Thứ 3, 23/07/2024, 11:28[GMT+7]

Đào tạo sau đại học ngành báo chí - truyền thông: Cơ hội, thách thức và đổi mới

Thứ 2, 12/06/2017 | 09:27:24
1,011 lượt xem
Với chức năng nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về lĩnh vực báo chí - truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và tập huấn - đào tạo ngắn ngày cho các cơ quan báo chí - truyền thông của Đảng, Nhà nước và các nước anh em, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền được coi là cơ sở đào tạo hàng đầu, có vai trò tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học nhằm phát triển nguồn nhân lực báo chí - truyền thông chất lư

Phóng viên tác nghiệp tại lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu 2017.

Với lịch sử 55 năm đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông, Khoa tự hào là khoa đào tạo thạc sĩ ngành báo chí đầu tiên (1995), đồng thời được phép mở mã ngành đào tạo tiến sĩ báo chí học đầu tiên (2003). Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng đồng thời là những thách thức lớn với mảng đào tạo sau đại học của Khoa.

Cơ hội và thành tựu

Với lợi thế là đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo sau đại học, với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được đào tạo cả trong nước và nước ngoài, từ đầu những năm 1990, Ban chủ nhiệm Khoa Báo chí đã xây dựng chương trình đào tạo sau đại học ngành báo chí. Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Khoa mở mã ngành đào tạo thạc sĩ báo chí học, mã ngành 60.32.01.01. Hơn hai mươi năm qua, với chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông phục vụ sự phát triển của đất nước, cho đến nay, Khoa đã tuyển sinh 22 khóa đào tạo thạc sĩ báo chí học. Khoảng 700 nhà báo, nhà truyền thông trên khắp cả nước và cả các học viên quốc tế đã tốt nghiệp chương trình đào tạo bậc học này.

Ngày 16/1/2015, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ra quyết định ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng nghiên cứu và ứng dụng ngành báo chí học, chuyên ngành quản lý báo chí - truyền thông và tuyển sinh, triển khai đào tạo từ năm 2015 tới nay.

Khoa Báo chí đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong việc thiết kế chương trình, triển khai đào tạo báo chí bậc học tiến sĩ. Khoa Báo chí là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo tiến sĩ báo chí học 62.32.01.01 vào năm 2003. Qua 14 năm đào tạo, 27 nghiên cứu sinh báo chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Khoa Báo chí đã ra trường đang nắm những vị trí chủ chốt tại các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và các cơ quan báo chí, hiệp hội nghề nghiệp trong cả nước.

Nền tảng cho chất lượng đào tạo sau đại học của Khoa Báo chí là chương trình tốt, giảng viên tốt, tài liệu giáo trình cơ bản, hệ thống và cập nhật, phương thức tổ chức đào tạo tốt và có các dự án nghiên cứu theo kịp xu thế phát triển của báo chí - truyền thông hiện đại.

Thách thức - chiến lược - đổi mới

Cùng với cơ hội đã nêu trên, đào tạo sau đại học của Khoa Báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức. Có những thách thức từ nội tại quá trình đào tạo và nhiều hơn là những thách thức từ hoạt động thực tiễn và của quá trình đào tạo cạnh tranh, với những yêu cầu cao nhằm đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay. Những thách thức lớn nhất đặt ra với đào tạo sau đại học của Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ở các điểm chính, bao gồm: yêu cầu khắt khe cho “đầu ra” sau đại học, chất lượng đầu vào còn hạn chế (nguồn tuyển sinh nếu là cán bộ có kinh nghiệm thì hầu hết không có thế mạnh về ngoại ngữ, còn các ứng viên trẻ thì thiếu kinh nghiệm nghề), thách thức về chính sách huy động đội ngũ các nhà khoa học, thách thức với hệ thống cơ sở học liệu phục vụ cho đào tạo sau đại học hiện nay, thách thức đối với đội ngũ người thầy và phương thức, công nghệ quản lý đào tạo sau đại học...

