Chủ nhật, 04/08/2024, 01:19[GMT+7]

Khuyến học Thái Bình với phong trào “3 cần” trong nhiệm kỳ 2010 - 2015

Thứ 4, 24/02/2016 | 09:28:49
1,834 lượt xem
Nếu phong trào “3 mạnh” dành cho toàn hội thì phong trào “3 cần” dành riêng cho cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở, được cán bộ hội hăng hái hưởng ứng, say sưa phấn đấu và đã thực hiện tốt trong nhiều năm qua.

 

Với quan niệm cán bộ tham mưu tốt là cán bộ nắm thật vững đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt sự nghiệp khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) ở địa phương.

 

15 năm qua, Hội Khuyến học Thái Bình đã tham mưu để Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hơn 20 văn bản như Chỉ thị số 01, Chỉ thị số 34, Chỉ thị số 41, Thông tri số 05, Kết luận số 04..., từ đó tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để chỉ đạo phong trào KHKT, xây dựng XHHT, thể hiện rất đầy đủ, rõ ràng về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, tạo điều kiện của UBND tỉnh đối với sự nghiệp KHKT, xây dựng XHHT của tỉnh. Cũng từ sự tham mưu này ở tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị dựa vào đó tiếp tục tham mưu để cấp ủy, chính quyền có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho sự nghiệp KHKT, xây dựng XHHT. Đây là điều kiện tiên quyết, bảo đảm chắc chắn cho thành công. Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

 

Tham mưu tốt còn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp huy động các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tham gia công tác KHKT, xây dựng XHHT, cũng là để cán bộ, hội viên hội khuyến học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và xây dựng các phong trào luôn gắn kết với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 

Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ: “Củng cố hội khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt cho sự liên kết phối hợp các tổ chức và các lực lượng xã hội tham gia phong trào KHKT, xây dựng XHHT”. Việc xây dựng, củng cố tổ chức hội các cấp vững mạnh đã được nêu ở phong trào “3 mạnh”. Còn vai trò làm nòng cốt liên kết phối hợp thì được nói rõ trong phần này.

 

 

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh trao giấy khen cho em Vũ Xuân Trung lớp 11 toán Trường THPT Chuyên Thái Bình giành Huy chương Vàng Olympic toán quốc tế lần thứ 56 tại Thái Lan. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Mối quan hệ giữa Hội Khuyến học và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh là mối quan hệ đặc biệt gắn bó, phối hợp liên tục, hiệu quả trong suốt 15 năm qua. Càng về những năm cuối nhiệm kỳ III thì sự gắn kết, phối hợp càng sâu, càng rõ, hiệu quả càng lớn. Vấn đề xã hội hóa giáo dục được đặt ra từ lâu nhưng từ khi có khuyến học ra đời thì giáo dục có cả một lực lượng đồng hành tuyên truyền và thực hiện xã hội hóa giáo dục, góp phần làm cho phong trào xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình đã 3 năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp dẫn đầu cả nước. Hội cũng đã đóng góp và tham gia nhiều ý kiến cho công tác quản lý giáo dục, việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường, việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, việc huy động sức người, sức của cho phát triển giáo dục. Nhiều năm qua, giáo dục Thái Bình luôn được xếp trong tốp đầu của cả nước, trong thành tích đó có phần đóng góp không nhỏ của người bạn đồng hành là hội khuyến học.

 

Mối quan hệ giữa khuyến học và khoa giáo  là mối quan hệ khá đặc biệt. Ngay từ đầu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu để tỉnh ra quyết định thành lập hội và quyết định thành lập ban chấp hành lâm thời. Khi đã có hội thì Hội và Ban Tuyên giáo luôn gắn bó mật thiết để cùng nhau tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ thị, thông tri, kết luận, quyết định. 15 năm qua, Hội là tổ chức thành viên, cùng các ngành trong khối khoa giáo, tư tưởng văn hóa giao ban thường xuyên, nền nếp. Đây là điều kiện cần thiết để chủ trương, nhiệm vụ, phong trào của Hội đến với các cấp, các ngành, đặc biệt là đến với các cơ quan tuyên truyền, báo chí để mọi người, mọi nhà và toàn xã hội hiểu về KHKT, xây dựng XHHT.

 

Mối quan hệ giữa Hội Khuyến học và Ban Dân vận: nhiều năm qua, Ban Dân vận đã phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo, tập hợp báo cáo hàng quý xây dựng chương trình, đưa định hướng các phong trào khuyến học như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, đơn vị XHHT vào kế hoạch hướng dẫn trong các kỳ tổng kết và triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, đã hướng dẫn Hội chỉ đạo sâu phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ “Dân vận khéo” mà KHKT, xây dựng XHHT rất thành công; đã có hội nghị tổng kết 5 năm “Dân vận khéo” để làm tốt công tác KHKT, xây dựng XHHT.

