Thứ 4, 14/05/2025, 18:49[GMT+7]

Sôi nổi phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

Thứ 4, 07/10/2015 | 09:38:09
1,111 lượt xem
Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động ngành Giáo dục mang tính đặc thù về giới, tính ngành nghề sâu sắc. 5 năm qua, phong trào đã được đông đảo chị em trong ngành tích cực hưởng ứng tham gia, đạt hiệu quả thiết thực.

Cô và trò Trường Mầm non Thụy Hải (Thái Thụy) trong giờ hoạt động thể chất.

 

Nhiều hoạt động thi đua sôi nổi

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 17.330 nữ nhà giáo trực tiếp đứng lớp, chiếm tỷ lệ 85%; 3.885 nữ giới làm công tác phục vụ và 1.457 nữ cán bộ quản lý, 68% cán bộ nữ giữ cương vị bí thư, phó bí thư chi bộ. 5 năm qua (2010 - 2015), đã có trên 20.000 lượt chị em được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn vượt mức bình quân của cả nước. Dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, chị em cũng luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Phạm Đồng Huynh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: Để khích lệ, động viên tinh thần làm việc, lòng yêu nghề và chăm lo gia đình, những năm qua, Công đoàn ngành đã đưa các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” vào chương trình công tác, từng bước đưa phong trào vào nền nếp, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đến nay, đội ngũ nữ nhà giáo và lao động có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đây là lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của ngành, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua.

 

Để phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, toàn ngành đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Hoạt động nữ công luôn được đổi mới, hướng về cơ sở, tập trung vào các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nữ nhà giáo và lao động nữ được tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động của ngành, của đơn vị, tạo môi trường thân thiện, đoàn kết, cùng tiến bộ. Công đoàn ngành đã tổ chức nhiều hội thi, hoạt động văn hóa, thể thao, tọa đàm chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan trong nữ công nhân viên chức lao động, thu hút đông đảo chị em tham gia. Ban nữ công đã gắn phong trào “Hai giỏi” với các phong trào thi đua: Phụ nữ tích cực học tập, năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; hai tốt; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, vận động chị em phấn đấu thực hiện các chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Hiệu quả thiết thực

 

Xác định muốn “giỏi việc trường” thì phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vì thế, 5 năm qua, đội ngũ nữ nhà giáo trong tỉnh đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các chị đã chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, viết sáng kiến, kinh nghiệm và đề tài nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 5 năm qua, toàn tỉnh có 11.220 lượt chị có đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng vào quản lý và giảng dạy, chiếm 70% sáng kiến, kinh nghiệm toàn ngành. Bên cạnh đó, các cô giáo đã tập trung làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, hướng nghiệp, giáo dục pháp luật, giới tính. Nhiều cô giáo thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, thực sự là “cô giáo - mẹ hiền”. Đã xuất hiện nhiều tấm gương cảm động về lòng yêu nghề, mến trẻ, đó là hình ảnh những cô giáo chăm sóc học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tận tụy, thầm lặng hy sinh, gắn bó với nghề.

 

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình).

 

Với đức tính chịu thương, chịu khó, năng động, sáng tạo, phụ nữ ngành Giáo dục không chỉ làm tốt công việc ở trường, ở lớp, ở cơ quan mà trong gia đình các chị cũng luôn tổ chức tốt cuộc sống theo các tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, là chỗ dựa vững chắc cho các thành viên trong gia đình. Ở nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng các chị vẫn khắc phục mọi khó khăn,  sắp xếp khoa học giữa công việc ở trường và công việc tại gia đình, trở thành người vợ đảm, người mẹ hiền. Điển hình là cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ). Chồng công tác xa nhà, một mình cô chăm sóc hai con nhỏ và cha mẹ già yếu nhưng lòng yêu nghề, tình yêu thương từ gia đình, đồng nghiệp đã giúp cô vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, gặt hái được nhiều phần thưởng cao quý.

Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, thời gian tới, đội ngũ nữ nhà giáo và lao động toàn ngành quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

 

Lan Anh - Bảo Minh

  • Từ khóa