Chủ nhật, 22/12/2024, 12:56[GMT+7]

Trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật Thái Bình Vững bước trên chặng đường phát triển

Thứ 2, 15/11/2010 | 14:44:58
2,007 lượt xem
Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật (VHNT) Thái Bình tiền thân là Trường Nghiệp vụ Văn hoá Thông tin thành lập từ ngày 12-5-1975, đến nay trường đã trải qua chặng đường 35 năm xây dựng và trưởng thành.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng thầy trò nhà trường nhân dịp khai giảng năm học mới.

Từ một trường chức năng nhiệm vụ đơn thuần là đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn cán bộ nghiệp vụ VHTT cho phong trào cơ sở, biên chế chỉ có 13 cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất sơ sài, địa điểm mở lớp phải nhờ tại trụ sở các xã trong tỉnh... trường đã  từng bước phát triển vững chắc, vươn lên thành trường Trung học VHNT Thái Bình (ngày 8-12-1988).

 

Và từ 21-12-2005, một vinh dự đến với cán bộ, giáo viên nhà trường và cán bộ nhân dân trong tỉnh, trường được Bộ GDĐT ra quyết định nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng VHNT Thái Bình trên cơ sở trường Trung học VHNT Thái Bình. Dù ở giai đoạn nào, đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV luôn đoàn kết, phấn đấu bền bỉ, bám sát nhiệm vụ chính trị, vừa giảng dạy, học tập vừa xây dựng và phát triển bộ máy tổ chức, đội ngũ, vừa xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng mục tiêu ngành nghề, chương trình đào tạo đưa nhà trường có tốc độ phát triển nhanh và vững chắc.

 

Khắc phục muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ buổi đầu hình thành, ngay trong giai  đoạn 5 năm đầu kể từ ngày thành lập (1975 – 1980), Trường đã có những gặt hái thành công đáng kể với nhiều ý nghĩa. Trên 600 diễn viên múa hát chèo, 300 cán bộ bảo tàng, giáo dục truyền thống; 500 chủ nhiệm Nhà văn hoá, câu lạc bộ; 300 cán bộ biên tập phát thanh; 50 nhạc công dân tộc được đào tạo giai đoạn này đã trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần khơi dậy và phát huy sống động đời sống văn hoá văn nghệ ở cơ sở, đặc biệt là các vùng nông thôn.

 

Đến 1978, năm ghi nhận bước ngoặt mới trong chặng đường phát triển của trường khi  được giao địa điểm xây trường; được Bộ VHTT giao cho liên kết với trường Nghiệp vụ VHTT Trung ương đào tạo một số chuyên ngành Trung học cho các tỉnh phía Bắc. Lớp quản lý Nhà văn hoá cấp huyện đầu tiên khai giảng tại xã Đông La (Đông Hưng) là một dấu mốc khi trường vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Văn Hiếu về dự và giảng bài đầu tiên cho lớp học.

 

Bước sang giai đoạn thứ hai khi trường được công nhận đạt chuẩn trường THCN, sự nghiệp đào tạo của trường phát triển lên tầm cao mới. Cùng với đào tạo bồi dưỡng cán bộ VHTT cho cơ sở, trường liên tục đào tạo các ngành nghề VHNT ở trình độ trung học để bổ sung cho các đoàn nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Đến năm 1990, nhà trường được Bộ GDĐT, Bộ VHTT và UBND tỉnh cho phép đào tạo TH sư phạm nhạc, hoạ phục vụ cho giáo dục tiểu học và THCS. Từ năm 2003 thực hiện chủ trương của Nhà nước về xây dựng đội ngũ công chức cơ sở, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và quy hoạch phát triển sự nghiệp VHTT do UBND tỉnh phê duyệt, trường đào tạo thêm mã ngành trung học quản lý VH thông tin và VH du lịch.

 

Ngoài ra, trường còn liên kết với các trường ĐH, CĐ đào tạo đại học quản lý văn hoá, thư viện, mỹ thuật, sư phạm nhạc - họa hệ tại chức; cao đẳng sư phạm nhạc - hoạ chính quy và không chính quy, đồng thời liên kết đào tạo với các trường nghiệp vụ VHTT các tỉnh.

 

Thời gian này, lưu lượng học sinh bình quân hàng năm vào trường khoảng từ 600 đến 1000 HSSV ở tất cả các ngành nghề, các bậc học và các hình thức đào tạo khác nhau.  Đặc biệt từ năm 2006 khi trường được nâng lên Cao đẳng đến nay, lịch sử nhà trường bước vào giai đoạn phát triển mới. Trường đã mở 7 mã ngành đào tạo CĐ gồm CĐSP nhạc, Mỹ thuật, Mỹ thuật chuyên ngành, Chèo, Thanh nhạc, Quản lý văn hoá, Thư viện. Với kinh nghiệm giảng dạy quản lý và uy tín về chất lượng đào tạo nên các ngành nghề đào tạo của trường có sức hút đông đảo HSSV không chỉ trong tỉnh mà ở các tỉnh khu vực phía Bắc về học tập và rèn luyện.

 

Sau chặng đường nỗ lực phấn đấu, đến nay Trường  CĐ VHNT tự hào đã có cơ sở vật chất khá khang trang, sạch đẹp. Bộ máy tổ chức hoàn chỉnh với bốn phòng chức năng, bốn khoa chuyên môn và một trung tâm làm việc có hiệu quả. Đảng bộ nhà trường luôn là đảng bộ TSVM.  65 cán bộ giáo viên có 95% đã tốt nghiệp đại học, trên 35% là thạc sĩ và đang học cao học, một NSƯT, hai giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Trên 70% giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng có trình độ thạc sĩ, sau đại học, danh hiệu NSƯT, giàu tâm huyết, hết lòng với sự nghiệp “ươm mầm non nghệ thuật”.

