Thứ 7, 24/05/2025, 07:34[GMT+7]

Hội Khuyến học Việt Nam - 20 năm xây dựng và phát triển

Thứ 4, 28/09/2016 | 08:26:34
1,528 lượt xem
Ngày 2/10/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg cho phép thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam, sau đổi thành Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thực hiện sứ mệnh cao cả: “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập”.

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hội Khuyến học Việt Nam đã trải qua 5 kỳ đại hội:

- Đại hội lần thứ nhất tiến hành vào ngày 2/10/1996 tại hội trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông qua điều lệ, chương trình hoạt động nhiệm kỳ I, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 101 người do Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân làm Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đại hội suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

- Đại hội lần thứ hai (nhiệm kỳ 1999 - 2005) tiến hành vào ngày 16/6/1999 tại Hà Nội đã thông qua điều lệ sửa đổi và bổ sung. Ban Chấp hành khóa II gồm 80 ủy viên do ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục được suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

- Đại hội lần thứ ba (nhiệm kỳ 2006 - 2010) tiến hành vào ngày 5/12/2005 tại Hà Nội đã tổng kết nhiệm kỳ II và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 133 ủy viên do ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch.

- Đại hội lần thứ tư (nhiệm kỳ 2010 - 2015) tiến hành vào ngày 29/9/2010 tại Thủ đô Hà Nội. Cùng với đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 115 ủy viên, ông Nguyễn Mạnh Cầm được bầu lại làm Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục được suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

- Đại hội lần thứ năm (nhiệm kỳ 2016 - 2021) tiến hành vào ngày 21/9/2016 tại Thủ đô Hà Nội. Ngoài tổng kết nhiệm kỳ IV, Đại hội còn tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2016), bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 121 ủy viên do bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ được Đại hội suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

20 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, Hội đã triển khai nhiều dự án, đề án, chương trình xây dựng xã hội học tập, đạt kết quả cao, tiêu biểu như đề án Hội Khuyến học Việt Nam tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đề án Xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, đề án cấp nhà nước Xây dựng mô hình học tập ở Việt Nam, đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020… Tổ chức hội ngày càng phát triển rộng khắp, vững mạnh. Năm 1999 cả nước mới có 500.000 hội viên khuyến học ở 28 tỉnh, thành phố, đến nay đã có hơn 14,7 triệu hội viên ở 63 tỉnh, thành phố, đạt tỷ lệ trên 15% dân số. Quỹ khuyến học các cấp hàng năm tăng nhanh, từ năm 2011 đến năm 2015 luôn đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm, bình quân đầu người trên 23.000 đồng. Trong giai đoạn này đã có hơn 15.000 lượt học sinh, sinh viên được cấp học bổng hoặc trao phần thưởng, hàng trăm nghìn lượt thầy cô giáo được khen thưởng, trợ cấp khó khăn.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng khuyến học phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2015, cả nước đã có gần 8,5 triệu gia đình hiếu học, hơn 65.000 dòng họ hiếu học, hơn 70.000 cộng đồng khuyến học. Đặc biệt, ngay từ khi mới thành lập, Hội đã chú trọng phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để xây dựng, phát triển trung tâm học tập cộng đồng. Năm 1999 cả nước mới có 10 trung tâm, đến năm 2015 đã có hơn 11.000 trung tâm.

Có thể khẳng định, qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, vai trò, vị thế của hội khuyến học trong xã hội ngày càng cao, đã trở thành một tổ chức đặc thù có phạm vi hoạt động trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giao cho Hội triển khai Đề án 281 về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" và nhiệm vụ dạy nghề cho người lao động ở nông thôn tại các trung tâm học tập cộng đồng. Các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giác ngộ người lao động về lợi ích và nghĩa vụ học tập suốt đời, học và làm theo tấm gương học suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với vai trò, vị thế của Hội Khuyến học Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 6/9/2008 về việc lấy ngày 2/10 hàng năm làm ngày Khuyến học Việt Nam.

