Chủ nhật, 30/06/2024, 21:30[GMT+7]

Trưởng thành sau mỗi kỳ hội giảng

Thứ 3, 31/03/2015 | 09:26:55
1,098 lượt xem
Hiện nay, thành phố Thái Bình có 24 trường mầm non (20 trường công lập, 4 trường tư thục) với 327 nhóm, lớp và 665 giáo viên; năm học 2014 - 2015 đã huy động được 12.928 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mầm non đến trường, tăng 0,1% so với năm học trước. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non, nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã tích cực chỉ đạo và tổ chức các buổi hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp cụm và cấp thành phố. Đội ngũ giá

Tiết hội giảng với chủ đề “Gia đình thân yêu” của cô và trò Trường Mầm non 1/6.

 

Trong học kỳ I năm học 2014 - 2015, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã tổ chức 157 tiết hội giảng, trong đó có 101 tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả, 100% các tiết dạy đạt loại khá, giỏi. Hội giảng giáo viên dạy giỏi bậc mầm non thành phố năm nay thu hút trên 50 giáo viên dự thi. Trong quá trình tham gia hội giảng, các giáo viên đều tích cực tìm hiểu, nghiên cứu nội dung tiết dạy, tham khảo ý kiến của những giáo viên giàu kinh nghiệm để bài dạy của mình phong phú, đa dạng hơn. Trong các giờ hội giảng, công tác tổ chức lớp học của giáo viên khoa học, không khí học tập của học sinh sôi nổi. Hội giảng là nơi để các giáo viên phát huy tính sáng tạo của học sinh, đồng thời giúp các giáo viên chủ động, tích cực hơn trong tiết giảng của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Lành, Trường Mầm non Sơn Ca chia sẻ: Sau mỗi lần tham gia hội giảng, tôi nhận thấy giáo viên và học sinh chủ động hơn trong mỗi tiết dạy, các trẻ tự tin và tích cực tham gia các hoạt động. Thông qua việc dự giờ các tiết hội giảng của đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, tôi đã áp dụng một số phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường đạt kết quả cao. Tiết hội giảng không chỉ là giờ học của trẻ mà còn là giờ học bổ ích đối với mỗi giáo viên. 

 

Cùng với các buổi hội giảng, giáo viên mầm non thành phố Thái Bình còn được tham gia các buổi chuyên đề. Nếu như các năm trước, thành phần dự chuyên đề chỉ giành cho cán bộ quản lý thì sang năm học này, đội ngũ giáo viên cũng được trực tiếp tham gia. Các chuyên đề được nhà trường đầu tư kinh phí, thời gian nghiên cứu và thảo luận, giáo viên vận dụng sáng tạo, phù hợp với các lứa tuổi của trẻ và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tại Trường Mầm non Quang Trung, chuyên đề về lĩnh vực lồng ghép giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đã thu hút 100% giáo viên trực tiếp giảng dạy dự và rút kinh nghiệm. Với chuyên đề này, mỗi nhóm lớp tại trường được đặt tên gắn với sông, suối, biển, đại dương. Trong mỗi lớp học, các cô giáo cùng học sinh trang trí những bức tranh về chủ đề biển, đảo, đặc biệt là hình ảnh về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Qua các giờ học chuyên đề, học sinh rất hứng thú làm quen, khám phá về thiên nhiên.

 

Quan sát một tiết hội giảng tại Trường Mầm non 1/6 với chủ đề “Gia đình thân yêu” dành cho trẻ 5 tuổi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tinh thần say mê học hỏi của các cháu. Cô giáo Chu Thị An chia sẻ: Xác định đây là nhóm tuổi đã biết nhận thức nhưng chưa tập trung học tập, tôi đã kiên trì, chịu khó, linh hoạt xử lý mọi tình huống. Chỉ với 30 - 35 phút nhưng các cháu đã biết phân biệt gia đình lớn là gia đình nhiều thế hệ, gia đình nhỏ là gia đình chỉ có từ 1 - 2 thế hệ, gia đình đông con và gia đình ít con. Ngoài ra, các cháu còn chia sẻ cho nhau những sở thích của từng thành viên trong gia đình, nói cho nhau nghe những cách liên lạc với bố mẹ khi bị lạc. Cuối tiết học, các cháu được cô giáo cho chơi trò chơi, tập một vài động tác thể dục đơn giản bằng một bản nhạc hợp lứa tuổi. Cô An cho biết thêm: Các buổi chuyên đề, hội giảng là cơ hội để các giáo viên trao đổi kinh nghiệm, thể hiện kiến thức thông qua các hoạt động. Sau khi dự giờ các tiết hội giảng của đồng nghiệp, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân về cách tổ chức lớp học, lựa chọn nội dung, hình thức bài dạy phù hợp với từng nhóm tuổi nhằm kích thích các cháu học tập.

 

Mục đích ban đầu, lớn nhất của hoạt động chuyên đề, hội giảng trong ngành Giáo dục là để giáo viên học hỏi lẫn nhau về chuyên môn và cách thức dạy học, từ đó chọn ra những phương pháp dạy học hiệu quả nhất áp dụng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc thường xuyên tổ chức các đợt hội giảng, sinh hoạt chuyên đề của Phòng Giáo dục và Đào tạo đã giúp đội ngũ giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Thái Bình từng bước đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng chất lượng giáo dục.

 

Đặng Anh

  • Từ khóa