Thứ 7, 27/07/2024, 02:16[GMT+7]

Đón chờ sự đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Thứ 3, 10/02/2015 | 08:51:45
1,377 lượt xem
Theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 9/9/2014 về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn.

 

Căn cứ vào Quyết định 3538, ngày 18/12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với thời gian dự kiến tổ chức thi từ ngày 1 - 4/7/2015. Theo dự thảo, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, sử dụng thang điểm 20 điểm/môn. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi liên tỉnh, mỗi cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh. Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi trên cơ sở kết quả 4 môn thi với điểm trung bình năm lớp 12. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở bậc THPT kết hợp với phương thức tuyển sinh riêng để tuyển sinh.

 

Trước những chủ trương đổi mới ở kỳ thi dành cho học sinh học hết chương trình THPT năm nay, ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành những công văn hướng dẫn các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đôn đốc các trường làm tốt công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản của dự thảo Quy chế kỳ thi chung quốc gia đến toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ngay sau khi hoàn thành chương trình THPT đúng theo Công văn số 4099 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015, Sở yêu cầu các trường chú trọng hướng dẫn học sinh cách xây dựng kế hoạch tự ôn tập, thực hiện việc tự ôn luyện, hệ thống kiến thức, những kỹ năng chung và kỹ năng riêng trong từng môn học. Từ nay đến khi kết thúc năm học, các nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh để định hướng, nhắc nhở các em củng cố kiến thức, kỹ năng trong thời gian tự ôn tập để có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục cho biết: Cuối tháng 12/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được kết quả phản hồi từ tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên đối với bản dự thảo Quy chế kỳ thi chung quốc gia năm 2015. Phần lớn các trường đánh giá cao chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng tình, hưởng ứng.

 

Thầy Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Tôi đánh giá cao bản dự thảo Quy chế kỳ thi chung quốc gia 2015, thể hiện khá chi tiết, cụ thể và đáp ứng được mong đợi của phụ huynh, học sinh lớp 12. Bên cạnh đó, thời gian thi được dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7/2015 là phù hợp, tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Việc mở rộng thang điểm từ 10 điểm lên 20 điểm sẽ giúp phân hóa chi tiết kết quả thi của từng thí sinh, là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Thầy Phạm Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vũ Thư chia sẻ: Về cơ bản, chúng tôi đồng tình với chủ trương đổi mới của kỳ thi quốc gia THPT năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi điều này sẽ giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay chỉ có một đề thi chung cho khối THPT và giáo dục thường xuyên nên đã tạo ra áp lực lớn đối với học sinh và giáo viên. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Trung tâm đã sớm lên kế hoạch và xây dựng chương trình ôn tập mới cho học sinh, phù hợp với hướng ra đề thi và cách tính điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du bổ sung kiến thức về tin học.

 

Khác với các năm học trước, năm học này, chủ đề mà học sinh quan tâm thảo luận không phải là các dạng bài tập và cách giải mà là cách tổ chức thi và phương thức tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi quốc gia THPT năm 2015. Em Phạm Văn Mạnh, Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Nhờ sự quan tâm, chia sẻ, giải thích của các thầy giáo, cô giáo trong trường, chúng em sớm biết được những đổi mới của kỳ thi quốc gia THPT năm 2015. Điều chúng em quan tâm nhiều nhất là thông tin về phương thức tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều trường chưa công bố phương thức tuyển sinh khiến chúng em băn khoăn, lo lắng và chưa có hình thức ôn tập phù hợp. Em Trần Thị Vân, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (Trường Cao đẳng nghề số 19) băn khoăn: Khác với các năm trước, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra một đề thi chung, không phân biệt giữa bậc THPT và hệ giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng em phải thường xuyên cập nhật những thông tin về kỳ thi trên mạng internet, đồng thời thay đổi cách ôn tập phù hợp với cách ra đề thi của Bộ. Năm nay, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận tốt nghiệp với tối đa 16 nguyện vọng được chia làm bốn đợt xét tuyển. Đây là cơ hội lớn để chúng em có thể vào học các trường đại học, cao đẳng mong muốn. Tuy nhiên, do chưa có quy chế chính thức nên chúng em vẫn đang “loay hoay” chưa biết định hướng học và ôn luyện cụ thể như thế nào hiệu quả nhất.

 

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi cụm liên tỉnh. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng về vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự, sức khỏe của thí sinh và người thân khi tham dự kỳ thi. Vì vậy, việc sớm ban hành quy chế chính thức để các tỉnh được đặt cụm thi sớm lên kế hoạch bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế là mong muốn của ngành Giáo dục - Đào tạo, học sinh và phụ huynh học sinh.

 

Đặng Anh

  • Từ khóa