Thứ 5, 02/05/2024, 10:28[GMT+7]

Bền bỉ phong trào thi đua "hai tốt"

Thứ 2, 22/11/2010 | 10:39:05
3,925 lượt xem
Cứ gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm, ngành Giáo dục-đào tạo lại tổ chức tổng kết thi đua. Năm thì tuyên dương học sinh giỏi, học sinh đạt các giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Có năm thì tổng kết phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”.

Giờ lên lớp của cô và trò. Ảnh: Thành Tâm

Năm nay, tròn 65 năm thành lập công đoàn giáo dục Việt Nam; 28 năm phong trào thi đua “hai tốt” và chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, khi trong ngành có đại biểu được tín nhiệm bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; toàn ngành giáo dục Thái Bình vinh dự nhận cờ thưởng thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục-đào tạo... Lý do ấy, không khí ấy, làm cho lễ tổng kết phong trào thi đua “hai tốt” như vui hơn, trọn vẹn hơn.

 

Đúng như giám đốc Sở GD-ĐT - Đặng Phương Bắc khẳng định trong diễn văn kỷ niệm: “Hàng năm, cứ vào dịp 20/11, toàn xã hội lại dành nhiều tình cảm và tổ chức các hoạt động thiết thực để tôn vinh những người thầy. Đã từ lâu “Tôn sư trọng đạo” trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Namon>.

 

Nét đẹp ấy, ngày nay đang tiếp tục phát huy và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình cảm thiêng liêng dành cho người thầy luôn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta và ngày Nhà giáo Việt Namon> 20/11 là dịp quan trọng nhất để toàn xã hội thể hiện lòng thành kính của mình đối với các thầy, cô giáo”.

 

Câu văn ấy, được cất lên từ giọng đọc của một nhà giáo có thâm niên, không khỏi làm các cựu giáo chức, các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân đã nghỉ hưu.... xúc động. 28 năm  phong trào thi đua “hai tốt”, đã tạo động lực mạnh mẽ, sự tiếp nối trong dòng chảy liên tục, qua các thế hệ giáo viên và học sinh... để thực hiện được lời Bác Hồ căn dặn trước lúc người đi xa: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

 

Năm học 2009-2010 là năm học được Bộ Giáo dục-đào tạo xác định là năm: “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Cùng với cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Hai tốt” lại như ánh sáng soi đường để các thầy, cô giáo vượt qua khó khăn “dạy tốt” và các em học sinh thi đua “học tốt”.

 

Rồi phong trào: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực “được các trường của bậc giáo dục trung học chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Việc cải tiến phương pháp dạy học cho phù hợp với nội dung chương trình sách giáo khoa được nhiều thầy, cô giáo nhiệt tình, tích cực thực hiện.

 

Nhiều tiết dạy đã thể hiện khá rõ nét việc đổi mới đồng bộ cả về nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy  học, tiêu biểu là: Phòng GD Đông Hưng, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, Bắc Đông Quan, Vũ Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi... Quan tâm giúp đỡ học sinh yếu kém, chỉ đạo các trường khảo sát, phân loại học sinh, yếu kém ngay từ tuần 2 của năm học.

 

Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc phụ kém cho học sinh, các nhà trường đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học tập cho đối tượng học sinh yếu, kém, động viên, khích lệ kịp thời những cố gắng của các em. Trọng tâm bồi dưỡng học sinh giỏi cũng được các nhà trường quan tâm đầu tư. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm nay, toàn tỉnh có 640 dự thi, 408 em đoạt giải: 23 giải nhất, 127 giải nhì, 177 giải 3, 81 giải khuyến khích.

 

Kỳ thi HSG quốc gia năm học 2009-2010, Thái Bình có 56/65 học sinh đoạt giải gồm: 1 giải nhất, 15 giải nhì, 31 giải ba, 9 giải khuyến khích. Có một học sinh đoạt giải nhì môn vật lý, được dự thi chọn đội tuyển Olympic. Tỷ lệ học sinh đoạt giải chiếm 86,15%, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

 

Kỳ thi đại học năm 2010, Thái Bình vẫn là tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đỗ cao, vào tốp đầu của cả nước. Có 9 trường THPT được xếp vào tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh thi đại học đạt điểm cao trong toàn quốc. 99,72% học sinh tốt nghiệp THPT, xếp thứ 3 toàn quốc.

 

Đẩy mạnh và tạo bước chuyển mới trong giáo dục nghề phổ thông, các trường THCS, THPT đều chủ động liên kết với các trung tâm kỹ thuật tổng hợp, tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh. Hoạt động giáo dục ngoài giờ: trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy, môi trường, giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản, hoạt động TDTT được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành được đẩy mạnh. Tin học đã và đang nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà trường. Toàn ngành có 3 phòng GD-ĐT tổ chức ngày hội và hội thảo về CNTT; nhiều đơn vị là điển hình tiên tiến về ứng dụng CNTT, mô hình trường học điện tử ở Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Bắc Đông Quan, Nguyễn Trãi, Vũ Tiên...

 

Vai trò người thầy luôn giữ yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục... những năm qua, Sở và phòng GD-ĐT đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng giáo viên theo các chuyên đề nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn. Đặc biệt, Sở đã tổ chức được 9 lớp bồi dưỡng cho 352 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT theo đề án hợp tác Việt Nam - Singapore và dự án SREM. Huyện Thái Thụy đã đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên toán và văn. Riêng sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc đã có 34 cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ, 18 đồng chí đi học quản lý giáo dục và trung cấp chính trị, có 6 cán bộ, chuyên viên học quản lý nhà nước.

 

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, toàn ngành có 5 đơn vị và 3 cá nhân được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động, 2 đơn vị được tặng Cờ thi đua Chính phủ; 8 cá nhân, 9 tập thể được tặng bằng khen của Thủ tưởng chính phủ.

 

Sở GD-ĐT Thái Bình xếp thứ 2 khu vực đồng bằng Bắc Bộ, được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua với 10/12 tiêu chí được tặng bằng khen, 17 tập thể, 36 cá nhân được Bộ tặng bằng khen, 8 đơn vị được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu cho từng ngành học, cấp học đó là: Trường mầm non Hoa Hồng, tiểu học An Bài (Quỳnh Phụ), THCS Hoa Hồng Bạch (Đông Hưng), THPT Bắc Đông Quan, trường Trung cấp nông nghiệp, TTGDTX Đông Hưng, Trung tâm KTTH-HN Thành phố. 61 cá nhân được UBND tỉnh công nhập CSTĐ, 30 đơn vị, cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

 

Tại lễ tuyên dương phong trào thi đua “hai tốt”, đồng chí giám đốc Sở GDĐT khẳng định: “Về phần mình, chúng tôi tự ý thức rằng vị thế của ngành GD-ĐT Thái Bình được khẳng định như thế nào? Trước hết phụ thuộc vào sự vận động của chính ngành giáo dục, phụ thuộc vào trí tuệ, sự lao động nhiệt tình, phấn đấu thường xuyên, liên tục, sự năng động sáng tạo của đội ngũ các thầy, cô giáo trong ngành”. Xin được lấy đoạn nói trên để thay cho lời kết bài viết này.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa