Thứ 7, 11/05/2024, 21:26[GMT+7]

Giáo dục Thành phố Vì sao kết quả thi học sinh giỏi có sự bứt phá?

Thứ 5, 26/05/2011 | 10:22:46
4,897 lượt xem
Cách đây 4 năm, kết quả thi học sinh giỏi hàng năm của giáo dục Thành phố Thái Bình luôn đứng ở tốp cuối cùng. Lẽ nào điều kiện kinh tế – chính trị và mặt bằng dân trí cao như Thành phố lại không làm tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài? Kịp thời khắc phục mọi yếu kém, đến nay năm học 2010 – 2011, học sinh giỏi của Thành phố Thái Bình đã đứng ở đỉnh vinh quang: Xếp thứ nhất toàn tỉnh.

Trường THCS Lương Thế Vinh (Thành phố Thái Bình) tuyên dương học sinh giỏi tỉnh

Làm rõ nguyên nhân yếu, kém để có giải pháp khắc phục. Đó là quan điểm nhất quán của cấp ủy chính quyền và HĐND Thành phố. Đó cũng là nỗi lo và sự trăn trở của mọi người dân Thành phố.

Khi Bộ giáo dục – đào tạo quyết định không tuyển thẳng vào Đại học những học sinh đoạt giải quốc gia. Động lực ấy không còn để phụ huynh và học sinh hướng đến cái đích cần đến. Vì lẽ ấy, thi học sinh giỏi kém đi sức hấp dẫn; trong khi đầu tư cho bồi dưỡng, tạo nguồn học sinh giỏi mất rất nhiều thời gian, công sức.

Theo nhà giáo, trưởng phòng GD – ĐT Thành phố Nguyễn Hữu Tỵ thì: Để có được thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi phải có đủ các yếu tố cơ bản như: nhà trường, thầy giáo, học sinh, (đội ngũ) cơ sở vật chất, sự  quan tâm của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Đối với đội ngũ giáo viên thì được dạy ở thành phố là ước mơ của rất nhiều  người. Dạy giỏi càng là  “tài sản” quý hiếm. Song, khi đã giỏi giang, vững về chuyên môn thì không ít giáo viên dạy giỏi lại xin chuyển đi Hà Nội để hợp lý hóa gia đình. Giáo viên  lâu năm, có kinh nghiệm thì đến tuổi nghỉ hưu. Sự hẫng hụt về mặt lực lượng ấy, kéo theo sự thăng trầm của giáo dục thành phố. Có học sinh năng khiếu, nhưng không có giáo viên giỏi phát hiện, bồi dưỡng thì cũng không thể đem đến sự thăng hoa cho một nhân tài. Muốn có đội ngũ giáo viên giỏi kế cận vào khoảng thiếu hụt ấy phải mất vài năm, mới đủ sức tiếp cận với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đối với học sinh, từ trước năm học 2007 – 2008, tỉnh ta chưa có cơ chế khuyến khích điểm hoặc tuyển thẳng vào THPT đối với các em đạt giải cao trong kỳ thi tuyển học sinh giỏi lớp 9, nên trong quá trình ôn luyện, học sinh không mặn mà, chuyên tâm... chỉ tập trung ôn thì vào THPT. Nhiều em được lựa chọn vào đội tuyển cũng xin rút khỏi đội tuyển. Người viết bài này, những năm cuối 60 của thế kỷ 20 từng có tâm trạng như thế: Chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, đã xin về để ôn thi vào cấp III, từ chối không thi học sinh giỏi.

Bây giờ, một số em vào đội tuyển: Sinh, Sử, Địa cũng không muốn vào, vì quan niệm đây không phải là môn chính để thi đại học sau này. Từ khi, tỉnh có chế độ khuyến khích học sinh giỏi lớp 9 đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh Giỏi... đã gây được phấn khởi xác định được động cơ và quyết tâm cao trong học sinh, phụ huynh. Các em hăng say học tập, gắn bó với đội tuyển và quyết tâm để giành kết quả cao.

Thành ủy, HĐND – UBND Thành phố thường xuyên quan tâm đến công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Sự mong mỏi đã chuyển hóa thành chủ trương lãnh đạo, thành quyết sách chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể và dư luận xã hội cùng chung vai chăm lo sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; không phó mặc cho ngành giáo dục. Tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, có cơ chế khuyến khích động viên thầy, trò đạt thành tích cao. Đầu tư thêm cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, phòng bộ môn, các phương tiện dạy học hiện đại... đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy cho trường THCS Lương Thế Vinh.

Là cơ quan quản lý trực tiếp, phòng Giáo dục – Đào tạo Thành phố tích cực tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố, các ban, ngành đoàn thể chung tay, góp sức cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, xác định phải dốc sức, sáng tạo và luôn đổi mới công tác chỉ đạo, tích cực nghiên cứu học hỏi, rút kinh nghiệm từ các mô hình trong tỉnh và toàn quốc; tìm tòi nhiều giải pháp để thúc đẩy chất lượng học sinh giỏi. Tổ chức lại đội ngũ giáo viên tham gia  dạy các đội tuyển; khảo sát và phát hiện nguồn học sinh giỏi để cung cấp các đội tuyển một cách thường xuyên ngay từ các lớp học, giờ học... tạo điều kiện để giáo viên bồi đắp những kiến thức bị hổng và kỹ năng chưa được rèn luyện ở những lớp dưới mới có được thành công.

Với các bộ môn mà học sinh không hứng thú học tập như: Sinh, Sử, Địa... Phòng đã tổ chức cho một số giáo viên có tâm huyết và trình độ chuyên môn vững vàng ở các trường, dạy những lớp học sinh giỏi chọn từ các cụm trường ngoại thành về để bổ sung cho đội tuyển học sinh giỏi.

Thường xuyên rà soát lại chất lượng, chọn đội tuyển chính xác qua các kỳ kiểm tra khảo sát bồi dưỡng, vô tư khách quan. Thành phố và nhà trường có chế độ ưu tiên, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà đang học trong các đội tuyển học sinh giỏi. Nhờ vậy, kết quả và chất Lượng các đội tuyển của thành phố được nâng lên rõ rệt: Đội tuyển giao lưu toán tuổi thơ lớp 5 và đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 của thành phố liên tục giành vị trí thứ nhất.

Năm học 2010 – 2011 Thành phố tiếp tục giành giải nhất giao lưu toán tuổi thơ cấp tỉnh: 6 huân chương vàng, 4 huy chương bạc, nhiều em đạt điểm tối đa 20/20 học sinh giỏi lớp 9 tiếp tục khẳng định vị trí thứ nhất (năm thứ 3 liên tục thành phố giành vị trí dẫn đầu), 8 đội dự thi thì 3  đội xếp giải nhất, 5 đội xếp giải nhì: 64/80 em dự thi đạt giải cao được tuyển thẳng vào THPT. Trong đó 22 giải nhất, 19 giải nhì, 23 giải ba. Toàn tỉnh có 3 giải nhất đều là học sinh thành phố. 5 học sinh THCS trường Lương Thế Vinh tham gia thi toán khu vực, do Hội toán học Hà Nội Singapo tổ chức giành 2 huy chương vàng, 3 huy chương đồng.

Lặng lẽ và khiêm nhường, phấn đấu trên nguyên tắc “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đó chính là câu trả lời hoàn chỉnh: Vì sao học sinh giỏi của Thành phố có sự bứt phá nhanh.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa