Thứ 4, 21/05/2025, 10:05[GMT+7]

Lớp học ở Song Tử Tây

Thứ 5, 12/02/2015 | 16:34:16
1,247 lượt xem
Khác với những lớp học trong đất liền, giữa biển khơi bao la, ở nơi đầu sóng ngọn gió, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những thầy giáo trẻ đang công tác tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài gieo từng con chữ. Lớp học trên đảo Song Tử Tây thường được mọi người gọi là lớp học đặc biệt, hay lớp học “3 trong 1” vì cả lớp chỉ có 6 em, trong đó có 2 em học lớp 3, 2 em học lớp 2 và 2 bé học mẫu giáo.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết hướng dẫn học sinh làm bài tập.

 

Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi có mặt trên xã đảo Song Tử Tây. Mới sáng sớm đã thấy các em nhỏ ríu rít gọi nhau tới trường. Lớp học ở Song Tử Tây chỉ là một phòng học nhỏ khoảng 30m2 nằm trong khuôn viên của UBND xã đảo, dưới những tán bàng vuông xanh mướt. Trên bục giảng, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết đang chuẩn bị bài giảng cho lớp học đặc biệt của mình. Nói về lớp học, thầy Quyết cho biết: Khó khăn lớn nhất là đồ dùng học tập, tranh ảnh, tài liệu minh họa phục vụ giảng dạy cho các em còn thiếu nên giờ học khô khan và thiếu hấp dẫn. Công việc dạy học ở Song Tử Tây tuy còn rất khó khăn và hoàn toàn khác với đất liền nhưng điều đó dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho thầy và trò nơi đây quyết tâm bám lớp, nỗ lực thi đua để dạy và học ngày càng tốt hơn.

 

Thầy giáo Lê Xuân Quyết và Lê Văn Mạnh cùng quê ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cả 2 thầy cùng tình nguyện ra Trường Sa công tác chỉ với một tâm nguyện: “Đem sức trẻ và kiến thức để phục vụ Tổ quốc, góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng”. Thầy Quyết tâm sự: Khi biết mình quyết định ra Trường Sa công tác, mọi người trong nhà đều cảm thấy lo lắng nhưng mình đã quyết tâm thì phải thực hiện bằng được. Hơn nữa, được ra Trường Sa dạy học là điều rất thiêng liêng, nhất là với giáo viên trẻ. Lúc đầu ra đảo dạy học, bọn mình cũng không khỏi ngỡ ngàng nhưng càng ngày càng thấy cuộc sống và công việc trên đảo trở nên thân quen chẳng khác gì đất liền. Tình cảm của học sinh, quân và dân trên đảo với bọn mình rất khăng khít, ấm áp.

 

Nhìn hình ảnh mỗi buổi học, các thầy tận tình dạy bảo, cầm tay từng học trò nhỏ nắn nót uốn từng nét chữ, chỉnh sửa từng phép tính, câu phát âm chưa chuẩn, tôi thầm cảm phục sự tận tâm và tấm lòng nhiệt huyết của hai thầy. Những ngày lễ, tết ở đảo xa, do điều kiện còn nhiều khó khăn nên các trò không có hoa tươi hay quà tặng các thầy mà chỉ có những bức tranh, đồ chơi tự tay làm ra. Những món quà rất giản dị nhưng lại chất chứa biết bao tình cảm khiến những thầy giáo trẻ đang gieo chữ trên đảo cảm thấy vô cùng quý mến. Với các thầy giáo trẻ, tình cảm lớn nhất mà họ nhận được đó là sự tin yêu, động viên, chia sẻ, giúp đỡ tận tình của quân và dân trên đảo.

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa