Thứ 7, 03/08/2024, 19:10[GMT+7]

Chuyển biến từ việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT

Thứ 3, 26/07/2016 | 09:16:15
1,529 lượt xem
Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều hướng đi khác nhau: học cao đẳng, đại học, học nghề... Nhờ làm tốt công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, 2 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi đại học, cao đẳng giảm, tỷ lệ học sinh học nghề cao.

Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại cụm thi số 32.

 

Chú trọng đến công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các trường THPT phân công cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác phân luồng, hướng nghiệp tổ chức tốt công tác tư vấn, định hướng nghề cho học sinh khối lớp 8, lớp 9 ở cấp THCS và lớp 11, lớp 12 cấp THPT. Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, các trường THCS, THPT đã phối hợp chặt chẽ với các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn trực tiếp cho học sinh. Ngoài ra, hàng năm, các trường THCS tiến hành cho học sinh đăng ký học nghề cơ bản như điện, thêu, may, móc len… để các em có những kiến thức cơ bản về nghề sau khi tốt nghiệp.

 

Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, toàn tỉnh có 20.784 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 14.276 thí sinh dự thi cụm thi số 32 dành cho thí sinh thi lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và 6.508 thí sinh dự thi cụm thi số 23 dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT. Như vậy, số lượng thí sinh dự thi tại cụm thi dành cho đối tượng sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT chiếm 31,3%, cao hơn năm trước 2.184 thí sinh. Điều này cho thấy việc phân luồng học sinh và định hướng nghề nghiệp đang có những chuyển biến tích cực. Thầy giáo Đỗ Văn Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Bôn chia sẻ: Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, số lượng học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp tăng hơn năm trước nhiều. Điều này phản ánh các thầy giáo, cô giáo đã từng bước làm tốt công tác phân luồng học sinh và các em đã ý thức hơn về sức học và khả năng của mình. Bên cạnh đó, nhà trường luôn lồng ghép công tác hướng nghiệp vào các hoạt động, đồng thời thường xuyên trao đổi với phụ huynh về học lực của con em để họ có những tác động, định hướng phù hợp. Nhiều học sinh của Trường tâm sự sau khi tốt nghiệp THPT các em sẽ đăng ký học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề gần nhà để sớm ra trường và tìm được việc làm ổn định.

 

Việc lựa chọn học nghề cũng được phụ huynh và học sinh quan tâm hơn. Số lượng học sinh học nghề tại một số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trong tỉnh tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nếu như năm 2015, tổng số học sinh sơ cấp nghề và trung cấp nghề của Trường Cao đẳng nghề số 19/BQP khoảng 1.500 em thì đến nay đã tăng lên gần 2.000 em với 7 nghề trung cấp và 11 nghề sơ cấp, trong đó có nhiều nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn như điện, hàn, công nghệ ô tô, máy lạnh và điều hòa không khí, lái xe ô tô… Sau khi tốt nghiệp, những học sinh có tay nghề giỏi được nhà trường giới thiệu đến các công ty phù hợp với chuyên ngành đào tạo làm việc với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng đến 7 triệu đồng/tháng. Em Trần Đức Tân, học sinh Trường Cao đẳng nghề số 19/BQP chia sẻ: Em nhận thấy không đủ khả năng để thi vào các trường đại học nên đã nộp hồ sơ học hệ trung cấp nghề của Trường Cao đẳng nghề số 19/BQP. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sớm được nhận vào những công ty phù hợp với nghề được đào tạo.

 

Không chỉ có Trường Cao đẳng nghề số 19/BQP, các trường nghề khác trong tỉnh cũng đang tích cực đổi mới phương pháp, loại hình học tập, đồng thời đưa những nghề có nhu cầu cao trong xã hội vào đào tạo. Với việc đổi mới giáo dục như hiện nay, chắc chắn tỷ lệ học sinh học nghề sẽ ngày càng tăng, từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.

 

Đặng Anh

  • Từ khóa