Trên cơ sở hiểu rõ và sẵn sàng đối mặt với những thách thức đặt ra quá trình với đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội và bảo đảm chất lượng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, Khoa Báo chí xác định năm chiến lược đổi mới đào tạo sau đại học, cụ thể sau đây:


Một là, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học

Nghiên cứu nhu cầu kỹ càng trước khi xây dựng và triển khai chương trình đào tạo sau đại học, xác định rõ mục tiêu, tiêu chuẩn đầu ra và các điều kiện tuyển sinh trong chương trình đào tạo. Có sự phân định rõ ràng đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ.

Hai là, có chiến lược đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên phục vụ đào tạo sau đại học

Căn cứ vào xuất phát điểm ban đầu của mỗi giảng viên Khoa Báo chí, Ban chủ nhiệm Khoa xây dựng kế hoạch đào tạo tương ứng. Tham gia đào tạo về phương pháp giảng dạy hiện đại, học ngoại ngữ, học nghề báo - nghề truyền thông ở các cơ quan báo chí trong nước, thực tập sinh ở nước ngoài, tham gia các nhóm nghiên cứu, tham gia nhóm giảng viên xây dựng tài liệu - học liệu cho đào tạo đại học và sau đại học, chú trọng đánh giá sản phẩm nghiên cứu đầu ra của từng giảng viên (bài báo khoa học xuất bản, sách xuất bản...), luôn nêu chỉ tiêu công bố sản phẩm khoa học cho giảng viên.

Ba là, có chiến lược phát triển cơ sở học liệu - giáo trình gắn với hướng nghiên cứu và khung chương trình đào tạo sau đại học ở cả hai bậc học thạc sĩ và tiến sĩ.
Phân công nhóm giảng viên - cộng tác viên phụ trách gói tài liệu học tập - xây dựng khung lý thuyết vững vàng cho từng vấn đề của học phần đào tạo - cho từng học phần, đồng thời là nhóm chịu trách nhiệm giảng dạy từng học phần cụ thể.

Bốn là, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học báo chí - truyền thông

Với quan điểm đào tạo nhân lực cho một nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học báo chí - truyền thông, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có khả năng làm việc trong môi trường truyền thông số và toàn cầu hóa, Khoa Báo chí xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học, thông qua đó khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển ngành khoa học báo chí - truyền thông của đất nước.

Năm là, thực hiện nguyên lý đào tạo lấy học viên, nghiên cứu sinh làm trung tâm, thực hành phương pháp giảng dạy báo chí truyền thông hiện đại

Nguyên lý lấy học viên, nghiên cứu sinh làm trung tâm chi phối toàn bộ phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động đào tạo tại Khoa Báo chí. Các phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo đa dạng, phong phú, gắn lý thuyết với thực hành, chú trọng thảo luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn quản lý báo chí truyền thông, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng tổ chức - quản lý báo chí truyền thông. Các học viên, nghiên cứu sinh được tham gia các dự án nghiên cứu của Khoa Báo chí, khuyến khích tham gia các semina, hội thảo các cấp, bao gồm cả hội thảo khoa học quốc tế. Bản thân các nghiên cứu sinh được tham gia làm trợ giảng tại các lớp bậc học cử nhân và cao học, do đó có cơ hội tiếp cận các xu thế lý thuyết mới, nhận định các vấn đề đặt ra trong thực tiễn báo chí trong nước và quốc tế...

Để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, điều kiện quan trọng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn nghề nghiệp, tăng cường việc giám sát, đánh giá chương trình và chất lượng đào tạo, thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Khoa thường xuyên rà soát để chỉnh sửa khung chương trình, đề cương chi tiết các môn học đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động nghề nghiệp và phục vụ sự nghiệp báo chí vì sự phát triển bền vững của đất nước.


PGS, TS ĐỖ THỊ THU HẰNG
Giảng viên chính, Phó Trưởng khoa Báo chí

  • Từ khóa