Thứ 3, 06/05/2025, 12:10[GMT+7]

Học dốt vẫn phải… lên lớp

Thứ 2, 26/01/2015 | 08:38:26
5,322 lượt xem
Các đơn vị quản lý trong ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm với những trường hợp gian lận, tiêu cực trong thi cử, đánh giá chất lượng học sinh. Ðiều cốt yếu là mỗi học sinh phải nhận thức được bản chất, tầm quan trọng của việc học, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để tiếp thu kiến thức hiệu quả bằng chính năng lực và khả năng của mình.

Ảnh minh họa.

 

Tuần trước, tôi về quê, hỏi ông chú họ chuyện học hành của các em, chú than thở: “Cậu lớn học lớp 4 còn khá, chứ cậu bé học lớp 2 thì buồn lắm. Ðọc chưa hết mặt chữ, cộng trừ những số đơn giản còn sai. Từ khi học lớp 1 đến giờ, hầu hết bài làm của em chỉ được điểm dưới 5, nhiều bài 0 điểm. Gần đây, cô giáo không chấm điểm nữa nhưng phê vào vở: “Nhận thức rất chậm, không hiểu bài, đề nghị gia đình kèm cặp để cháu tiến bộ”. Thấy con học kém, chú cũng lo nhưng nhà làm ruộng rất bận mải không có thời gian quan tâm đến con. Sức học của em như vậy không hiểu sao nhà trường vẫn cho lên lớp?”. Tôi đem câu chuyện của chú mình kể với một chị là giáo viên, chị bảo: “Chuyện này không có gì lạ. Tớ có “thâm niên” coi học sinh thi lại, đồng nghiệp đều khen “mát tay” vì cứ coi thi là học sinh đỗ. Nhưng thực chất, thời này những học sinh phải thi lại là học kém lắm, mình đều bảo cách làm bài “vớt” chúng qua chứ để trượt nữa phải thi lại lần 2 vừa khổ giáo viên mà nhà trường vẫn “phải” cho lên lớp”.

 

Thực tế những năm gần đây, chuyện học sinh học kém vẫn lên lớp đều đều, học sinh “ngồi nhầm lớp” không còn là chuyện hiếm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do “bệnh thành tích” trong giáo dục. Vì “thành tích”, vì “danh hiệu thi đua” mà một số trường sẵn sàng “thổi phồng” tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Một số trường thì không cho phép có học sinh yếu, kém và lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” chung, đến “uy tín” của nhà trường. Cũng vì “bệnh thành tích” mà trong các kỳ thi lên lớp một số học sinh “đỗ oan” nhưng càng học lên càng đuối. Vì thế, học sinh yếu kém ngày càng ít đi, học sinh lưu ban hầu như không có. Lớp “toàn học sinh giỏi” đã dần không phải là chuyện hiếm khiến điều tưởng như là vui mừng bỗng trở thành nỗi lo. “Bệnh thành tích” trong giáo dục tồn tại lâu nay quen rồi khiến người dân trong xã hội coi đó là chuyện bình thường. Phụ huynh giờ cũng quá quen với chuyện con mình đi học được điểm 9, 10, nếu chúng chỉ được 7, 8 điểm đã cuống cả lên. Chính “căn bệnh” này cũng gieo vào lòng các bậc làm cha làm mẹ suy nghĩ: cứ cho con đi học là lên lớp, học kém cũng khó có thể lưu ban. Nó cũng tạo ra ảo tưởng cho nhiều học trò: “học là qua, thi là đỗ” nên cứ nghĩ mình tài, mình giỏi trong khi cái tài giỏi đó lại do thầy cô học thay hoặc cố vẽ ra cho mình. Chỉ đến kỳ thi đại học, không ít “sĩ tử” thành “tử sĩ” chỉ vì học không đúng bản chất, hổng kiến thức trầm trọng, trong khi những năm học trước hay kỳ thi tốt nghiệp vẫn được cho là “giỏi”.

 

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo đã phát động thực hiện cuộc vận động: “Nói không với thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tuy nhiên, “bệnh thành tích” vẫn còn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả giải quyết triệt để. Vì vậy để xử lý tận gốc “bệnh thành tích” trong giáo dục, mỗi tập thể, cá nhân cần phải hưởng ứng và cùng chung sức hành động. Bắt đầu từ gia đình, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường quan tâm sát sao đến việc học của con em mình, gần gũi, động viên các em nỗ lực vươn lên. Cán bộ, giáo viên cần thay đổi suy nghĩ, không nên quá coi trọng thành tích, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, thi: học thật, thi thật và đánh giá đúng thực chất, năng lực của học sinh. Các đơn vị quản lý trong ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm với những trường hợp gian lận, tiêu cực trong thi cử, đánh giá chất lượng học sinh. Ðiều cốt yếu là mỗi học sinh phải nhận thức được bản chất, tầm quan trọng của việc học, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để tiếp thu kiến thức hiệu quả bằng chính năng lực và khả năng của mình.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa