Thứ 6, 26/07/2024, 03:08[GMT+7]

Gian nan “gánh” chữ lên non

Thứ 2, 12/01/2015 | 09:58:19
1,219 lượt xem
Sống xa gia đình, trèo đèo, lội suối vận động học sinh tới trường là những gian nan, vất vả mà các giáo viên vùng cao phải trải qua trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng nhiều thầy, cô giáo miền xuôi vẫn tình nguyện tới vùng sâu, vùng xa để mang chữ tới các em nhỏ. Vượt qua núi cao, sông sâu, hành trang giản dị họ mang theo là khát vọng và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Thầy Trần Xuân Thủy, giáo viên Trường THCS Mường Chiên (xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai, Sơn La) quản lý học sinh trong lớp.

Trong chuyến từ thiện cùng Nhóm Kết nối trái tim huyện Quỳnh Phụ tới xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người con của quê hương Thái Bình đang công tác tại Trường THCS Mường Chiên. Cuộc trò chuyện giữa những người đồng hương trở nên thân mật, gần gũi ngay sau đó. Bao nhiêu khó khăn, vất vả trong đời sống, công việc của giáo viên vùng cao được bộc bạch qua những lời tâm sự chân thành nhất. Trong số những giáo viên quê ở Thái Bình có thầy giáo Trần Xuân Thủy, sinh năm 1982, giáo viên dạy môn Sinh, Hóa, quê thôn Minh Đức (xã Lô Giang, Đông Hưng). Thầy Thủy đã có 5 năm công tác tại mái trường vùng cao Tây Bắc này. Thầy Thủy chia sẻ: Mảnh đất này vô vàn khó khăn, đường sá, giao thông không thuận tiện, các bản làng lại nằm xa khu trung tâm xã. Người dân thiếu thốn trăm bề, lo cái ăn đã nhọc huống chi còn lo cho con học chữ. Vì thế nhiều gia đình không muốn cho con đi học. Địa phương và cán bộ, giáo viên nhà trường phải tới từng gia đình vận động. Thế nhưng số lượng học sinh vẫn ít, có em vừa đi học vài buổi lại bỏ, đến nhà tìm hiểu mới biết em nghỉ học vì bố mẹ bắt đi lấy chồng. Sau cuộc di dân để xây dựng thủy điện Sơn La, nhà nước hỗ trợ xây dựng trường mới nên thầy và trò không phải dạy và học ở lán trại như trước. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tới trường vẫn thấp, nhiều giáo viên trẻ vẫn phải tới bản để vận động, thuyết phục gia đình cho con đi học.

 

Sinh năm 1991, tuổi đời còn rất trẻ nhưng ngay sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô giáo Phạm Minh Đào, quê xã Minh Quang (Vũ Thư) đã xin về Trường THCS Mường Chiên để giảng dạy. Cô chia sẻ: Không như học sinh miền xuôi, học sinh ở đây rất vất vả, phải làm việc ngay từ khi còn nhỏ. Trong đó, có nhiều học sinh vì kinh tế gia đình khó khăn nên không được đi học mà ở nhà chăn dê, chăn bò hoặc làm nương. Để dạy được các em đòi hỏi ngoài biết tiếng dân tộc, giáo viên phải hiểu văn hóa cũng như các phong tục tập quán bản địa. Do học sinh ở đây ít có thời gian học bài ở nhà cộng với nhận thức chậm nên giáo viên mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ trong từng nội dung bài giảng. Các thầy cô phải thực sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài được.

 

Ngoài thầy Thủy, cô Đào, ở Trường THCS Mường Chiên còn có cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh là người quê Thái Bình. Trường cách nhà hơn 100km, cô mới sinh con nhỏ song vì giao thông đi lại khó khăn, những lúc trời mưa đường sạt lở chỉ còn cách đi bằng thuyền nên 2 - 3 tuần cô Quỳnh mới được về nhà để chăm sóc con. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của cô và nhiều giáo viên khác ở tại khu tập thể giáo viên. Mặc dù trong lời chia sẻ cô không nhắc đến những khó khăn nhưng ai cũng hiểu sự hy sinh thầm lặng của người nữ giáo viên ấy. Cô đã tạm gác cái riêng là gia đình để hướng tới cái chung là phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao.

 

 

Nhóm Kết nối trái tim huyện Quỳnh Phụ trao quà cho học sinh xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

 

Dẫu không thấy hết những khó khăn của giáo viên vùng cao song thông qua lời tâm sự chân thành của các thầy, cô giáo và tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân bản địa chúng tôi có thể cảm nhận được hành trình mang chữ tới các bản làng vùng cao thật lắm gian nan. So với giáo viên miền xuôi, giáo viên ở đây phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng những giáo viên ở đây vẫn rất lạc quan bởi họ nghĩ rằng việc dạy chữ sẽ giúp cuộc đời các em nhỏ nơi vùng cao tươi sáng hơn. Sau phút trò chuyện ngắn ngủi với các thầy, cô giáo, chúng tôi trở lại với công việc chính là phát quà từ thiện song ai nấy cũng hạnh phúc và tự hào về những người con quê lúa Thái Bình. Họ đang nỗ lực từng ngày, cùng vượt khó để “gánh” chữ lên non, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của đất nước.

 

Hoàng Lanh

 

“Trường có 4 lớp với 87 học sinh, 12 giáo viên. Tỷ lệ học sinh đến trường qua các cấp học cao hơn ngày càng giảm. Trang thiết bị, đồ dùng học tập thiếu thốn, đời sống của cán bộ, giáo viên còn gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, các thầy, cô giáo ở đây rất nhiệt huyết, họ có nhiều sáng kiến trong giảng dạy nhằm thu hút học sinh tới lớp và sẵn sàng gắn bó lâu dài với mảnh đất Mường Chiên.”

(Ông Lò Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chiên)

  • Từ khóa