Chủ nhật, 04/08/2024, 07:21[GMT+7]

Trường học dành cho người lớn

Thứ 4, 24/02/2016 | 09:25:56
1,995 lượt xem
Cùng với phong trào khuyến học được đánh giá cao, mô hình trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn của Thái Bình là một mô hình học tập điển hình của cả nước. Với phương châm “cần gì học nấy”, trung tâm học tập cộng đồng được ví là trường học dành cho người lớn.

Học viên phát biểu thảo luận tại lớp học kỹ thuật xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trọng Quan tổ chức.

 

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Trọng Quan (Đông Hưng) là một trong những trung tâm hoạt động xuất sắc, dẫn đầu. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức được từ 50 - 55 lớp học với các chuyên đề giáo dục pháp luật, phát triển kinh tế, giáo dục văn hóa xã hội, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường cho từ 7.000 - 9.000 lượt người. Ông Vũ Quang Phương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Từ khi thành lập, Ban Giám đốc Trung tâm đặc biệt chú trọng đến nhu cầu học của nhân dân. Để biết được nhân dân cần học gì, cuối mỗi năm, Trung tâm thường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, trưởng đoàn thể các thôn điều tra nhu cầu học của nhân dân, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch học tập hàng tháng, bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng học.

 

Cũng tổ chức học tập sôi nổi theo phương châm “cần gì, học nấy”, TTHTCĐ phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) là một trong những TTHTCĐ hoạt động hiệu quả. Dựa trên lợi thế là một phường của thành phố, nhiều người có chuyên môn, học vị cao, Ban Giám đốc Trung tâm đã thu hút, tập hợp đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên sâu trở thành giáo viên của Trung tâm. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, TTHTCĐ phường Trần Lãm tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Nguyễn Sơn Ca, Giám đốc Trung tâm cho biết: 5 năm qua, Trung tâm đã mở 673 lớp cho 78.032 lượt người, trong đó 175 lượt người học cắt may công nghiệp, 82 lượt người học nghề mây tre đan, 87 người là cán bộ UBND phường, giáo viên mầm non học tin học trong đó 45 người được cấp chứng chỉ, 128 người học tiếng Anh trình độ A, B. Các lớp học đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong phường. Để nhân dân được đọc sách, báo, Trung tâm đã tổ chức tủ sách ở nhà văn hóa tổ dân phố, đưa tủ sách của TTHTCĐ đến gần hơn với người dân, huy động được nguồn sách, báo nhàn rỗi trong nhân dân, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân được đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa.

 

Theo ông Đặng Văn Cao, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: Hiện nay, toàn tỉnh có 286 TTHTCĐ; theo đánh giá, xếp loại, 47 trung tâm đạt xuất sắc, 160 trung tâm đạt loại tốt, 76 trung tâm đạt loại khá, chỉ có 3 trung tâm đạt loại trung bình. Các TTHTCĐ hoạt động xuất sắc dẫn đầu các huyện, thành phố là Trọng Quan (Đông Hưng), Trần Lãm (thành phố), Thanh Tân (Kiến Xương), Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Tân Lễ (Hưng Hà), Nguyên Xá (Vũ Thư), Thụy Xuân (Thái Thụy), Nam Phú (Tiền Hải). Với phương châm “cần gì học nấy”, hoạt động của các TTHTCĐ đã góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí và hoạt động của TTHTCĐ còn có mức độ nên chưa có sự quan tâm đúng mức. Ban giám đốc các TTHTCĐ hoạt động nhưng không có lương nên chưa thực sự tâm huyết; chương trình, nội dung học tập chưa được đổi mới; đội ngũ giảng viên của các trung tâm chưa được tập huấn cơ bản, thường xuyên hàng năm.

 

“Học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng cần phải học thêm” (Hồ Chí Minh). Học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết, góp phần xây dựng quê hương, đất nước là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước. TTHTCĐ chính là ngôi trường của người lớn, tạo điều kiện giúp nhân dân được học tập suốt đời. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, TTHTCĐ cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

 

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa