Thứ 6, 10/05/2024, 13:59[GMT+7]

Trường THCS Lê Lợi- Kiến Xương Tưng bừng vào năm học mới

Thứ 6, 19/08/2011 | 16:42:48
1,853 lượt xem
Về trường THCS Lê Lợi trong những ngày chuẩn bị khai giảng năm học 2011-2012, ta có quyền tin vào bước tiến mới ở một “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xứng đáng đạt “Chuẩn Quốc gia” trong tình hình mới.

Trường THCS Lê Lợi là một trong những trường lớn và có bề dày văn hoá của huyện Kiến Xương. Được thành lập từ 1964, đến nay trường đã tròn 47 tuổi với hơn 4000 học sinh kế tiếp nhau vào đời, trong đó có những thầy giáo và học sinh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhiều người đang giữ cương vị chủ chốt trong các lĩnh vực kinh tế văn hoá, xã hội... các cấp.

Chúng tôi về thăm trường trong những ngày đầu tháng tám sôi động. Trường đang chuẩn bị đón danh hiệu “Chuẩn quốc gia” do Bộ  GD-ĐT công nhận. Từ một khu vực lầy lội chật hẹp với các phòng học tre lá dột nát, đến nay trường đã có một khuôn viên riêng biệt với gần 7 ngàn m2, bình quân trên 20m2/ học sinh với 14 phòng học cho 9 lớp, trong đó có 6 phòng học cao tầng. Các phòng học đều đã được kiên cố với hệ thống quạt mát và điện sáng, bàn ghế giáo viên, học sinh ngay ngắn đúng quy định.

Trong hệ thống tường bao khép kín, ta thấy khu vui chơi, sân bãi luyện tập của học sinh đến khu nhà tập thể của giáo viên với các bồn chứa nước, khu vệ sinh... chỗ nào cũng được quét dọn tươm tất không thấy một mảnh ni lông vương vãi. Hệ thống bồn hoa, cây cảnh lúc nào cũng được cắt xén gọn gàng làm cho khung cảnh càng xanh, sạch, đẹp, thực hiện mỗi m2 trong trường đều mang tính giáo dục.

Và một khẩu hiệu lớn “chạy” ngang cổng trưởng: “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông” như một lời thiết thực nhắc nhở về văn hoá giao thông cho thầy và trò.
Ngày 9 tháng 8, chúng tôi được dự một cuộc họp ít thấy do nhà trường tổ chức. Đó là sự hội ngộ của các thầy cô giáo từng là hiệu trưởng hiệu phó của nhà trường từ 1964 đến nay, có người đã 80 tuổi. Trong không khí trang nghiêm, thân mật, thầy giáo Nguyễn Xuân Thuý, hiệu trưởng nhà trường đã trân trọng chúc sức khoẻ, trao quà kỷ niệm và xin được nghe ý kiến của những người đi trước. Đây là một cách “Ôn cố tri tân” nhằm đền ơn đáp nghĩa và học tập một cách có chọn lọc kinh nghiệm của lớp người đi trước.

Quả thật, mỗi thời đại thử thách lòng người một khác nhưng cái quyết định là ở lòng người. Từ hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thuý, hiệu phó Lương Thị Lượt cùng với 18/27 giáo viên đều đã qua đại học. Đội ngũ ấy đoàn kết, có tầm nhìn mới về nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục toàn diện cho học sinh, hiểu sâu sắc về kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, hiểu sâu sắc về “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đồng thời biết tự rèn luyện để xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. “Người làm công tác giáo dục cũng luôn luôn phải biết tự giáo dục” – về trường THCS Lê Lợi ta thấy rõ hơn điều đó.

Cần phải nói thêm rằng: Đây là ngôi trường xa trung tâm, nhiều người gọi đùa là “vùng xa vùng sâu” nhưng sự tiếp nhận ánh sáng văn minh của nền khoa học kỹ thuật trong thời kỳ hội nhập... lại rất nhạy bén. Trường có đủ các phòng chức năng phục vụ cho dạy và học kèm với 3 phòng bộ môn riêng biệt, 1 phòng vi tính với 18 máy, 2 máy chiếu đa năng, một phòng thư viện hoạt động đúng quy chế với hơn 1300 đầu sách tham khảo, hơn 1000 sách nghiệp vụ, đủ sách giáo khoa cho trên 300 học sinh – kể cả học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngay từ đầu tháng Tám nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm trẻ, nhiệt tình, thích hợp với từng lớp, vì vậy, sau buổi lễ tổ chức đón nhận học sinh từ trường tiểu học vào đã gây ấn tượng tốt đẹp cho các em về một môi trường giáo dục mới. Nhà trường đã chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã hội như Hội Cựu chiến binh, Ban An ninh, Hội Khuyến học xã... để thực hiện các buổi sinh hoạt với học sinh để tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, tăng cường ý thức tự giác, tình cảm yêu thương, lòng hướng thiện.. ngay từ khi năm học mới bắt đầu.

Cũng trong những ngày đầu tháng Tám, nhà trường đã phân công chuyên môn cho từng giáo viên một cách hợp lý, chống chéo ban. Nhìn những quyển đăng ký giảng dạy, sổ dự giờ của hiệu trưởng, hiệu phó và các giáo viên ngay từ đầu năm học mới thấy rõ  một điều: Giáo dục là một công việc cụ thể, vất vả, nhưng là nguồn hạnh phúc của đời sống.

Để có phong trào như hôm nay, hẳn ban Giám hiệu nhà trường đã quan niệm việc “vào cuộc” của cấp uỷ và chính quyền địa phương là rất nhạy cảm và góp phần quan trọng trong sự thành bại của một nhà trường. Chả thế mà, trong cùng một khu vực của huyện Kiến Xương, đến năm 2011-2012 vẫn còn một số trường chưa đủ hoặc chưa có một phòng chức năng đúng quy định, đến nỗi sách vở và đồ nghề của thầy giáo xếp cả vào phòng họp Hội đồng, đến nỗi giờ dạy nhạc của lớp này học sinh xướng âm át giờ dạy văn, dạy toán ở lớp bên (?).

Ở đâu thực hiện tốt đường lối “Xã hội hoá giáo dục” của Đảng thì ở đó việc giáo dục và học tập sẽ thành công hơn.

PV


 

  • Từ khóa