5, 01/08/2024, 15:16[GMT+7]

Ðổi mới giáo dục bậc tiểu học: Cần sự kết hợp từ nhiều phía (Kỳ II)

Thứ 4, 10/12/2014 | 08:10:32
1,613 lượt xem
Kỳ 2: Học sinh giảm áp lực nhưng giáo viên thiếu thời gian Bên cạnh sự đồng tình ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm của các nhà quản lý, khi thực hiện nhiều giáo viên đã gặp phải không ít khó khăn. Nhiều giáo viên cho rằng học sinh được giảm áp lực nhưng giáo viên thiếu thời gian.

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (Đông Hưng) trong giờ luyện tập môn Toán.

Mỗi giáo viên có thể nhận xét đến nghìn học sinh

Sổ dùng để đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư 30 là sổ theo dõi chất lượng giáo dục gồm một loại dành cho giáo viên chủ nhiệm và một loại của giáo viên bộ môn. Mỗi ô nhận xét của một học sinh gồm 5 hàng, dành để giáo viên nhận xét các nội dung về môn học và hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất. Sổ theo dõi này gồm 76 trang, sử dụng cho 35 học sinh, trong khi hiện nay ở khu vực Thành phố rất nhiều trường có sĩ số lớp từ 40 học sinh đến 50 học sinh. Đối với giáo viên bộ môn như mỹ thuật, thể dục, âm nhạc chỉ dạy 1 tiết/tuần/lớp. Để bảo đảm quy định dạy 23 tiết/tuần của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên phải dạy 23 lớp. Như vậy, mỗi giáo viên có thể phải đánh giá nhận xét đến nghìn học sinh. Khó khăn đặt ra là ngoài việc nhận xét môn học và hoạt động giáo dục, năng lực học sinh, các giáo viên phải nhận xét cả về phẩm chất của các em trong khi mỗi tháng giáo viên chỉ dạy 4 tiết/lớp với thời lượng 40 phút/tiết. Nhiều giáo viên bộ môn cho rằng, để nhớ được tên và mặt các em đã là khó rồi nói gì đến việc nhận xét cụ thể phẩm chất của từng em.

Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Về cơ bản, chúng tôi đồng tình ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Thông tư 30 bởi sẽ giảm áp lực cho học sinh về mặt điểm số. Tuy nhiên, muốn thực hiện triệt để ở tất cả các trường tiểu học thì cần có thời gian và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh. Do thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét nên mỗi giáo viên cần “đầu tư” hơn vào từng câu chữ, nêu được những điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh, không được dập khuôn nhận xét. Chính vì vậy, ngoài thời gian dạy trên lớp, giáo viên phải tận dụng triệt để thời gian cho công việc này. Hiện nay, Trường Tiểu học Kim Đồng có 19 lớp với 898 học sinh và 35 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Để giảm tải khó khăn, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Kim Đồng đã đề ra giải pháp: Trong một năm học, mỗi học sinh sẽ có 4 lần nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng, đối với những môn nhiều tiết thì nhận xét bằng lời hoặc vào vở viết 2 lần/tuần, đối với những môn ít tiết thì thực hiện 2 tuần/lần. Thông tư cũng nêu rõ phụ huynh và học sinh cùng đánh giá nhận xét, tuy nhiên hiện nay vì bận mà phần lớn phụ huynh đều đồng tình với nhận xét của cô giáo. Cùng quan điểm với cô giáo Lê Thị Bích Hạnh, cô giáo Bùi Thị Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (Đông Hưng) cho biết thêm: Trước đây, để phân loại học sinh, giáo viên dựa vào điểm số và nhận xét. Với Thông tư 30, vào cuối học kỳ I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên bộ môn thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập (kiểm tra chất lượng bằng điểm số), hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Việc phân loại học sinh giữa trung bình, khá, giỏi sẽ không rõ ràng.

Không nên cấm giao bài tập về nhà cho học sinh hoàn toàn

Chỉ thị 5105 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nêu rõ các địa phương siết chặt quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm. Đồng thời nghiêm cấm giáo viên tiểu học giao bài tập về nhà cho học sinh khi đã học 2 buổi/ngày, hướng dẫn học sinh hoàn thành bài tập ngay trên lớp với mục đích giảm áp lực cho học sinh. Trong khi đó, đối với một số môn học như môn tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, Bộ yêu cầu “dạy đến đâu chắc đến đấy”, nếu thời gian dạy buổi sáng không bảo đảm chương trình, giáo viên sẽ dùng thời gian buổi 2 để tăng thời lượng dạy cho các em. Như vậy, thời gian để các em làm bài tập sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều. Nhiều giáo viên ủng hộ chỉ thị này song họ cho rằng chương trình học của học sinh tiểu học vẫn đang khá nặng, cần gọn nhẹ, dễ hiểu để học sinh thực sự được giảm tải; hơn nữa, việc không làm bài tập ở nhà sẽ khiến các em không có thói quen tự học, tự sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các sân chơi trí tuệ. Quy định này nhận được sự đồng tình ủng hộ của phần lớn giáo viên tiểu học bởi sẽ giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Nhiều giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Sau hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 5105, hầu hết giáo viên, phụ huynh học sinh lớp 1, 2 rất hào hứng và ủng hộ chủ trương của Bộ nhưng giáo viên và phụ huynh lớp 4, 5 lại vô cùng lo lắng. Không làm bài tập ở nhà sẽ khiến các con không có thói quen tự học. Khi bước vào cấp II, khối lượng kiến thức lớn hơn đòi hỏi học sinh dành nhiều thời gian tự học ở nhà, tìm hiểu các tài liệu, sách tham khảo. Tuy ở tiểu học nhưng chương trình học của học sinh vẫn đang khá nặng; đối với những học sinh có học lực trung bình, giáo viên phải dành nhiều thời gian theo dõi và hướng dẫn các em hơn. Chính vì vậy, nên giao bài tập về nhà cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 4, 5 với thời lượng khoảng 40 phút (1 tiết học) và nằm trong chương trình sách giáo khoa. Cô giáo Bùi Thị Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long chia sẻ thêm: Việc không giao bài tập về nhà sẽ khiến cho học sinh có học lực trung bình yếu không có ý thức học hơn. Các ngày trong tuần, các em học nhiều thì nên cần có thời gian nghỉ ngơi còn hai ngày cuối tuần vẫn có thể giao thêm bài tập cho các em song cần hạn chế về mặt thời gian và số lượng bài tập.

Cùng với việc đồng tình không nên cấm giao bài tập về nhà cho học sinh hoàn toàn, các trường khẳng định sẽ siết chặt quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm. Muốn các trường thực hiện triệt để Thông tư 30 và Chỉ thị 5105, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn nữa để việc đổi mới được thực hiện đồng bộ.

(Còn nữa)

Đặng Anh

  • Từ khóa