Thứ 7, 11/05/2024, 19:03[GMT+7]

Trường tiểu học Thụy Trình Đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ 3, 05/07/2011 | 07:51:48
2,546 lượt xem
Đội ngũ giáo viên hăng say, nhiệt tình công tác, năng động sáng tạo trong các cuộc thi, tự giác tham gia các hoạt động của nhà trường, năng lực sư phạm vững vàng, có ý thức học hỏi đồng nghiệp... Các tố chất trên cộng với đổi mới phương pháp giảng dạy... đã là nguồn lực để tiểu học Thụy Trình vươn lên mạnh mẽ.

Giờ ra chơi ở trường tiểu học Thụy Trình ( Thái Thụy). Ảnh: Hiền Trâm

Chúng tôi về trường tiểu học Thụy Trình đúng vào ngày tết thiếu nhi 1/6, sân trường vẫn còn khá đông học sinh. Hoa phượng đỏ rực trong cái nắng hè làm cho không khí như nóng bức hơn. Các em 5 tuổi hôm nay đến làm lễ vào lớp 1 cho năm học 2011-2012. Học sinh các lớp trên đã nghỉ hè. Cô hiệu trưởng Vũ Thị Thúy tranh thủ thời gian ít ỏi để trao đổi với chúng tôi về kết quả dạy và học của nhà trường trong năm học 2010-2011.

- Thành công của trường có rất nhiều yếu tố, trong đó có việc đổi mới phương pháp dạy và học, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô Thúy bắt đầu câu chuyện từ một hướng đi vừa xa, lại vừa rất gần. Xa, là cô đã không đi vào những kết quả cụ thể như: Từ một đơn vị xếp ở tốp rất sâu của giáo dục Thái Thụy đã vươn lên xếp thứ 7/48 trường Tiểu học. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi có nhiều cố gắng và gặt hái được thành công. Rất gần, bởi đổi mới phương pháp giảng dạy đang là tư tưởng chỉ đạo của toàn ngành giáo dục. Đồng thời, là chìa khóa để tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai và tổ chức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết thực hiện nội dung các cuộc vận động do Bộ Giáo dục – Đào tạo phát động. Riêng với cán bộ, giáo viên thực hiện: Soạn giáo án chu đáo theo phương pháp mới, thực hiện chuyên đề, hội giảng thường xuyên để nâng cao chất lượng giảng dạy; luôn là tấm gương sáng cho học sinh. Thi cử đánh giá đúng thực chất của học sinh. Có biện pháp quan tâm đến học sinh yếu kém để nâng cao chất lượng đại trà.

Siết chặt kỷ cương trong dạy và học. Ban giám hiệu thường xuyên đi kiểm tra sĩ số của các lớp. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với phụ huynh, trao đổi thông tin thường xuyên. Đặc biệt những học sinh yếu kém, có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm như: tặng Bảo hiểm Bảo Việt, sách giáo khóa, áo đồng phục mùa hè, mùa đông... cho 26 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Liên đội đưa việc đi học muộn, nghỉ học vào một trong những điểm thi đua của lớp, đội tự quản và sao đỏ. Nhà trường đổi mới hình thức chào cờ đầu tuần, tạo không khí trang trọng, hấp dẫn. Giờ ra chơi, các em được chơi nhiều trò chơi bổ ích làm cho các con thêm yêu trường, lớp  chăm chỉ học tập. Đây cũng là mục tiêu thực hiện “Xây dựng trường học thân thiện”.

Để nâng cao chất lượng văn hóa, trường tiểu học Thụy Trình coi trọng việc thực hiện chương trình, dạy đủ các môn học như: dạy đủ 9 môn văn hóa và một môn tự chọn (Tiếng Anh) đồng thời nâng cao chất lượng các môn học. Thành công của nhà trường là thực hiện các chuyên đề ở tất cả 9 môn học, để giáo viên vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy. Việc thực hiện chuyên đề của các khối được nhà trường giao kế hoạch từ đầu năm, các khối trường lên lịch cụ thể, báo cáo lãnh đạo nhà trường để chuyên môn sắp xếp thời gian dự giờ.

Điểm nổi bật ở trường tiểu học Thụy Trình là các hoạt động chuyên môn như: bàn bài, dự giờ, thảo luận khối, tổ... diễn ra thường xuyên, cụ thể. Hầu hết cán bộ, giáo viên sử dụng tốt CNTT. 24/26 giáo viên soạn giáo án trên máy vi tính. Nhiều đồng chí biết soạn giáo án điện tử, giáo án E-learning.

Qua xếp loại chất lượng giảng dạy có 100% giáo viên xếp loại tốt và khá. Hội giảng cấp trường 100% giáo viên tham gia, trong đó 90% xếp loại tốt, 10% khá. Hội giảng huyện có 15/26 giáo viên tham gia, 100% đạt tốt, tiểu biểu là các cô: Bích, Ngà, Dâu, Huệ...

Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, đối với 5 khối (từ 1 đến 5), trong buổi 2 giáo viên phân chia theo đối tượng: Khá, giỏi, trung bình và yếu để có điều kiện vừa bồi dưỡng học sinh năng khiếu vừa có thời gian nâng cao chất lượng đại trà... nhờ vậy, học sinh khá, giỏi được bổ sung thêm về kiến thức nâng cao và góp phần giảm số học sinh yếu, kém.

Trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngay từ chất lượng bài soạn theo hướng đổi mới, thực hiện rõ việc làm của thầy, trò. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên môn, thực hiện chuyên đề, coi trọng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm tức là tích cực hóa hoạt động của học sinh, trên cơ sở thầy hướng dẫn chỉ đạo, trò chủ động lĩnh hội kiến thức.

Đối với bồi dưỡng học sinh giỏi, năm nay nhà trường đặc biệt quan tâm từ khâu phát hiện và bồi dưỡng bằng nhiều cách: Ngoài buổi hai, các em được bồi dưỡng thêm vào ngày nghỉ. Các khối thường xuyên tổ chức khảo sát đê nắm bắt sự tiếp thu kiến thức của học sinh. Qua đánh giá chất lượng có 75 học sinh giỏi (HSG) cấp trường; 2 HSG cấp tỉnh. Thi vở sạch, chữ đẹp có 4 HSG đạt giải cấp huyện, 2 HSG cấp tỉnh. 100% học sinh có “vở sạch, chữ đẹp”; 70% loại A trở lên.

Không phải có nhiều trường, mà đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn như ở trường tiểu học Thụy Trình: 25 giáo viên trên chuẩn, một giáo viên đạt chuẩn; 4 giáo viên đang học nâng chuẩn. Song, điểm quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên hăng say, nhiệt tình công tác, năng động sáng tạo trong các cuộc thi, tự giác tham gia các hoạt động của nhà trường. Có năng lực sư phạm vững vàng, có ý thức học hỏi đồng nghiệp... Các tố chất trên cộng với đổi mới phương pháp giảng dạy... đã là nguồn lực để tiểu học Thụy Trình vươn lên mạnh mẽ.

Phạm Thanh

  • Từ khóa