Thứ 6, 22/11/2024, 00:19[GMT+7]

Mô hình trường học mới - Để lý thuyết không xa thực tế (Bài 2)

Thứ 6, 21/04/2017 | 07:59:03
1,695 lượt xem
Mặc dù mục tiêu đổi mới thể hiện rõ, ưu điểm của phương pháp dạy và học của VNEN đã được khẳng định, song nhiều ý kiến cũng phân tích khi đưa áp dụng mô hình trong thực tiễn còn khá nhiều bất cập vì có nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) học theo mô hình trường học mới.

Kỳ 2: Nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp

Một trong những khó khăn lớn đó là tại hệ thống các trường áp dụng mô hình chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh. Hầu hết diện tích lớp học, bàn ghế học sinh… tại các trường học hiện nay đều được thiết kế cho lớp học truyền thống song với mô hình VNEN yêu cầu có không gian lớp học để thuận lợi cho tổ chức lớp học theo hình thức học sinh ngồi bàn tròn theo nhóm để phục vụ cho hoạt động thảo luận trong giờ học chứ không phải là ngồi hướng lên bục giảng. 

Thầy giáo Bùi Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hưng Hà) nhận xét đối với cấp THCS, theo tiêu chí lớp học mô hình VNEN, mỗi lớp phải có 1 máy tính, 1 máy chiếu, kết nối wifi, trong khi đó cơ sở vật chất của hầu hết các nhà trường hiện nay chưa thể đáp ứng đầy đủ. Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với mô hình trường học mới là rất cao song điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chung của hệ thống trường học trong tỉnh nhìn chung mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Trong quá trình triển khai mô hình trường học mới tại tỉnh ta, ngoại trừ Trường Tiểu học Tự Tân là trường điểm đầu tiên của tỉnh trong thời gian đầu được hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị, sách giáo khoa từ dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại hầu hết các trường học chưa được đầu tư, hỗ trợ kinh phí cũng như trang thiết bị. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thái Thụy cho biết hiện nay các khoản thu trong trường học đang được quy định chặt chẽ bởi Quyết định số 2814 của UBND tỉnh, song với yêu cầu về trang thiết bị, đổi mới không gian lớp học mà không được cấp trên hỗ trợ, cũng không thu của học sinh thì các trường học thực sự không biết phải nhìn vào đâu để có kinh phí đầu tư. Vì vậy, không riêng Thái Thụy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thiếu đồng bộ so với yêu cầu là điểm chung của hầu hết các trường học khi thực hiện VNEN.

Cùng với khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình học của VNEN được cho là khá bất cập. Cụ thể, nếu như với phương pháp dạy truyền thống, cùng với Toán, Tiếng việt (cấp tiểu học) hay Ngữ văn (cấp trung học), học sinh được học các môn như Địa lý, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học… thì nay với VNEN, các môn học này được ghép thành môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Với cấp tiểu học, giáo viên vẫn tích hợp dạy các môn phụ song với cấp THCS đang thực sự bất cập bởi đội ngũ giáo viên THCS hiện nay được đào tạo và dạy riêng biệt Vật lý, Hóa học, Sinh học. Giải pháp mà nhiều trường đang chữa cháy là với chuyên đề nào thiên về môn học đó nhiều hơn sẽ bố trí giáo viên của môn học đó. “Thời khóa biểu phải thay đổi theo tuần, rất vất vả để nghiên cứu phân công thời khóa biểu” là than thở của các cán bộ quản lý giáo dục. 100% giáo viên ngành Giáo dục hiện nay được đào tạo để dạy học theo phương pháp dạy truyền thống. Với hệ cao đẳng là 3 năm, đại học là 4 năm mới đủ điều kiện về kiến thức và phương pháp để đứng trên bục giảng, song mô hình trường học mới với phương pháp dạy gần như đổi mới hoàn toàn thì ít buổi tập huấn chưa thể cung cấp đủ kiến thức và phương pháp cho đội ngũ giáo viên để họ có thể thực hành tốt những giờ học theo mô hình mới.