Trong những năm tới, Hội cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục và đào tạo mà Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện thành công cả nước trở thành một xã hội học tập.

NGƯT  Nguyễn Thanh Cầm
(Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)

Ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ðông Lĩnh (Ðông Hưng)

Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn song những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân xã Đông Lĩnh luôn quan tâm chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Phong trào xây dựng quỹ khuyến học đã được các gia đình, dòng họ, thôn làng, nhà trường, những người con xa quê nhiệt tình ủng hộ. Đến nay, quỹ khuyến học của xã và cơ sở có gần 50 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, hàng năm, vào dịp đầu năm học mới, tết Trung thu, Hội Khuyến học xã, chi hội khuyến học các thôn và các dòng họ tổ chức tuyên dương, khen thưởng các cháu đạt thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Với sự quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần, con em Đông Lĩnh phấn khởi thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, đồng thời tạo ra phong trào xây dựng xã hội học tập rộng khắp trong toàn xã.

Ông Nguyễn Ðức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thụy Duyên (Thái Thụy)

Hoạt động khuyến học, khuyến tài của xã Thụy Duyên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 9 chi hội khuyến học, 36/50 dòng họ có ban khuyến học, 4 cơ quan có ban khuyến học; quỹ khuyến học xã có số dư 120 triệu đồng, tổng quỹ khuyến học dòng họ đạt 320 triệu đồng.

Tháng 10/2015, Thụy Duyên triển khai thực hiện Đề án 281. Đến nay, toàn xã có 100% thôn đăng ký cộng đồng học tập, khoảng 50% dòng họ đăng ký dòng họ học tập, 40% gia đình đăng ký gia đình khuyến học. Đề án đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân địa phương về vai trò của hoạt động khuyến học, khuyến tài; các gia đình đã tạo mọi điều kiện cho con em học tập, dòng họ có những hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập; phong trào khuyến học lan rộng trong toàn xã. Năm học vừa qua, xã không có học sinh bỏ học, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ba cấp đạt 100%, học sinh giỏi cấp trường có 99 em, cấp huyện có 30 em, 13 em đỗ đại học hệ chính quy.

Ông Phạm Hoàng Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Giang Phong (Tiền Hải)

Những năm qua, Chi hội Khuyến học Trường THCS Giang Phong đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào học tập của học sinh. Chi hội đã kết hợp với Công đoàn nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia hoạt động khuyến học dưới nhiều hình thức như: ủng hộ tiền, hỗ trợ học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, hàng năm, ban đại diện cha mẹ học sinh đã trích 30.000 đồng/phụ huynh từ quỹ của ban đại diện để khen thưởng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và học sinh vượt khó vươn lên trong học tập, qua đó kịp thời động viên, khích lệ tinh thần học tập của các cháu trong những năm tiếp theo.

Ông Phạm Văn Ðát, trưởng tộc họ Phạm, xã Minh Quang (Vũ Thư)

Với dòng họ Phạm, việc tổ chức khen thưởng học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài việc tạo động lực để các cháu phấn đấu trong những năm tiếp theo, hoạt động này còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Thời gian tới, dòng họ Phạm sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các thành viên cùng chung tay xây dựng quỹ khuyến học, tạo cơ sở để thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Em Vũ Thị Phương Loan, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ)

Việc tổ chức tuyên dương, trao thưởng tại nhà văn hóa thôn, xã hay từ đường dòng họ đã thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, dòng họ đối với sự nghiệp giáo dục. Bản thân em đã vinh dự được 10 lần nhận quà và học bổng của dòng họ Vũ Khắc. Sau mỗi lần được nhận quà, học bổng tại từ đường dòng họ, em cũng như nhiều học sinh, sinh viên khác đều cảm thấy xúc động, tự hào, càng quyết tâm phấn đấu đạt nhiều kết quả cao hơn nữa. Em mong muốn hoạt động khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển, có sức lan tỏa rộng khắp, tiếp tục đồng hành cùng học sinh, sinh viên, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa