Thứ 2, 25/11/2024, 10:42[GMT+7]

Lan tỏa tấm gương nhà giáo sáng tạo, tâm huyết

Thứ 6, 09/02/2018 | 15:29:47
1,612 lượt xem
Sau 10 năm triển khai, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi và hiệu quả. Ý nghĩa sâu sắc của cuộc vận động đã lan tỏa mạnh mẽ đến đội ngũ nhà giáo, mỗi thầy cô giáo đều phải tự học, tự rèn luyện trở thành những tấm gương ngời sáng, nhân lên phẩm chất cao đẹp nhà giáo Việt Nam.

Cô giáo Phạm Hồng Lê đưa học sinh học lịch sử tại quảng trường Long Hưng và đền Trần (Thái Bình).

Sáng lên nhiều tấm gương

Dự một tiết học của cô giáo Phạm Hồng Lê, Trường THCS Kỳ Đồng (xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà), tôi không khỏi ngạc nhiên với phương pháp giảng bài sáng tạo “học mà chơi, chơi mà học” giữa cô và trò nhưng không mất đi nội dung của tiết học. 

Là giáo viên dạy môn Lịch sử, cô Lê tâm sự: Lịch sử là môn học vừa khô vừa khó nên trong các tiết dạy tôi đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm giúp các em dễ hiểu và thích thú với môn học hơn. Không còn bó hẹp trong không gian lớp học, có rất nhiều tiết học, cô Lê đã đưa học sinh đi trải nghiệm ở các di tích lịch sử, gặp nhân vật thực tế để có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử của cha ông ta qua các thời kỳ. Trong sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 6, theo giáo án soạn bài có khái niệm “Lịch sử là gì”. Nếu theo phương pháp truyền thống, giáo viên sẽ để học sinh đọc sách và tìm ra đáp án còn theo phương pháp dạy của cô Lê, cô yêu cầu mỗi học sinh sẽ mang đến lớp một vật dụng liên quan đến ông bà, tổ tiên của mình và kể về vật dụng ấy. Từ đó, học sinh hiểu hơn về lịch sử của gia đình, nhân rộng hơn là lịch sử dòng họ, quê hương, đất nước. Không những thế, cô Lê còn đề nghị nhà trường thuê xe đưa học sinh đến những di tích lịch sử như: đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà) hay xa hơn là Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Bên cạnh đó, cô còn áp dụng phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn. Không chỉ là dạy kiến thức, cô còn dạy các em kỹ năng sống như cách ứng xử, xử lý tình huống… 

Cô tâm sự: Qua các tiết học, tôi muốn các em thể hiện nhiều về bản thân mình, mạnh dạn, tích cực hơn, giúp các em có sự yêu thích lịch sử, nắm rõ được những truyền thống dân tộc từ những điều có thật trong thực tế. Với những sáng tạo và tâm huyết dành cho nghề nghiệp, năm học vừa qua, cô vinh dự là giáo viên duy nhất của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh và tặng bằng khen.

Với đức tính giản dị, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, cô Tống Thị Bích Hồng, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Bắc Đông Quan đã không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học truyền thụ cho học trò những kiến thức văn hóa cũng như vốn kiến thức xã hội. Tận dụng tiện ích của mạng xã hội, cô đã lập nhóm trên mạng xã hội facebook cho từng lớp để đăng tải bài tập, chữa bài tập và đăng tải những kiến thức cần thiết của môn tiếng Anh, tạo điều kiện để học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi sau thời gian học tập trên lớp. 

Chia sẻ về phương pháp dạy học, cô Hồng cho biết: Tiếng Anh là môn học rất cần thiết cho việc học tập và cuộc sống sau này của học sinh, vì vậy, trong quá trình dạy học, tôi quan tâm dạy cho các em tính tự lập qua phương pháp lấy học sinh làm trung tâm dưới sự hướng dẫn của giáo viên đồng thời luôn động viên, khích lệ để các em có niềm say mê với môn học. 

Để “lôi kéo” học sinh vào giờ học, điều quan trọng nhất đối với mỗi người thầy đó là sự tâm huyết, say mê và tình yêu nghề tha thiết. Chính vì vậy, trong những giờ học trên lớp hay những giờ ngoại khóa, cô luôn truyền đạt kiến thức đến học sinh bằng sự gần gũi nhằm tạo sự dễ hiểu trong tiếp thu bài học cho các em. Học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ học tập là nguồn động viên lớn khích lệ cô phải phấn đấu nhiều hơn nữa. 

Trong nhiều năm học vừa qua, cô giáo Tống Thị Bích Hồng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của các cấp, các ngành và học bổng học tập tại Singapore.

Nhân rộng cuộc vận động

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2007 đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, được các thầy cô giáo tích cực hưởng ứng, gắn với từng việc làm cụ thể, phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nhà giáo... Nhờ có cuộc vận động, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đẩy mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn và sáng tạo trong giảng dạy, quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Đồng hành cùng cuộc vận động là phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Theo ông Phạm Đồng Huynh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, cô giáo Tống Thị Bích Hồng và cô giáo Phạm Hồng Lê là hai trong rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong toàn ngành. Từ khi thực hiện cuộc vận động, ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, tinh thần sáng tạo trong chuyên môn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các nhà trường được khơi dậy mạnh mẽ. Các phong trào thi đua dạy tốt thông qua hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng trở nên sôi nổi hơn. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý và dạy học được giáo viên quan tâm. Vì vậy, trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, đội ngũ giáo viên đã không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Tính đến ngày 31/5/2017, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của ngành học mầm non đạt 73%; bậc tiểu học đạt 98%; bậc THCS đạt 69,2% và bậc THPT đạt 15,57%.

Trải qua 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã chuyển từ “lượng” sang “chất”, góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Lan Anh