Thêm đó, bộ sách giáo khoa của mô hình VNEN hiện nay là sách giáo khoa 3 trong 1 (dùng cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh) song theo nhận xét của nhiều nhà giáo, nội dung và chất lượng một số chuyên đề trong sách giáo khoa chưa thật phù hợp. Đặc biệt với các môn tích hợp như khoa học xã hội, khoa học tự nhiên không tổng hợp kiến thức trọng tâm, sách hướng dẫn có nhiều câu hỏi khó nhưng không có hướng dẫn, gây khó cho cả giáo viên chứ chưa nói đến học sinh. Đặc biệt hơn nữa là sách giáo khoa của mô hình này không thể tái sử dụng, trong khi tiền mua bộ sách giáo khoa theo mô hình trường học mới giá thành cao hơn sách theo chương trình cũ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khó có thể đáp ứng điều kiện học tập cho các con. Bên cạnh đó, cũng theo nhận xét của các cán bộ quản lý, với mô hình VNEN, giáo viên chỉ có sổ tay lên lớp, không có giáo án cụ thể nên dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất lượng giờ dạy học của giáo viên. Chương trình VNEN của trường được cấp bộ, sở, phòng giao thực hiện nhưng không có tiết học mẫu, giáo viên, học sinh phải tự mày mò phương pháp học.

Học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Phú Châu (Đông Hưng) khởi động trước khi vào tiết học.

Cùng với những khó khăn và bất cập trên, một trong những nội dung được dư luận, đặc biệt phía phụ huynh quan tâm nhất đó là việc thành lập hội đồng tự quản của học sinh. Nhiều phụ huynh nhận xét việc “chính trị hóa” với các chức danh như: chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban đối ngoại, trưởng ban học tập… cho đội ngũ cán bộ lớp đã vô tình đặt lên vai các học sinh một sức ép về lãnh đạo. Trong khi tuổi còn nhỏ, chưa nhận thức hết được nhiệm vụ, vai trò của mình nên những danh từ mỹ miều “chủ tịch”, “trưởng ban” cùng với việc đề cao tính tự quản trong các em song đôi khi do ít có sự giám sát của giáo viên đã đẩy không ít học sinh đến những hành động hống hách, ra oai với các bạn từ đó làm mất đi sự đoàn kết, vô tư, trong sáng vốn có trong quan hệ học trò và đây sẽ là mầm mống tạo nên bạo lực học đường, một trong những vấn đề đáng quan ngại hiện nay.

Có quá nhiều khó khăn và bất cập khi đưa mô hình trường học mới áp dụng vào thực tế mà nguyên nhân được phân tích sâu xa là do lộ trình chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như công tác đào tạo đội ngũ chưa dài hơi dẫn đến lúng túng, bị động trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhiều người ví trong điều kiện thực tế của giáo dục và nền kinh tế - xã hội như hiện nay của Việt Nam, việc áp dụng mô hình trường học mới chẳng khác nào một chiếc áo hẹp dành cho một cơ thể lớn. Nói rộng hơn, mục tiêu tốt đẹp của mô hình VNEN cũng như lý tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta nóng vội, muốn đốt cháy giai đoạn, áp dụng mô hình khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo, chưa phù hợp với điều kiện thực tế sẽ dẫn đến những bất ổn không nhỏ trong công tác giáo dục và đào tạo.

Thầy giáo Đặng Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phong (Thái Thụy)


Bên cạnh những ưu việt không thể phủ nhận của mô hình trường học mới như: tạo ra không khí học tập dân chủ, nhẹ nhàng, bớt đi sự căng thẳng hay tính khuôn mẫu của phương pháp học truyền thống; học sinh tích cực, chủ động, mạnh dạn, tự tin… thì vẫn còn xuất hiện một số hạn chế. Nội dung sách giáo khoa có một số bài ở một số môn còn bất cập như: kiến thức chưa thật phù hợp, không tổng hợp kiến thức trọng tâm... Bên cạnh đó, việc học theo mô hình mới khiến việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh không được kỹ như phương pháp truyền thống.

Ông Lê Trung Khánh, phụ huynh học sinh lớp 6A1, Trường THCS An Bài (Quỳnh Phụ).


Năm nay là năm đầu tiên con tôi học theo mô hình trường học mới. Sau hơn 1 kỳ học, tôi nhận thấy cháu có nhiều thay đổi tích cực như: tự chủ, tự tin. Tuy nhiên, với phương pháp học mới này, các cháu có ít bài tập về nhà hơn phương pháp truyền thống. Vì vậy, nếu các thầy cô giáo tăng lượng bài tập về nhà thì tôi nghĩ các cháu được rèn luyện nhiều hơn.


(còn nữa)

Trần Hương - Đặng Anh