Thứ 3, 23/07/2024, 06:16[GMT+7]

Nhớ ngày đầu “chở chữ” đến Cao Bình

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:49:48
1,027 lượt xem
Một thời gian dài, làng chài Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) được người đời gán cho cái tên “làng điểm chỉ”, họ thông thuộc lạch sông, luồng biển hơn cả mặt chữ. Cả đời “lấy thuyền làm nhà, biển làm ruộng nương”, người dân làng chài Cao Bình không dám mơ một ngày mình được lên bờ, có mảnh đất để an cư. Ấy vậy mà, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, giấc mơ ấy nay đã trở thành hiện thực. Họ có nhà, có đất, còn được bộ đội dạy chữ để bây giờ, những thế hệ măng non ở Cao Bình được cắ

Giấc mơ đến trường của những đứa trẻ làng chài Cao Bình đã thành hiện thực.

 

Hành trình lên bờ…

 

Cao Bình giờ đã lên thôn, không còn là xóm ngụ cư bé tý tẹo của mấy chục hộ dân. Trên mảnh đất mới này, diện mạo nông thôn đang từng ngày khởi sắc. Nhớ lại những năm tháng cách đây gần chục năm, làng chài Cao Bình còn lênh đênh, phận người gắn với sông nước. Những thế hệ ngư dân làng chài cứ nối tiếp nhau ra đời trên những sạp thuyền chật hẹp, thế giới trẻ thơ quẩn quanh bên mạn thuyền, nguy hiểm luôn rình rập. Cứ như thế, cái đói, cái nghèo như cánh lưới bủa vây người dân nơi đây. Từ năm 2011, khi Ðảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách di dân làng chài lên bờ để ổn định cuộc sống, những gia đình làng chài Cao Bình được chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà. Và cũng từ đây, cuộc sống của họ bước sang trang mới, dần thoát khỏi đói nghèo. Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Cao Bình vẫn không quên những ngày tháng khổ cực đã qua. Ông Hải chia sẻ: Gia đình tôi ba đời làm nghề chài lưới, đến đời tôi thì có nhà để về, có nơi gọi là quê hương để nhớ đến, các cháu được học hành tử tế chứ không còn khổ như đời bố, đời ông nữa… Những ngày đầu lên đất mới lập nghiệp, mọi tập quán của người dân trồng lúa nước đều xa lạ với chúng tôi, quen với sông nước, khi có đất, có nhà mà cũng quẩn quanh không biết làm gì, nhiều gia đình lại dắt díu nhau xuống thuyền. Nhưng nhờ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể động viên, hỗ trợ về mọi mặt, giờ người dân đã biết trồng lúa, biết xoay sở đủ nghề để kiếm sống…

 

Ở Cao Bình, hiện vẫn còn 60% gia đình coi chài lưới là nghề chính, họ không bỏ được nghề cũng bởi ngót trăm năm nay, nghề chài lưới đã nuôi lớn bao thế hệ. Chỉ khác là bây giờ họ sắm thuyền to, hiện đại hơn để vươn ra khơi xa. Cũng có những gia đình thoát ly hẳn với nghề sông nước, người làm nông nghiệp, người làm thuê làm mướn trong huyện, ngoài tỉnh…

 

Những “lớp học nơi chân sóng” ra đời…

 

Năm 1992, huyện Kiến Xương chỉ đạo xã Hồng Tiến cử cán bộ, giáo viên tổ chức lớp xóa mù chữ cho ngư dân làng chài Cao Bình. Chuyện tưởng chừng chỉ có ở vùng biên giới, vùng cao xa xôi, nơi quanh năm mây mù che phủ, cuộc sống khó khăn khiến trẻ em phải bỏ dở giấc mơ học hành. Vậy mà ở Thái Bình vẫn có một câu chuyện về những lớp học đặc biệt như thế. Học sinh là những cụ già đầu tóc bạc phơ đến những em nhỏ vừa tuổi “vỡ lòng”, tất cả cùng chung một lớp, lớp học đặc biệt trên sóng nước biển khơi.

