Thứ 6, 04/07/2025, 11:58[GMT+7]

Khai xuân, khai bút, viết tương lai

Thứ 4, 24/02/2016 | 09:24:17
2,396 lượt xem
Mùa xuân là mùa của niềm tin và hy vọng. Ngày đầu năm mới, nếu ai gặp điều may mắn thì cả năm công việc sẽ trôi chảy, gặp nhiều thuận lợi. Cũng với ý nghĩa như vậy, tục khai bút với tâm thức “Khai xuân, khai bút, khai trí” đã xuất hiện, dần trở thành tục lệ tốt đẹp. Xã Thái Nguyên (Thái Thụy) có ba làng còn giữ gìn tục khai bút đầu xuân.

Đại diện Ban công tác mặt trận thôn Hà Mi trao quà cho học sinh nhân dịp khai bút đầu xuân Bính Thân 2016.

 

Khai bút “một thời vang bóng”

 

Khai bút xưa chỉ tập trung vào tầng lớp nhà nho với những văn nhân, chí sĩ theo nghiệp đèn sách. Ông Bùi Đình Duân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thái Nguyên kể cho chúng tôi nghe về tục khai bút ở địa phương mình: Xưa kia, các làng Bằng Lương, Hà Mi và Bích Đoài cùng một số làng thuộc các xã Thái Hòa, Thái Thượng hiện nay nằm trong địa phận tổng Bích Du. Tổng được coi là đất nho học, nổi tiếng không thể không nhắc đến vị Hoàng giáp Nguyễn Mậu đăng khoa năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa 6 (1448). Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, văn nhân, chí sĩ trong tổng lại chọn ngày đẹp, giờ lành (thường là mùng hai, mùng ba tết) tập trung về Từ chỉ - nơi thờ Thánh Khổng đặt tại thôn Bích Đoài để làm lễ dâng hương, tế trời đất. Sau khi mọi lễ thức tâm linh hoàn thành, thủ tục khai bút được thực hiện. Các quan chức, nho sĩ, học trò đều chuẩn bị đầy đủ án thư, nghiên mực, bút lông, giấy viết bày trước mặt, chờ hồi trống hiệu thì đồng loạt chắp bút. Nội dung khai bút xưa thường xoay quanh việc bình thơ, làm câu đối hay đơn giản chỉ là viết những lời chúc tốt đẹp gửi đến mọi người nhân dịp đầu xuân. Trong ngày này, cũng có những người tìm đến các thầy đồ để xin chữ. Họ quan niệm rằng, các bậc “có chữ nghĩa” là những người thông hiểu tri thức, nắm rõ đạo lý, xin chữ của các bậc ấy là xin được may mắn, bình an và tài lộc, người nào càng viết đẹp càng được nhiều người xin chữ.

 

Đối với văn nhân, chí sĩ, ngày khai bút có thể là dịp duy nhất trong năm họ được ngồi bên nhau thưởng trà, ngâm vịnh. Không giống như những người nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, với lũy tre làng, người theo nghiệp học có khi bôn ba ở chốn quan trường, thi cử, khi lặn lội đến nơi xa dạy người, rèn chữ, có những người tết đến mới trở về quê hương rồi lại ra đi “tầm sư học đạo”. Vì vậy, ngày khai bút cũng như một cuộc gặp mặt có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tầng lớp chí sĩ, văn nhân, giúp họ có cơ hội trao đổi, học tập lẫn nhau, nâng cao nhận thức.

 

Khai bút có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân tổng Bích Du ngày ấy. Đó là nguồn động lực để các thế hệ dân chúng trong tổng tiếp nối nhau gắng công luyện rèn, mong đạt được thành công trên con đường công danh, sự nghiệp. Chẳng thế mà chỉ tính riêng thôn Bích Đoài có đến một nửa số dân là thầy đồ, người tài giỏi, theo nghiệp học trong làng không sao kể hết. Nhưng rồi Nho học rơi vào thời kỳ thất thế, lớp ông đồ, nho sinh mỗi ngày một ít đi, giặc Pháp xâm lược, Từ chỉ hoang tàn, khai bút tưởng như cũng theo những lớp người xưa về miền dĩ vãng.

 

Khai bút hồi sinh

 

Nhận thấy khai bút đầu xuân có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài, đây lại là một phong tục vốn có của quê hương từ thuở trước, các làng Bằng Lương, Hà Mi và Bích Đoài đã quyết định phục dựng lại tục lệ, đưa khai bút “hồi sinh” trong đời sống văn hóa của địa phương.

 

Làng Bằng Lương là nơi đầu tiên phục dựng tục khai bút tại xã Thái Nguyên. Xuân Quý Mùi 2003, làng bắt đầu tổ chức kỳ khai bút đầu tiên vào mùng 4 tết và duy trì hoạt động thường niên cho đến ngày nay. Xuân Bính Thân 2016, làng Bích Đoài và Hà Mi lần lượt phục dựng tục khai bút vào ngày mùng 2 và ngày mùng 6 tết.

 

Khai bút theo hình thức mới có những nét khác biệt so với khai bút cổ truyền. Ngày nay, đối tượng dự khai bút không phải là các bậc văn nhân, chí sĩ mà là các em học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS, được nhà trường tuyển chọn, giới thiệu. Chữ quốc ngữ cũng được sử dụng thay thế chữ nho xưa, tạo  cơ hội cho các em được tiếp cận bài thi một cách dễ dàng.

 

Mỗi làng có những cách tổ chức khai bút khác nhau nhưng chủ yếu sử dụng hình thức thi tài như thi viết chữ đẹp, thi làm văn hay. Ở làng Bích Đoài, năm 2016, làng tổ chức thi viết chữ đẹp nhưng theo một số ý kiến của Ban công tác mặt trận thôn, có thể năm tiếp theo khai bút sẽ có cả phần thi tiếng Anh, thi Địa lý... Với làng Bằng Lương, hoạt động thi viết chữ đẹp đã được duy trì từ năm 2003 đến nay. Làng Hà Mi lại kết hợp thi văn hay, chữ đẹp nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, bên cạnh đó còn thúc đấy các thế hệ học sinh “luyện nét chữ, rèn nết người”.

 

Em Vũ Thị Thảo Anh, học sinh lớp 6B, Trường THCS Thái Nguyên chia sẻ khi được lựa chọn tham gia hội khai bút đầu xuân làng Hà Mi: Được tham gia hội khai bút, em cảm thấy rất vui và tự hào. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sang năm tiếp tục được tham gia.

 

“Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ”. Khai bút hôm nay để bắt đầu cho một năm nỗ lực của những mầm non. Hôm nay khai bút để ngày mai các em sẽ viết lên tương lai tươi đẹp cho nước nhà. Tục khai bút mãi là biểu tượng đẹp của văn hóa Việt Nam.

 

Thu Hiền

(Đông Hưng)

  • Từ khóa