Thứ 3, 23/07/2024, 07:18[GMT+7]

Hơn 600.000 thí sinh trượt ĐH: Rộng cửa học nghề

Thứ 4, 11/08/2010 | 14:54:35
1,149 lượt xem
Khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn ĐH 2010 cũng là lúc cuộc đua vào ĐH của hơn 1,2 triệu thí sinh ngã ngũ. Hơn 600.000 thí sinh (TS) bị trượt, cánh cửa ĐH đã đóng, nhưng vẫn còn cánh cửa khác rộng mở với hơn 1,7 triệu chỉ tiêu học nghề của năm nay.

Thị trường lao động hiện nay vẫn đang rất thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Ảnh: C.H

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 có tổng số TS dự thi ĐH cả hai đợt là trên 1,2 triệu và trên 300.000 TS dự thi CĐ. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển mới cả ĐH, CĐ năm nay là gần 500.000.

 
Hội đồng điểm sàn Bộ GD&ĐT đã thống nhất và vừa công bố điểm sàn thi ĐH, CĐ năm 2010. So với năm 2009, mức điểm sàn năm nay giữ nguyên. Mức điểm sàn này chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (dành cho đối tượng KV3).
 
Theo đó, điểm sàn ĐH bao gồm: Khối A, D: 13,0 điểm (khối D chưa tính hệ số đối với môn ngoại ngữ); Khối B, C: 14,0 điểm. Mức điểm sàn hệ CĐ thấp hơn 3,0 điểm so với ĐH, tương ứng theo từng khối thi.
 
PGS.TS Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, căn cứ theo mức điểm sàn ĐH, ở khối A cả nước có 209.683 TS đạt điểm từ mức sàn 13,0 điểm trở lên, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển khối A của các trường ĐH là 150.532 chỉ tiêu. Khối B có 84.846 TS đạt từ 14,0 điểm trở lên, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối này là 58.764. Khối C có 34.619 TS đạt kết quả thi bằng điểm sàn trở lên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 23.987. Số TS đạt kết quả thi từ điểm sàn ở khối D là 66.966, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển là 54.493.
 
Như vậy, tổng cộng có khoảng gần 400.000 TS tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010 đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường ĐH. Với các trường hợp chưa trúng tuyển NV1, các TS đạt điểm sàn sẽ phải tự tìm kiếm cơ hội cho mình bằng việc nộp đơn tham dự xét tuyển NV2, NV3.
 
Theo đó, chắc chắn khoảng trên 600.000 TS (hơn 1/2 tổng số TS dự thi) có tổng điểm dưới điểm sàn sẽ chính thức bị loại khỏi cuộc đua vào các trường ĐH. Trong số đó, chỉ những TS bằng mức điểm sàn CĐ trở lên được tham dự xét tuyển NV2, NV3 vào các trường CĐ, hệ CĐ trong các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi.
 
 
Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) vừa thông báo, chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2010 cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước sẽ rộng rãi hơn các năm trước. Có tổng cộng 1.748.000 chỉ tiêu sẽ được phân bổ cho cả các cơ sở đào tạo TCCN thuộc Bộ GD&ĐT và dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Hiện tại, trên cả nước có 2.052 cơ sở dạy nghề, sau kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các trường này sẽ chính thức xét tuyển.
 
Trong năm 2010, tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm TCCN, CĐ nghề thuộc Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH đều có thể liên thông lên ĐH. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được thi lên hệ CĐ nghề của trường, thi vào các trường CĐ, ĐH khác.
 
Thời gian học liên thông từ TCCN lên CĐ sẽ từ 18 tháng đến 2 năm; Từ CĐ lên ĐH từ 1- 2 năm. Thời gian học liên thông từ TCCN lên ĐH sẽ là từ 2,5 - 4 năm, tùy từng ngành.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT có quy định, các trường có đào tạo TCCN có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, không tổ chức thi tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu). Theo đó, đối tượng tuyển sinh vào TCCN là học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS hoặc tương đương, có thể xét tuyển cả những trường hợp chưa đỗ tốt nghiệp THPT.
 
Hơn 600.000 TS trượt ĐH, cộng với 112.838 HS trượt tốt nghiệp THPT 2010, có thể thấy rằng việc lựa chọn học nghề với các đối tượng này xem ra là bài toán hợp lý vào lúc này.
 
Ông Nguyễn Văn Trên, Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lạnh Hà Nội cho biết, kỳ tuyển sinh 2010 trường có 700 chỉ tiêu cho hệ CĐ chính quy, 500 chỉ tiêu hệ TCCN ở 6 ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, trường còn tổ chức đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Hàng năm, tổ chức thi liên thông từ TCCN lên CĐ, đào tạo liên kết với các trường ĐH, CĐ khác. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Ngày hội “Hướng nghiệp - việc làm và đào tạo liên thông” tại trường. Theo đó, nhiều cơ hội học tập cùng với tuyển dụng vào tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
 
Trường CĐ Du lịch Hà Nội sẽ lấy 900 chỉ tiêu hệ TCCN và 750 chỉ tiêu CĐ nghề. Với hai hệ TCCN và CĐ nghề, xét tuyển với HS tốt nghiệp THPT. Các ngành nghề phục vụ của trường thu hút đông học viên như: Tài chính - Kế toán du lịch, Quản  trị kinh doanh khách sạn, Kinh doanh nhà hàng, Chế biến món ăn và Lữ hành...
 
Theo lãnh đạo trường, học sinh của trường được các doanh nghiệp nhận về thực tập, sau đó tuyển dụng. Đa số học sinh ra trường có việc làm ngay, với mức lương từ 2-4 triệu đồng/tháng. Tương tự, Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cũng tuyển số lượng lớn học sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT là có thể ghi tên đăng ký vào một trong 15 ngành nghề của trường như: Kế toán, kỹ thuật máy tính, công nghiệp ô tô, điện tử... Dự kiến, tuyển sinh đến hết tháng 8.
 
Các trường đào tạo nghề có tiếng như: CĐ nghề Đường sắt, CĐ nghề Cơ giới Ninh Bình, CĐ nghề Cơ điện Phú Thọ, CĐ nghề Duyên Hải, CĐ nghề Bách nghệ Hải Phòng, CĐ nghề Công nghiệp Việt Bắc, CĐ nghề Đà Lạt, Trung cấp nghề số 1 Bộ Quốc phòng, Trung cấp nghề Nhân Đạo, Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương... kỳ tuyển sinh 2010 có số lượng chỉ tiêu lớn và thu hút được đông đảo học sinh theo học.
 
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh học nghề tự tìm được việc làm chiếm trên 70%, trong đó, một số cơ sở dạy nghề đạt tới 95%. Cả nước có 240.000 doanh nghiệp, số lao động qua đào tạo nghề đang thiếu tại các doanh nghiệp khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người.
 
Theo giadinh.net
  • Từ khóa