 

Từ 6 ngành nghề đào tạo, đến nay trường đã và đang đào tạo 25 ngành nghề khác nhau. Số lượng HSSV liên tục tăng, riêng năm học 2008 – 2009 trường có gần 1700 HSSV, tăng gần gấp bốn lần năm học trước. Nhà trường tự hào đã đào tạo được 4.128 học sinh trung học, trên 523 đại học và 1585 sinh viên cao đẳng; bồi dưỡng ngắn hạn cho hàng chục ngàn cán bộ VHTT cơ sở và các hạt nhân múa hát chèo cho các thôn làng.

 

Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi hàng năm đạt từ 47 – 52%; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 96%. Qua tám kỳ tham gia liên hoan ca múa nhạc các trường VHNT toàn quốc do Bộ VHTT và DL tổ chức, trường đều đạt các giải cao. Đặc biệt tháng 6-2010 tham gia liên hoan, trường được Bộ VHTT và DL khen thưởng là bốn trường xuất sắc nhất trên 33 trường tham gia. Khi đánh giá về chất lượng đào tạo chèo, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT – giáo sư Nguyễn Trung Kiên khẳng định “Việc đào tạo chèo của trường VHNT Thái Bình đã có bề dày, cốt cách, có chiều sâu, chất lượng cao, hiệu quả tốt.

 

Nhiều học sinh hát hay múa dẻo, diễn tốt thể hiện được chất chèo truyền thống”. HSSV của trường tham gia phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các ngành; đi kiến tập thực tập ở cơ sở đều được đánh giá cao. Số SV tốt nghiệp có việc làm hoặc học lên bậc cao hơn đạt 95% trở lên, trong đó chuyên ngành chèo, nhạc cụ dân tộc, quản lý văn hóa đạt 100%. Chỉ tính riêng SV chèo ra trường đã có mặt ở 16/18 nhà hát - đoàn chèo toàn quốc.

 

Nhiều HSSV của trường đã trở thành NSƯT, xuất sắc, đạt danh hiệu các tài năng nghệ thuật trẻ toàn quốc, là giáo viên, cán bộ quản lý giỏi ở các đơn vị VHNT trong ngoài tỉnh. Với những nỗ lực không ngừng, tập thể và nhiều cá nhân của trường đã được Đảng và Nhà nước, các bộ ngành ghi nhận thành tích với nhiều huân chương, cờ, bằng khen, giấy khen và phần thưởng...

 

Có được kết quả trên, nhà trường luôn biết ơn và ghi nhớ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ VHTT, Bộ GDĐT, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các đơn vị, các trường bạn; sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, HSSV qua các thời kỳ. Để tiếp nối truyền thống vẻ vang, Trường CĐ VHNT Thái Bình quyết tâm phấn đấu xây dựng trường lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh và khu vực; phấn đấu góp phần sớm đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ XVIII vào cuộc sống và xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân.

 

Để thực hiện được điều đó, nhiệm vụ thời gian tới của nhà trường rất nặng nề. Trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề loại hình đào tạo. Xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu nghệ thuật Chèo, nhạc cụ truyền thống của tỉnh và khu vực. Đẩy mạnh XHH công tác đào tạo VHNT, tiến tới hợp tác quốc tế đào tạo một số ngành nghề xã hội có nhu cầu. Chuẩn bị mọi nguồn lực nâng cấp lên trường đại học vào năm 2015 – 2020.

 

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực và hiệu quả cao. Giữ vững nền nếp kỷ cương trong mọi hoạt động; thực hiện ba công khai trong giáo dục, xây dựng công bố chuẩn đầu ra với các ngành nghề đào tạo, thực hiện việc kiểm định chất lượng, thường xuyên đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, chuyển dần sang đào tạo theo tín chỉ.

 

Tăng cường giáo dục pháp luật, chính trị và đạo đức cho CBGV và HSSV theo nội dung Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết chặt chẽ với nội dung các cuộc vận động do Bộ GDĐT phát  động. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBGV vừa hồng vừa chuyên, đoàn kết thống nhất, gắn bó và say với nghệ thuật, với nghề dạy học, phấn đấu thực hiện tốt “Thầy mẫu mực, HSSV thanh lịch, nhà trường văn hoá”.

 

Tăng cường và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đầu tư xây dựng thư viện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh xây dựng cơ sở mới của trường đạt tiêu chuẩn trường VHNT đa ngành. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của các đoàn thể trong trường học; xây dựng nếp sống văn hoá, cơ quan đơn vị văn hoá. Động viên và đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, quản lý giỏi; phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm gắn với thực tế đời sống xã hội, góp phần làm cho văn hoá thấm sâu, lan toả mạnh mẽ trong cuộc sống tinh thần của nhân dân.

 

Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, một vinh dự và tự hào nữa lại đến với các thế hệ cán bộ giáo viên, HSSV, Trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là phần thưởng, là nguồn động viên khích lệ để CBGV, HSSV nhà trường tiếp tục phấn đấu. Tin rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng cùng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, Trường CĐ VHNT sẽ ngày càng vươn cao, vươn xa hơn nữa và vững vàng trong thời kỳ hội nhập; trở thành một trong những trung tâm đào tạo cán bộ văn hoá, tài năng nghệ thuật của cả nước.

Th.s Dương Xuân Thoạn

Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường

 

  • Từ khóa