 

Tôi tìm về gia đình ông Mai Song Hạc (thôn Ðông Tiến, xã Hồng Tiến) một trong những người thầy “chở chữ” ra Cao Bình những ngày đầu tiên. Ngày đó, ông Hạc vừa rời quân ngũ trở về địa phương, tham gia Hội Cựu chiến binh xã. Ông cùng với thầy giáo Chương, thầy giáo Lộc ra thuyền dạy học cho ngư dân. Ông Hạc nhớ lại: Mỗi năm, chúng tôi có 3 tháng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con làng chài. Ngày đó, cuộc sống của bà con còn khó khăn. Hầu hết người già, người trẻ ở đây đều không biết chữ nên việc xóa mù chữ rất vất vả. Phải lựa chiều con nước để tranh thủ dạy cho bà con, kể cả lúc nửa đêm… Không làm trong ngành sư phạm nhưng tôi luôn tâm huyết, đồng cảm với thân phận của bà con, cố gắng vượt qua mọi khó khăn nên bà con rất tin yêu. Ðến bây giờ, mỗi lần đến thăm làng chài Cao Bình, tôi vẫn luôn được bà con gọi với cái tên trìu mến “thầy Hạc”.

 

Việc tổ chức dạy học trên thuyền duy trì được mấy năm do bà con làng chài tản mạn đi khắp nơi mưu sinh, không còn tập trung như trước. Cho đến năm 2008, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Sở Giáo dục và Ðào tạo, “lớp học nơi chân sóng” cho ngư dân làng chài Cao Bình được thành lập. Lớp học được tổ chức ngay tại Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Vành (Ðồn Biên phòng Cửa Lân) để tiện cho bà con ngư dân đến lớp. Thiếu tá Ðào Ðình Luyện, Ðội phó Ðội Vận động quần chúng Ðồn Biên phòng Cửa Lân và Thượng úy Vũ Ðình Văn, y sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Vành cùng với một thầy giáo của Trường Tiểu học Hồng Tiến được chọn là giáo viên đứng lớp. Qua điện thoại Thiếu tá Ðào Ðình Luyện tâm sự: Ngày ấy, lớp học được tổ chức ngay tại Trạm nhưng đường vào Trạm cũng khó khăn. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức một lớp với hơn 30 học sinh đủ mọi lứa tuổi. Dù điều kiện vất vả nhưng cả thầy và trò đều cố gắng để biết đọc, biết viết, không phải “điểm chỉ” như trước đây. Một điều quan trọng hơn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của bà con ngư dân làng chài để họ biết ước mơ, biết vun vén ước mơ, đầu tư cho con cái học hành. Nhờ vậy, nhiều trẻ em làng chài Cao Bình được cắp sách đến trường, được tiếp cận chương trình phổ cập trung học cơ sở và cao hơn nữa…

 

Giờ đây, những đứa trẻ ở Cao Bình không còn thất học nữa. Ðược sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân hảo tâm, điểm Trường Mầm non Hồng Tiến được xây dựng khang trang ngay tại thôn Cao Bình, hiện có 20 cháu đang theo học Trường Mầm non, hơn 100 cháu học từ lớp 1 đến lớp 12. Cuộc sống ở Cao Bình đang đổi thay từng ngày, tiếng trẻ nô đùa rộn vang xóm nhỏ. Cái nghèo, cái khổ không còn bủa vây người dân Cao Bình nữa.

Thượng tá Đặng Đức Cảnh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

 “Lớp học nơi chân sóng” được mở từ năm 2008 đến năm 2013 với mục đích xóa mù chữ cho bà con ngư dân làng chài Cao Bình do cán bộ biên phòng đảm nhiệm. Bên cạnh việc dạy chữ, chúng tôi còn lồng ghép với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con… Sau này, nhiều bà con làng chài lên bờ lập nghiệp, con em làng chài được tạo điều kiện đi học với nhiều chính sách ưu tiên nên lớp học được xóa bỏ. “Lớp học nơi chân sóng” đã giúp nhiều ngư dân biết đọc, biết viết, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nâng cao nhận thức, ổn định cuộc sống. Hơn nữa, lớp học còn là sợi dây gắn kết, vun đắp tình quân dân ngày càng bền chặt.

Bà Nguyễn Thị Văn, 76 tuổi, thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến

Ngư dân làng chài Cao Bình luôn nhớ công ơn của các thầy đã đem đến cái chữ cho chúng tôi. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng các thầy luôn theo trò, dạy cho chúng tôi biết đọc, biết viết. Sau mỗi lần ra khơi, các thầy lại tranh thủ dạy học, có những gia đình, bố mẹ, con cháu đều tham gia học. Tôi học lớp của thầy Chương, sau này, nhờ chút vốn liếng các thầy dạy cho, tôi đã dạy 3 đứa con biết đọc, biết viết. Rồi sau này, cán bộ biên phòng còn mở lớp ngay tại cồn Vành để dạy học cho con em chúng tôi. Dân làng Cao Bình suốt đời không quên được ơn đó.

 

Thiên Ân

 

  • Từ khóa