Thứ 6, 21/02/2025, 00:13[GMT+7]

Trường THPT Bình Thanh: 40 năm xây dựng, trưởng thành

Thứ 6, 11/11/2016 | 08:44:16
7,266 lượt xem
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đất nước cần có một lực lượng lao động vừa có sức khỏe vừa có trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật, ngày 24/12/1976, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 108 thành lập Trường phổ thông cấp III vừa học vừa sản xuất Kiến Xương - tiền thân của Trường THPT Bình Thanh ngày nay.

Năm học đầu tiên 1976 - 1977, Trường tuyển sinh 3 lớp 8/10 với 180 học sinh, 15 cán bộ, giáo viên. Năm học này, nơi làm việc của ban giám hiệu đặt ở một số nhà dân, lớp học đặt nhờ vài gian nhà kho chứa cói của HTX Hồng Tiến. Gần một năm sau, ngôi trường mới thực sự hình thành ở một địa điểm cách khu lớp học hơn 500m thuộc địa giới xóm 2 (nay là thôn Tân Thành, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương). Những năm tiếp theo, mỗi năm nhà trường tuyển 4 lớp 8 với 200 học sinh. Cán bộ, giáo viên cũng tăng lên tới 30 người. Thời kỳ này, nửa ngày học sinh lên lớp nghe thầy cô giảng kiến thức văn hóa và khoa học kỹ thuật, nửa ngày các em cùng thầy cô và những kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông làm quen với công việc sản xuất nông nghiệp trên thực địa như: kỹ thuật cấy chăng dây, cấy ngửa tay, nuôi lợn, trồng khoai, ngô, ghép chanh Ơ-rê -ka. Các em vừa có kiến thức văn hóa vừa được chấm công và chia sản phẩm như xã viên nông nghiệp. Nhờ vậy mà thầy và trò nhà trường đã sản xuất gần 600 tấn thóc và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

Do cơn bão số 6 năm 1986 tàn phá, Trường phổ thông cấp III vừa học vừa sản xuất Kiến Xương được được cấp trên cho chuyển về địa điểm mới thuộc địa phận xã Bình Thanh ngày nay. Trong những ngày tháng khó khăn đó, thầy và trò nhà trường lại tiếp tục vận chuyển từng viên gạch vỡ, từng cây tre, bó rạ, tự đóng gạch, đốt gạch để xây trường mới. Đến năm 1993, nhà trường nhận thêm khối cấp II xã Bình Thanh và được mang tên Trường phổ thông cấp II - III Bình Thanh. Quy mô nhà trường có bước phát triển nhưng cơ sở vật chất không được đầu tư thêm nên giai đoạn này trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã đoàn kết khắc phục khó khăn, vươn lên giành nhiều thành tích cao trong giảng dạy và học tập, tiêu biểu như thầy Đặng Phương Bắc, cô Bùi Thị Hiền, thầy Bùi Văn Chương, cô Phạm Thị Hoa, cô Hà Thị Hồng…; học sinh có em Lê Thị Quế đạt giải nhất môn Văn toàn tỉnh, em Tiền Thị Thủy, em Bùi Văn Tài đạt giải nhì môn Toán toàn tỉnh; đội bóng chuyền nam của Trường đạt giải nhì toàn miền Bắc, giải tư tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 1996.

Đến năm 2001, khối cấp III được tách ra và Trường được mang tên Trường THPT Bình Thanh; cơ sở vật chất được củng cố và xây dựng mới: nhà trường có 2 dãy nhà học cao tầng với 34 phòng học, 3 phòng học bộ môn, các phòng chức năng, hệ thống sân chơi, bãi tập tương đối đầy đủ và sạch sẽ. Cán bộ, giáo viên từ 28 - 30 đồng chí đã nhanh chóng phát triển lên 58 - 62 đồng chí, trong đó 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, 8 đồng chí có trình độ thạc sĩ. Quy mô từ 15 lớp năm 2000 phát triển lên 21 lớp năm 2006 và 27 lớp năm 2009 với 1.200 học sinh.

Học sinh Trường THPT Bình Thanh trong giờ tin học.

Trong những năm gần đây, Chi bộ nhà trường luôn đạt trong sạch, vững mạnh, ban giám hiệu thật sự đoàn kết - kỷ cương - tình thương - hiệu quả; Trường đạt danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền; 100% cán bộ, giáo viên đạt lao động tiên tiến, trong đó 65% đạt tiên tiến xuất sắc, 20% đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp trường. Kết quả giáo dục của Trường không ngừng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Trường không có bạo lực học đường. Tỷ lệ xếp loại đạo đức tốt luôn đạt từ 68 - 75%. Mặc dù xuất phát điểm đầu vào còn thấp song nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp và thi đại học. Đặc biệt, năm học 2014 - 2015, em Bùi Mạnh Thắng đã vượt qua hơn 42.000 thí sinh khác đỗ thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trải qua 40 năm xây dựng, trưởng thành, Trường đã có hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp, trong đó nhiều người đã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, đang giảng dạy ở các trường đại học, các học viện trong và ngoài nước. Nhiều người là cán bộ quản lý cấp bộ, ngành trung ương. Nhiều người là cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp từ xã đến huyện, tỉnh. Nhiều người là sĩ quan trong khối lực lượng vũ trang. Nhiều cựu học sinh là kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp..., đã và đang tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Có được kết quả đó, Trường đã dày công xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, giỏi về chuyên môn, dân chủ trong xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quan tâm giúp học sinh phát huy trí thông minh, sáng tạo, có khát vọng vươn lên học tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh. Thầy giỏi - trò thông minh, chăm chỉ, nhà trường - gia đình - xã hội quan tâm. Ngoài ra, Trường đã biết tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện Kiến Xương, của cấp ủy, chính quyền, nhân dân sở tại và của cha mẹ học sinh, từ đó phát huy thuận lợi, khắc phục và vượt qua khó khăn, vươn lên giành những thắng lợi mới. Thời gian tới, thầy và trò Trường THPT Bình Thanh tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt đã được bao thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường vun đắp; đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt", thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh để nâng cao nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm học tập vì tương lai của bản thân và của quê hương, đất nước.

Đỗ Văn Sao
(Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng)

 

  • Từ khóa