Chủ nhật, 12/05/2024, 22:24[GMT+7]

Đề án phát triển trường chuyên Cần lắm điều kiện để đào tạo nhân tài

Thứ 2, 27/12/2010 | 09:19:01
3,782 lượt xem
Vừa qua, Sở Giáo dục – Đào tạo đã xây dựng đề án: “Phát triển trường THPT Chuyên Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Chúng tôi xin được phản ánh những nét khái quát của đề án, để bạn đọc có cái nhìn tổng thể về chủ trương phát triển trường THPT Chuyên trong tình hình hiện nay và tương lai.

Học sinh trường THPT chuyên Thái Bình. Ảnh: Hiền Trâm

I- Thực trạng của trường THPT Chuyên

 

Trường THPT Chuyên ra đời đến nay đã hơn 40 năm. Từ năm học 1988 – 1989 đến 2002 – 2003, trong 14 năm ấy có 8 học sinh đạt giải quốc tế và khu vực. 500 giải quốc gia gồm: 7 học sinh đạt giải nhất, 76 học sinh giải nhì; 221 học sinh đạt giải ba; 206 học sinh đạt giải khuyến khích. Từ năm học 2003 – 2004 đến 2009 – 2010, trong 6 năm đó có 327 giải quốc gia, hai giải quốc tế.

 

Đặc biệt năm học 2009 – 2010, có 56/65 em đạt giải quốc gia, là năm có số lượng giải cao và chất lượng giải tốt nhất (86% học sinh các đội tuyển đạt giải). Bình quân hàng năm số học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 92,8%, không có học sinh yếu, kém. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm là 100%; trong đó: 85% đỗ loại khá, giỏi; 93% học sinh đỗ vào các trường đại học.

 

Theo đánh giá của ngành giáo dục – đào tạo thì: Nhìn chung học sinh trường THPT Chuyên là ngoan, chăm học, có quyết tâm cao và có chí hướng phấn đấu vươn lên. Chất lượng giáo dục văn hóa được quan tâm, trên cơ sở giáo dục toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm; bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế là nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù, nhiều năm qua, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhà trường vẫn phát huy được những điều kiện hiện có để tổ chức dạy và học, đạt nhiều thành tích, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền, các bậc phụ huynh...

 

Hiện tại, trường THPT Chuyên có 33 lớp, với 1.100 học sinh, chiếm 2% số học sinh THPT toàn tỉnh gồm: khối 10 có 13 lớp, 475 học sinh; khối 11: 10 lớp, 333 em và khối 12 có 10 lớp, 292 học sinh. Giáo viên có 93 thầy, cô; cán bộ quản lý: 3 gồm: một hiệu trưởng và hai hiệu phó. 100% giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn; trong đó có 19 thạc sĩ (chiếm 20%) và 5 giáo viên đang học thạc sĩ. Phần lớn giáo viên trường THPT Chuyên là giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm, có ý thức trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, giảng dạy có kết quả cao, tận tụy với nghề, gắn bó với trường.

 

Có thể khẳng định rằng: những năm qua, trường THPT Chuyên đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, đào tạo được đội ngũ học sinh có kiến thức, giỏi một số lĩnh vực, có năng lực tự học, tự nghiên cứu, có phẩm chất đạo đức tốt. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế học sinh trường Chuyên đã có những thành tích nhất định, đem vinh quang về cho Thái Bình, qua các giải thi quốc tế.

 

Tỷ lệ học sinh đỗ đại học luôn đứng trong tốp 5 tỉnh có tỷ lệ đỗ cao của toàn quốc; nhiều học sinh đỗ thủ khoa, có nhiều em được học ở các lớp tài năng của các trường đại học trong nước và nước ngoài. Nhà trường đã đóng góp đáng kể vào việc bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước; góp phần quan trọng khẳng định vị thế của giáo dục Thái Bình.

 

Tuy nhiên, chất lượng và thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, chưa xứng tầm với tiềm năng và truyền thống hiếu học của Thái Bình; chưa tương xứng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan như: cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo... nhưng chưa xây dựng được cơ chế điều hành thích hợp.

 

Sự sàng lọc đội ngũ chưa đủ mạnh, nên một số giáo viên chưa có ý chí vươn lên; chính sách thu hút giáo viên giỏi về trường chưa phù hợp; việc quản lý điều chuyển giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chuyển học sinh có kết quả học tập, rèn luyện thấp ra khỏi lớp chuyên còn nhiều bất cập. Một số học sinh ở xa trúng tuyển không nhập trường vì khu nội trú chưa tạo được sự yên tâm cho phụ huynh học sinh. Yếu tố khách quan là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu của trường chuyên chất lượng cao theo hướng chuẩn quốc gia và cần thiết phải được xây dựng ở địa điểm mới.

 

Lối ra cho trường chuyên

 

Mục tiêu xây dựng và phát triển trường THPT Chuyên thành một cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại... Nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng trở thành những tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt và ý thức tự học, có nền tảng kiến thức vững vàng, giỏi các môn học, tự nghiên cứu và sáng tạo, có sức khỏe để tạo nguồn, tiếp tục đào tạo các em trở thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Vì vậy, việc mở rộng quy mô về số lượng học sinh không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển mà còn phù hợp với Quyết định 82/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bắt đầu từ năm học 2010 – 2011 tuyển 475 học sinh, 13 lớp; trong đó, hệ chuyên 11 lớp, 385 học sinh và 2 lớp không chuyên. Năm học 2013 – 2014 quy mô nhà trường sẽ có 1.425 học sinh, 39 lớp (chiếm 0,085% dân số toàn tỉnh); đến năm 2020 quy mô 2000 học sinh (chiếm 0,1% dân số).

 

Phấn đấu đến năm 2015, trường THPT Chuyên đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức chuẩn nghề nghiệp: 30% có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Đến năm 2015, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thành thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 10% trở lên giáo viên biết sử dụng ngoại ngữ trong dạy học và giao tiếp.

 

Có ít nhất 50% xếp loại học lực giỏi, 70% khá về tin học; 30% đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ Châu Âu ban hành. Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT được đào tạo ở các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.

 

Các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, có đủ phòng học 2 buổi/ngày; có hội trường nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh nội trú, sân vận động, bể bơi, hệ thống phòng chức năng, học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn, với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại...

 

Diện tích tối thiểu đạt 15 m2/học sinh, tương đương 30.000 m2. Giải pháp thứ hai là: Phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học. Giải pháp thứ ba là: Đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng cơ chế quản lý đặc thù riêng với trường THPT Chuyên.

 

Trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, tuyển bổ sung vào các lớp chuyên. Xây dựng cơ chế sàng lọc đối với học sinh và thực hiện cơ chế đặc thù về phân cấp quản lý tài chính, nâng định mức cấp ngân sách... Giải pháp thứ tư là: Cơ chế chính sách bao gồm: mức học bổng, thời gian hưởng... nhằm khuyến khích học sinh say sưa học tập, đạt thành tích cao và động viên các thầy, cô toàn tâm, toàn ý cho đào tạo, bồi dưỡng nhân tài như: chế độ dạy đội tuyển thi quốc gia, quốc tế được trả tiền thù lao bằng mức tối đa đối với giảng viên là chuyên viên cao cấp theo quy định tại Thông tư 51/2008 Bộ Tài chính.

 

Giải pháp thứ năm là: Đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ và giải pháp cuối cùng là: Tăng cường xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; khen thưởng cho giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc.

 

Để trường THPT Chuyên phát huy tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước. Rất cần có điều kiện để trường phát triển cả về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và cơ chế chính sách.

P.V.T

 

  • Từ khóa