Thứ 5, 01/08/2024, 07:25[GMT+7]

Đồ chơi làm từ phế liệu

Thứ 6, 05/08/2016 | 08:08:53
2,678 lượt xem
Những thứ bỏ đi như vỏ ngao, vỏ sò, chai nhựa, lốp xe đã qua sử dụng dưới bàn tay khéo léo của đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Thụy Hải (Thái Thụy) đã trở thành những bộ đồ chơi hữu ích. Sự sáng tạo của cán bộ, giáo viên nhà trường đã góp phần giải bài toán con nhà nghèo, thêm cơ hội cho trẻ em vùng nông thôn được thỏa mãn nhu cầu về đồ dùng, đồ chơi, qua đó giúp trẻ phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Trẻ thỏa sức sáng tạo từ bộ đồ chơi phát triển trí tuệ.

Hiện nay, Trường có trên 90 bộ đồ chơi được sáng chế từ phế liệu. Qua khai thác đưa vào dạy và học, các bộ đồ chơi đều khẳng định được chất lượng, độ bền và giá trị kinh tế. Không chỉ bảo đảm tính thẩm mỹ, dễ tháo lắp, sử dụng ở những không gian, hoàn cảnh khác nhau, mỗi bộ đồ chơi đều có những ưu điểm riêng và được phân loại theo từng nhóm như: nhóm đồ chơi phát triển toàn thân, nhóm phát triển cơ tay hoặc cơ chân cho trẻ. Trong nhóm đồ chơi phát triển cơ tay có bộ đồ chơi bowling và ném cổ chai, bộ tháo lắp lồng hộp và bộ tháo nắp nút chai đa tác dụng. Với bộ đồ chơi bowling và ném cổ chai, các giáo viên đã sử dụng nguyên liệu là chai nhựa, màu nước, đề can các màu và dây tuy ô. Sau khi các chai nhựa được vệ sinh sạch, giáo viên lấy đề can để trang trí thân chai rồi pha màu đổ vào chai. Dây tuy ô được cắt đoạn và có đề can quấn thành vòng tròn để trẻ sử dụng sự khéo léo ném lọt vào thân chai. Màu sắc bắt mắt của những chai nước cùng sự mới lạ từ trò chơi mới khiến trẻ vô cùng thích thú. Ở nhóm đồ chơi phát triển cơ chân có một số bộ như: cây cầu đa năng được làm từ lốp xe máy hoặc ô tô cũ, sơn, gỗ và dây xích; bộ cà kheo đa tác dụng được chế tạo từ những chiếc hộp sữa. Bộ đồ chơi vừa giúp trẻ phát triển cơ chân, vừa rèn luyện sự khéo léo khi đi trên những đôi cà kheo được thiết kế từ hộp sữa nhiều màu sắc.

Cô giáo Ngô Thị Minh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hải cho biết: Đối với trẻ mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo, đồ chơi là phương tiện phục vụ cho việc vui chơi, từ đó trẻ có thể tích lũy được những kinh nghiệm cho bản thân. Mỗi năm, trẻ sẽ được học 9 - 10 chủ đề theo từng độ tuổi. Chính vì thế, nhằm kích thích tư duy trí tuệ cũng như tạo môi trường cho trẻ vui chơi, phát triển thể chất, Trường luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên phát huy năng lực, thể hiện tư duy sáng tạo. Mỗi tháng, cán bộ, giáo viên của từng nhóm lớp sẽ chủ động làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ theo chủ đề. Sau đó, cá nhân đăng ký ý tưởng sáng tạo. Tổ tư vấn thiết kế đồ dùng, đồ chơi sẽ đưa ra những gợi ý sao cho sản phẩm hoàn hảo nhất. Trường cũng đã dành ra một phòng để giáo viên có không gian sáng tạo riêng. Nhờ sự quan tâm, khích lệ kịp thời, nhiều năm qua, Trường luôn có những bộ đồ chơi đạt giải cao trong các hội thi, cuộc thi tiêu biểu như bộ sản phẩm tận dụng nguyên vật liệu sẵn có đã qua sử dụng tạo đồ chơi nhằm phát triển thể chất cho trẻ mầm non, bộ hộp thông minh cho trẻ mầm non và bộ đồ chơi vận động trong nhà.

Để có được những bộ đồ chơi hữu ích cần có nguồn nguyên liệu phong phú. Ngoài những nguyên liệu do giáo viên tập hợp, sưu tầm, Trường đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các bậc phụ huynh trong việc thu gom vật liệu sẵn có tại địa phương như: vỏ ngao, sò, ốc, điệp điệp, lọ, chai nhựa, hộp giấy cũ. Liên đội Trường Tiểu học và Trường THCS Thụy Hải cũng tìm và thu gom các vật liệu để ủng hộ giáo viên. Tuy nhiên, khi tận dụng nguyên liệu đã qua sử dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều chất liệu có thể làm đồ chơi nhưng độ bền không cao, những chất liệu độ bền cao lại rất khó chế tạo.

Đồ chơi với trẻ mầm non không bao giờ đủ và luôn cần đổi mới. Vì vậy, Trường vẫn đang tiếp tục cải tiến những bộ đồ chơi đã có và xây dựng những ý tưởng làm đồ chơi mới giúp cho trẻ không bị nhàm chán trong quá trình chơi. Đơn giản, dễ làm và có thể ứng dụng với quy trình sản xuất bằng thủ công, những bộ đồ chơi của Trường Mầm non Thụy Hải đã góp phần giảm nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, tiết kiệm chi phí học tập cho học sinh.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa