Thứ 7, 03/08/2024, 19:13[GMT+7]

Thực hiện Thông tư số 30 Tăng cường sự gắn kết trong chăm sóc, giáo dục học sinh

Thứ 5, 28/05/2015 | 08:17:25
1,199 lượt xem
Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) về kết quả sau 1 năm học triển khai thực hiện.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư.

Phóng viên: Năm học 2014 - 2015 là năm học đầu tiên thực hiện Thông tư số 30 thay cho điểm bằng đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học. Xin đồng chí cho biết kết quả bước đầu sau 1 năm học triển khai thực hiện?
Đồng chí Trần Tuấn Anh: Sau 1 năm thực hiện, đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực xây dựng kế hoạch, quyết tâm chỉ đạo để thực hiện tốt Thông tư số 30. Nhiều giáo viên tâm huyết, có cách làm sáng tạo trong đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học; các hoạt động giáo dục cũng được tổ chức đa dạng, giúp bồi dưỡng phẩm chất, năng lực người học.

Giáo viên tích cực tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng, học hỏi việc đánh giá học sinh bằng lời, đặc biệt là việc hướng dẫn học sinh tự đánh giá, tham gia đánh giá bạn, từ đó kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với năng lực học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em tự tin khẳng định bản thân và có động cơ vươn lên trong học tập.

Học sinh được giảm áp lực học tập, được hoạt động nhiều, có nhiều cơ hội thể hiện năng lực nên các em tích cực, tự tin hơn khi đến trường, đồng thời rèn cho học sinh khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; tăng khả năng giao tiếp, hợp tác; tạo hứng thú trong học tập và rèn luyện để tiến bộ. Hình thức ghi nhận xét bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan đối với tất cả học sinh. Việc triển khai thực hiện Thông tư số 30 đã góp phần tăng cường sự gắn kết giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Đến nay, phần lớn phụ huynh đã quen với việc không chấm điểm, quan tâm đến nhận xét của giáo viên, ngoài ra còn tích cực tham gia các sân chơi cùng con em mình.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những khó khăn, hạn chế của giáo viên và các nhà trường khi triển khai thực hiện Thông tư số 30?
Đồng chí Trần Tuấn Anh: Hiện nay, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số trường học ở nông thôn và những vùng khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Thông tư số 30 nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung. Khu vực thành phố, thị trấn, sĩ số học sinh các trường tiểu học quá cao (vượt quy định 35 học sinh/lớp) khiến nhiều giáo viên không đánh giá được hết học sinh trong lớp. Sự quan tâm của xã hội, sự kỳ vọng của phụ huynh muốn nhìn thấy ngay sự tiến bộ của con em mình, sự chuyển biến về chất lượng giáo dục của các nhà trường khi thực hiện Thông tư đã gây không ít áp lực cho giáo viên và các cấp quản lý giáo dục.

Trong quá trình thực hiện, nhiều trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Giáo viên còn lúng túng khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh. Về kỹ thuật thực hiện, giáo viên nhận xét bài kiểm tra thường xuyên chưa ghi cụ thể những ưu điểm, hạn chế trong bài làm của học sinh; nhiều lời phê, lời nhận xét của giáo viên chưa khuyến khích, động viên học sinh cố gắng vươn lên. Bên cạnh đó, trong quá trình đánh giá kết quả học tập, năng lực, phẩm chất học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chưa liên hệ và thu nhận được ý kiến đánh giá của phụ huynh nên việc đánh giá học sinh chưa bảo đảm tính toàn diện. Trong tiết học, một số giáo viên lạm dụng quá nhiều lời khen khiến lời khen ít giá trị đối với học sinh; lời nhận xét, tư vấn của giáo viên trong vở học sinh đôi lúc chưa cụ thể, mạch lạc. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự học ở một số giáo viên chưa thực sự được quan tâm. Năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, tinh thần hợp tác của học sinh chưa được khuyến khích và quan tâm đúng mức.

Phóng viên: Trong năm học tới, để tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Thông tư số 30, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp và phương hướng chỉ đạo như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tuấn Anh: Để tiếp tục thực hiện tốt Thông tư số 30, ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và người dân hiểu rõ mục đích, nguyên tắc cũng như nội dung đánh giá, đặc biệt là những điểm mới của Thông tư, từ đó định hướng dư luận xã hội ủng hộ những chủ trương, định hướng mới đúng đắn, có tính khoa học của ngành Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên đưa nội dung ghi nhận xét thường xuyên trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nhận xét kết quả môn học của học sinh trong học bạ, lời phê của giáo viên trong bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ vào sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, tháng. Tiếp tục tổ chức các chuyên đề về thực hiện Thông tư số 30 theo chủ đề gắn với các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học trong kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hè năm 2015 và trong các năm học tiếp theo. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh thông qua phiếu nhận xét hoặc trao đổi trực tiếp để có thông tin hỗ trợ cho quá trình giáo dục, đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh. Cùng với đó, yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo hiệu trưởng các trường thực hiện nghiêm việc ra đề, coi kiểm tra, chấm bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học, bảo đảm khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, khắc phục bệnh thành tích. Đồng thời, chỉ đạo các trường tiểu học, THCS tổ chức nghiệm thu, nhận bàn giao chất lượng giáo dục học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của từng trường và từng địa phương.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Lan Anh
(Thực hiện)


  • Từ khóa