Chủ nhật, 04/08/2024, 01:17[GMT+7]

Dạy học sinh biết dùng tài năng làm điều có ích

Thứ 6, 20/11/2015 | 08:36:49
848 lượt xem
Vào nghề giáo từ năm 1984 tại Trường cấp III Quỳnh Côi, năm 1986, cô giáo Đỗ Thị Thanh Thủy đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 1994, cô chuyển công tác về Trường THPT Chuyên Thái Bình và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Hơn 30 năm trong nghề, cô Thủy chinh phục trái tim học trò bằng phương pháp dạy khoa học, hiện đại và cái tâm với nghề, tình yêu thương cao cả dành cho các thế hệ học trò.

Học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình múa hát chào mừng lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Minh Đức

Là giáo viên Ngữ văn, quan niệm và phương pháp giảng dạy của cô luôn mang tư duy logic, khoa học. Cô xác định tố chất, đặc điểm năng lực, tâm lý của từng em, từ đó có định hướng và phương pháp dạy phù hợp. Theo cô, là những học sinh có tố chất, nhận thức nhanh nhạy hơn bình thường, nhất là ở cấp THPT, các em sẽ dễ bị chinh phục nếu giáo viên có năng lực chuyên môn, hiểu biết xã hội rộng, đặc biệt là hiểu biết tâm lý lứa tuổi. Những bài giảng của cô luôn hấp dẫn bởi có nhiều kiến thức sâu rộng, được truyền đạt một cách logic, khoa học, dễ hiểu, đồng thời gợi mở cho học sinh tự suy ngẫm, tư duy. Cô quan niệm dạy học không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn cần dạy phương pháp học, phương pháp tư duy, điều này vừa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội và phù hợp với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Với quan niệm đó, trong suốt hơn 30 năm gắn bó với công việc giảng dạy, cô Thủy luôn không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn; rèn luyện tư duy khoa học, nhạy bén; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, tìm tòi phương pháp truyền thụ mới. Cô cho biết: Chương trình thi học sinh giỏi bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn mà lại không có sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn nên kiến thức và phương pháp truyền đạt như thế nào hoàn toàn là kịch bản của giáo viên. Chưa có trường lớp nào dạy giáo viên dạy học sinh giỏi, do đó, mỗi giáo viên cần phải có khả năng tự học, tự bồi dưỡng cho mình, tích lũy kinh nghiệm, nâng tầm kiến thức, trình độ. Phải biết mười để dạy một.

Không chỉ là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn, cô Thủy còn là một tấm gương sáng về đạo đức. Theo cô, mọi giáo viên đến cần có nhân cách đạo đức của một con người và đạo đức nghề nghiệp, dạy học sinh giỏi càng cần hơn vì các em nhạy cảm hơn nên dễ dàng nhận thức được mọi sự việc, hiện tượng. Vì vậy, cô luôn nghiêm túc giữ gìn chuẩn mực đạo đức, văn hóa từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Chỉ có như thế mới được học sinh tin tưởng và mới có thể giúp các em định hướng nhân cách. Cô Thủy chia sẻ: Giáo viên dạy học sinh giỏi không chỉ bồi dưỡng tài năng mà còn phải dạy các em biết dùng tài năng làm điều có ích. Càng có kiến thức càng phải bảo vệ, giữ gìn nhân cách, có như thế khi rời ghế nhà trường các em mới trở thành công dân phát triển toàn diện, có ích cho xã hội. Những học trò của cô, có người sớm biết, có người chỉ sau này mới nhận ra, ai cũng vô cùng xúc động về người giáo viên bền bỉ, không quản nắng mưa, sớm hôm, một cách âm thầm, lặng lẽ, tế nhị luôn sát cánh bên từng bước chân học trò, kịp thời che chắn, uốn nắn các em trước những non dại. Kể cả trên những bước đường sau này, mỗi khi cần, học trò luôn có thể nhìn lại phía sau để thấy cô Thủy vẫn luôn dõi theo, sẵn sàng giúp đỡ.

Trăn trở về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh hiện nay, cô Thủy bày tỏ: Các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hiện chỉ còn ở hai khối lớp 9 và lớp 12 - những khối có nhiệm vụ quan trọng là các kỳ thi chuyển cấp nên việc dạy học sinh giỏi ở các trường THCS, THPT có phần mang tính thời vụ, các trường chủ yếu dạy để đi thi chứ không phải dạy bồi dưỡng cho học sinh thêm giỏi. Nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi ở Thái Bình chủ yếu đặt vào Trường THPT Chuyên. Nhưng kể cả ở các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, vì giải học sinh giỏi quốc gia chưa có lợi ích rõ ràng, ổn định, thống nhất nên các em vẫn bị phân tâm. Nên chăng, tỉnh cần có định hướng, xây dựng chiến lược phù hợp để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các trường trung học trong tỉnh thực sự được quan tâm theo đúng nghĩa của nó, để qua đó kịp thời phát hiện những học sinh có năng khiếu, bồi dưỡng các em thành nhân tài thực sự.

Mai Hiền

  • Từ khóa