Thứ 4, 24/07/2024, 06:24[GMT+7]

Ðổi mới giáo dục bậc tiểu học: Cần sự kết hợp từ nhiều phía (Kỳ III)

Thứ 5, 11/12/2014 | 09:00:09
1,849 lượt xem
Kỳ 3: Phụ huynh trước đổi mới giáo dục tiểu học: người mừng, người lo Thông tư 30 và Chỉ thị 5105 về đánh giá nhận xét học sinh tiểu học và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm là bước đột phá trong quá trình cải cách giáo dục. Rất nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ chủ trương thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét và nghiêm cấm giao bài tập về nhà nhưng đi kèm với đó là những băn khoăn, trăn trở của không ít những người làm cha, làm mẹ trong việc rèn cho con thói quen tự học, t

Tiết học môn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Mừng, lo khi con được giảm áp lực

Chị Nguyễn Thị Phương (tổ 39, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình)  có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng bày tỏ niềm vui khi biết chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét và không giao bài tập về nhà cho học sinh. Chị cho biết: Năm trước, con tôi học lớp 1 là năm đầu tiên áp dụng không chấm điểm với học sinh nhóm lớp này. Cô giáo sẽ dùng các hình thức khen thưởng để động viên các con. Đầu năm học 2014 - 2015, các trường vẫn thực hiện kết hợp giữa chấm điểm và nhận xét để đánh giá tình hình học tập của các con. Khi bị điểm kém, cháu thường xấu hổ với bạn bè, thầy cô và bố mẹ; tuy nhiên, rất nhiều lần cháu vui mừng khoe với bố mẹ điểm 9, điểm 10. Hiện nay, khi thực hiện Thông tư, học sinh sẽ được giảm áp lực học tập, tránh tình trạng so sánh điểm số với các bạn; hơn nữa, cô giáo nhận xét quá trình học tập, năng lực, phẩm chất của các con chi tiết, cụ thể. Qua đó, phụ huynh sẽ biết điểm mạnh, điểm yếu để cùng với giáo viên kịp thời chấn chỉnh và rèn các con đi vào nền nếp. Giờ đây, cùng với việc không làm bài tập về nhà, vợ chồng chị Phương có nhiều thời gian vui chơi cùng con hơn, có thể đưa con sang nhà ông bà nội, ngoại chơi hoặc cùng con xem ca nhạc, học hát, học vẽ…

Đồng quan điểm với chị Phương, nhiều phụ huynh cho rằng: Đối với những cha mẹ mong con học tốt, khi thấy con đạt điểm chưa cao đã đưa ra một số phương pháp giáo dục như nhồi nhét, la mắng, bắt học thêm ngoài giờ, mời gia sư về dạy riêng. Chính điều này đã khiến các em trở nên căng thẳng, không còn thời gian cho những sở thích vui chơi. Việc thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét không những giảm áp lực cho học sinh mà khiến tâm lý “so sánh, cạnh tranh” của phụ huynh được giải tỏa. Ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, các em nên tìm hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh, đặc biệt, phụ huynh nên dạy cho con cách yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu.

Nên kết hợp vừa cho điểm vừa nhận xét và giao bài tập về nhà

Bên cạnh những vui mừng của phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2 là những lo lắng, băn khoăn của nhiều bậc làm cha, làm mẹ có con học lớp 4, lớp 5. Hiện nay, nhận xét của một số giáo viên còn mang tính chung chung. Phụ huynh muốn biết quá trình học tập trên lớp của con thì phải dùng điện thoại gọi cho cô giáo, mà không phải lúc nào giáo viên cũng có thời gian trả lời. Nhiều phụ huynh chia sẻ: Mặc dù không muốn tạo áp lực việc học cho học sinh nhưng nếu kết hợp vừa cho điểm vừa nhận xét sẽ chuẩn xác hơn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ 10, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) tâm sự: Đối với môn Toán, giáo viên sẽ nhận xét ngay chỗ sai của con nhưng đối với một số môn học khác như: Tiếng Việt, Tập viết, Mỹ thuật, Âm nhạc, chúng tôi rất khó biết sự tiến bộ của con mình. Bên cạnh đó, hiện nay, các trường tiểu học ở khu vực nội thành đều đang trong tình trạng quá tải, mỗi giáo viên sẽ phải nhận xét từ vài chục học sinh đến cả nghìn học sinh. Điều này sẽ khiến một bộ phận giáo viên nhận xét không chi tiết. Em Bùi Thanh Nam, học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Thái Bình) cho biết: Thầy cô không chấm điểm mà thay bằng lời phê nhận xét nên em biết bài làm của mình làm được ở chỗ nào, sai sót ở đâu để sửa. Trong bài tập môn Toán, sau khi cô giáo phê ngay dưới lỗi sai “Trong một dãy phép tính, con nên thực hiện phép chia trước, phép cộng sau”, em nhận thấy mình cần luyện tập nhiều hơn ở phép tính này. Em và các bạn thích cô giáo vừa chấm điểm, vừa ghi lời phê.

Bên cạnh việc vừa cho điểm kết hợp với nhận xét, nhiều phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có con học lớp 4, lớp 5 mong muốn giáo viên giao bài tập về nhà cho các con nhưng nên giới hạn về số lượng và kiến thức chỉ nằm trong chương trình sách giáo khoa. Chị Trần Thị Tuyết (phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình) cho biết: Làm bài tập về nhà để giúp con rèn nếp học ngay từ nhỏ, giúp con nắm bài tốt hơn, là cách để cho con ôn lại bài cũ một cách hiệu quả và nhanh chóng. Hiện giờ chương trình học của học sinh tiểu học tương đối nặng, không thể khẳng định chắc chắn rằng chỉ cần học 2 buổi/ngày thì học sinh sẽ nắm chắc khối lượng kiến thức lớn. Bên cạnh đó, khi phụ huynh không có thời gian vui chơi cùng các con, nhiều em sẽ sa đà vào ti vi, máy tính, thậm chí là chơi ở ngoài đường, bất chấp sự nguy hiểm từ các phương tiện tham gia giao thông. Chúng tôi mong muốn các cô giáo hãy giao bài tập về nhà cho học sinh khối 4, khối 5 để các em có thói quen tự học trước khi bước sang một cấp học mới.

Bên cạnh những băn khoăn, lo lắng của chị Hạnh, chị Tuyết, chúng tôi còn nhận được khá nhiều câu hỏi xoay quanh việc thực hiện Thông tư 30 và Chỉ thị 5105, đặc biệt là hình thức tuyển sinh đầu vào đối với các trường THCS chất lượng cao. Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố  Thái Bình cho biết: Trước những đổi mới ở giáo dục tiểu học hiện nay, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sang học kỳ II của năm học này, UBND Thành phố sẽ có quyết định chính thức về hình thức tuyển sinh đầu vào Trường THCS Lương Thế Vinh, đây là trường THCS chất lượng cao của khu vực thành phố Thái Bình. Đồng thời sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể đối với giáo viên và học sinh để có những định hướng và cách ôn tập cần thiết.

Mặc dù còn những băn khoăn, lo lắng song trên hết vẫn là sự thống nhất, đồng thuận cao của các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh khi đón nhận những chủ trương mới trong thực hiện đổi mới giáo dục bậc tiểu học. Để thực hiện hiệu quả các chủ trương trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh. Khi việc thực hiện đi vào nền nếp, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường ngày càng gắn bó hơn, giúp học sinh sẽ có những định hướng đúng đắn hơn trên con đường học tập của mình.

Đặng Anh

  • Từ khóa