 

Hội Khuyến học với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thông qua dự thảo kế hoạch phối hợp chỉ đạo, phát động phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng XHHT, triển khai thực hiện ở các tổ chức thuộc Mặt trận trong 3 năm. Riêng năm 2014, Hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức thành công hội nghị tổng kết phong trào thi đua KHKT, xây dựng XHHT trong các nhà chùa, nhà thờ, xứ đạo, Phật tử, giáo dân.

 

Hội Khuyến học đã phối hợp với Báo Thái Bình, Hội Nhà báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trú của các báo trung ương tại địa phương thống nhất kế hoạch tuyên truyền về KHKT, xây dựng XHHT; phối hợp với tạp chí Thế giới trong ta xây dựng chuyên mục “Thái Bình xây dựng XHHT”; thường xuyên chăm lo xây dựng mạng lưới làm công tác tuyên truyền ở các xã, phường, thị trấn. Đã có hàng trăm cán bộ tham gia công tác tuyên truyền, viết tin, bài đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương...

 

Hội Khuyến học đã thực sự thành công với phong trào thi đua “3 mạnh, 3 cần”. Đây là phong trào thi đua thực sự sáng tạo, sôi nổi và thực tiễn đối với toàn thể cán bộ, hội viên gần 10 năm qua, được cấp ủy, chính quyền các cấp khẳng định và khuyến khích. Chắc chắn rằng, phong trào thi đua “3 mạnh, 3 cần” ở giai đoạn tiếp theo sẽ được thực hiện một cách sâu hơn, có tác dụng, hiệu quả tốt hơn trong sự nghiệp KHKT, xây dựng XHHT trong thời gian tới.

 

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Cầm

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh

 

15 năm Hội Khuyến học Thái Bình

Những con số ấn tượng

- 672 hội khuyến học cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị)

- 5.727 ban khuyến học (dòng họ, đơn vị, lực lượng vũ trang, nhà thờ, nhà chùa)

- 3.236 chi hội khuyến học (thôn, tổ dân phố, trường học)

- 498.966 hội viên khuyến học, bằng 26,36% dân số (đứng thứ 5 toàn quốc)

- 212.050 gia đình hiếu học, bằng 39,6% số hộ

- 3.795 dòng họ hiếu học, bằng 58,8% số dòng họ

- 1.361 cộng đồng khuyến học, bằng 38,75% khu dân cư

- 218 cơ quan, đơn vị được công nhận “Đơn vị xã hội học tập cấp cơ sở”, bằng 59,2% số đơn vị trong tỉnh

- Bình quân mỗi năm, các trung tâm học tập cộng đồng huy động 1,5 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề (bằng 8,3% số lượt người học của cả nước hàng năm)

- Bình quân mỗi năm, các cấp hội đã hỗ trợ, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó 20.000 suất với số tiền gần 4 tỷ đồng; khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích trong học tập, giảng dạy 110.000 suất với số tiền gần 8 tỷ đồng

- Quỹ khuyến học các cấp trong tỉnh đạt 58,8 tỷ đồng năm 2015, bình quân đầu người đạt 31.000 đồng

- Các mục tiêu: phát triển hội viên, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, quỹ khuyến học đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra

- Thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập theo Đề án 281 đã có: 98% đạt gia đình học tập, 97% đạt dòng họ học tập, 97% đạt cộng đồng học tập, 100% đạt đơn vị học tập

 

Bảng vàng thành tích của khuyến học Thái Bình

1. Hội Khuyến học Thái Bình luôn đứng trong tốp đầu của phong trào khuyến học cả nước, là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có các chỉ số phát triển cao về số lượng tổ chức hội, hội viên, các phong trào khuyến học, quỹ khuyến học…

2. Được Chủ tịch nước tặng 3 Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân

3. Thường trực Tỉnh hội và đồng chí Phạm Ngọc Đáp, nguyên Chủ tịch Hội được nhận “Giải thưởng Khuyến học Việt Nam” năm 2012 - giải thưởng cao nhất của Hội Khuyến học Việt Nam

4. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 20 cờ thi đua xuất sắc, 765 kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” và nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

5. Tỉnh ủy tặng bức trướng mang dòng chữ “Hội Khuyến học Thái Bình: Nòng cốt - Sáng tạo - Tích cực - Hiệu quả trong xây dựng xã hội học tập” (nhân dịp Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ III).

6. UBND tỉnh tặng 139 bằng khen cho cá nhân, tập thể, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiêu biểu.

Đặng Văn Cao

(Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)

  • Từ khóa