Thứ 7, 11/01/2025, 05:53[GMT+7]

Sức hút từ mô hình thư viện xanh

Thứ 5, 27/04/2017 | 08:11:03
3,355 lượt xem
Mô hình thư viện xanh được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phát động từ năm học 2008 - 2009. Đến nay, nhiều trường học, đặc biệt là các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã đưa mô hình thư viện xanh vào hoạt động. Đây là một trong những tiêu chí nằm trong chương trình “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra từ năm 2008.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Châu đọc sách tại thư viện xanh ngoài trời vào giờ ra chơi.

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục Thái Thụy đã phát động phong trào xây dựng thư viện xanh phù hợp với mỗi nhà trường, mở rộng không gian đọc cho học sinh vượt ra khỏi không gian của các phòng đọc, thư viện, tạo hứng thú và thuận tiện cho việc đọc sách của học sinh. Việc xây dựng thư viện xanh đã thu hút được sự vào cuộc của các bậc phụ huynh, các tổ chức xã hội góp phần làm nên diện mạo mới cho khuôn viên nhà trường thêm đẹp và thân thiện hơn. 

Đến nay, toàn huyện có 41 trường xây dựng thư viện xanh (tăng thêm 34 trường so với năm học trước). Bên cạnh đó, để thúc đẩy văn hóa đọc, toàn huyện xây dựng được 615 tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học với 72.570 đầu sách. Để mô hình thư viện xanh đạt hiệu quả, các trường trong huyện đã tận dụng diện tích không gian nhỏ hẹp nhưng có các gốc cây lớn, đóng các tủ sách nhỏ, nhiều màu sắc để thu hút các em học sinh đọc sách hàng ngày. Các hàng ghế đá được đặt ngay dưới các bóng mát cây xanh ngoài sân trường, giúp học sinh dễ dàng chọn lựa sách ngồi đọc trong giờ ra chơi. Ngoài ra, các trường còn tổ chức cho học sinh viết sổ nhật ký, kể lại câu chuyện dưới hình thức sân khấu hóa sau khi đọc sách để hiểu được ý nghĩa của việc đọc và ứng dụng vào thực tiễn.

Cùng với huyện Thái Thụy, các trường học tại các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi xã hội hóa giáo dục để xây dựng thư viện xanh trong trường học, tăng nguồn sách cho học sinh đọc, tham khảo. 

Vừa qua, Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư) đã tổ chức cho học sinh tham gia ngày hội đọc sách. Với sự tham gia tích cực của học sinh, các em đã thể hiện khả năng tuyên truyền và tìm hiểu về sách thông qua các phần thi: kể chuyện theo sách, hái hoa dân chủ, đi siêu thị, đặc biệt là phần giới thiệu về mô hình thư viện xanh và các hoạt động diễn ra hàng ngày tại thư viện. 

Theo cô giáo Trần Thị Mỳ, Hiệu trưởng nhà trường, nhận thấy việc đọc sách đóng vai trò quan trọng giúp học sinh hình thành kiến thức và thúc đẩy phong trào tự học, nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên và kêu gọi xã hội hóa để xây dựng thư viên xanh. Đến năm học 2016 - 2017, mô hình thư viện xanh được đầu tư trên 90 triệu đồng đã được xây dựng hoàn thiện phục vụ việc đọc sách của học sinh, qua đó góp phần giúp nhà trường thực hiện xuất sắc nhiệm vụ năm học. 

Chị Trần Thị Hoa, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh nhà trường và nhiều phụ huynh khác chia sẻ rằng: Con tôi rất thích được đọc sách tại thư viện xanh bởi không gian thoáng mát, không gò bó, đặc biệt, thư viện xanh có rất nhiều sách, truyện hay và ý nghĩa.

Thư viện xanh tại các trường hiện nay đều có không gian rộng mở, là nơi bồi dưỡng kiến thức và tạo môi trường thân thiện để học sinh phát triển toàn diện tri thức, hình thành thói quen đọc sách, tự rèn luyện bản thân. 

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duyên Hải (Hưng Hà) chia sẻ: Trong thời đại bùng nổ thông tin, trước những trang mạng xã hội tràn lan kèm theo các thông tin lệch lạc, phiến diện thì việc đọc sách có chọn lọc sẽ rất bổ ích. Việc duy trì, phát triển văn hóa đọc giúp học sinh lĩnh hội các giá trị văn hóa, hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức góp phần hình thành nhân cách. Vì vậy, việc xây dựng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường học thực sự cần thiết và có ý nghĩa, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

Đặng Anh