Thứ 2, 20/05/2024, 21:13[GMT+7]

Giáo dục - Đào tạo Thái Bình Thành công nối tiếp những thành công

Thứ 2, 05/09/2011 | 08:18:40
1,952 lượt xem
Thái Bình - một vùng quê vốn có truyền thống hiếu học. Nhận rõ vai trò của nhân tố con người trong quá trình xây dựng quê hương đất nước, nhiều năm qua Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã tập trung đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành công trong việc thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài

Chào năm học mới. Ảnh: Ngọc Trâm

Nắm chắc chủ đề: “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” trong năm học 2010 – 2011, toàn ngành đã chủ động triển khai, tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, chú trọng nội dung “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm “Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với “Chương trình hành động giai đoạn 2009 – 2013” đã thu được nhiều kết quả rõ rệt. Môi trường sư phạm được đảm bảo an toàn, thân thiện, gắn bó với học sinh và phát huy trí lực của học sinh trong học tập, rèn luyện.

Quy mô các ngành học, bậc học ổn định. 299/299 trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 6,5% giảm 1,5% so với đầu năm học. Không để xảy ra tình trạng ngộ độc trong nhà trường. 100% số trường thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới, 298/299 trường ứng dụng công nghệ thông tin, 276/299 trường kết nối internet để phục vụ cho công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ. Có 296/299 trường ứng dụng phần mềm Nutrikis, 14/299 trường ứng dụng phần mềm kế toán. Toàn tỉnh có 595/696 trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập tại trường mầm non.

Trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%. Các tiêu chí của phổ cập giáo dục đúng độ tuổi vẫn được giữ vững và có nhiều tiến bộ, đặc biệt là các tiêu chí về đội ngũ và cơ sở vật chất. Đã có 100% số trường với 4.091 lớp, 119.580 học sinh được học môn tiếng Anh; có 277/293 trường với 2.660 lớp gồm 76.358 được học Tin học. Việc dạy học 2 buổi/ngày ở cả 8 huyện, thị đều ổn định và tăng so với năm học trước, toàn tỉnh có 96,66% số lớp, 96,65% số HS được học đủ 10 buổi/tuần.

Tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hoạt động của thầy và trò đảm bảo nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh. Đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở coi trọng tác động tình cảm, tạo niềm vui, gây hứng thú trong học tập cho học sinh theo từng lứa tuổi.

Ngoài ra, các đơn vị, các nhà trường còn chú ý hướng dẫn, động viên các em tham gia các hoạt động như sân chơi Toán Tuổi thơ, Thi giải toán qua mạng, Văn Tuổi thơ, thi viết vẽ về Giáo dục môi trường... nhằm phát hiện học sinh có năng khiếu. Các nhà trường đều chú ý quan tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để các em học hết lớp, hết cấp, hoàn thành chương trình Tiểu học.

Tất cả các trường THCS, THPT trong tỉnh đều tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; tạo ra sự chuyển biến tích cực về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin trong các bài giảng; khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn. Tổ chức nghiêm túc, an toàn các kỳ thi, kiểm tra chất lượng; đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi lớp 9, lớp 12. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục - thể thao, tin học, ngoại ngữ...

Toàn tỉnh có 10 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm ngoại ngữ – tin học, 286 trung tâm học tập cộng đồng. Tất cả đều tích cực góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Thái Bình hiện có 3 trường Trung cấp chuyên nghiệp và 7 cơ sở có đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp.

Năm học 2010 – 2011, giáo dục và đào tạo Thái Bình đã thu được nhiều kết quả rất đáng tự hào: 10/15 tiêu chí được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; nhận cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thi Olympic tiếng Anh đoạt cúp vàng và xếp thứ 3 toàn quốc; Liên hoan Tiếng hát nhà giáo toàn quốc xếp thứ Nhì toàn đoàn; Liên hoan Tiếng hát dân ca giáo viên, học sinh tiểu học toàn quốc trong tốp 5 tỉnh có thành tích tốt nhất; giao lưu toán tuổi thơ, thi viết chữ đẹp cấp quốc gia đều đạt thành tích cao; chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh ổn định, phát triển vững chắc. Kỳ thi Đại học – Cao đẳng năm 2011 Thái Bình đã có 14 học sinh đỗ thủ khoa, á khoa của các trường Đại học, có 13 trường THPT lọt vào tốp 200 trường có kết quả thi Đại học cao nhất cả nước.

Năm học 2011 – 2012 là năm học triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiếp tục thực hiện chủ đề: đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh. Tăng cường công tác quản lý học sinh, ý thức chấp hành pháp luật trong toàn ngành. Tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng các cấp để tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Tập trung thanh tra có chiều sâu các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, trình độ đào tạo; thanh tra các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Tăng cường chỉ đạo công tác tự thanh tra của các cơ sở giáo dục.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến tập trung. Triển khai cổng thông tin điện tử của Sở, của các phòng giáo dục đào tạo, bao gồm cả hệ thống thông tin quản lý trực tuyến và các trang web của các trường học.

Với Giáo dục Mầm non: Được công nhận đạt chuẩn Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, trẻ mẫu giáo đến trường đạt 99%; nhà trẻ 67%; tỷ lệ ăn bán trú đạt 95% trở lên; tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non.

Giáo dục Tiểu học: Huy động 100% trẻ 6 tuổi đến lớp, 100% số đơn vị xã, phường đạt Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Học 2 buổi/ ngày đạt bình quân 9,96 buổi/ tuần; 97% số học sinh được học đủ 10 buổi/ tuần. 65% tổng số học sinh được học Tin học; 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học ngoại ngữ, không có học sinh chưa đủ chuẩn chất lượng được lên lớp.

Triển khai kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên ngoại ngữ, tiến hành bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu của Đề án dạy – học Ngoại ngữ theo QĐ 1400 của Thủ tướng Chính phủ.

Với Giáo dục Trung học: Ở cấp THCS, quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn Phổ cập giáo dục THCS. Triển khai dạy học tự chọn môn Tin học từ lớp 6 đến lớp 9 ở 100% số trường THCS. Thực hiện nghiêm túc việc giảm tải, đổi mới công tác đánh giá, xếp loại học sinh theo chỉ đạo của Bộ. Thí điểm tổ chức dạy 2 buổi/ ngày ở những đơn vị đủ điều kiện. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, công tác kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong việc dạy và học. Tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần lồng ghép và tích hợp, chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Ở cấp THPT, giữ vững chất lượng đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Phấn đấu có từ 15 trường THPT trở lên lọt vào tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học cao trong toàn quốc. Phấn đấu có trên 80% số học sinh trong đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia đạt giải. Có từ 5-8 học sinh được dự thi vòng 2, có học sinh được dự thi và đạt giải quốc tế. Tích cực chuẩn bị để học sinh trường THPT Chuyên thực hiện thi nói đối với bộ môn ngoại ngữ, thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia lớp 12.

Cả 2 cấp học tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng giải trong kỳ thi Học sinh giỏi lớp 9, lớp 12. Tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng các cấp chuẩn bị lực lượng cho HKPĐ toàn quốc. Tiếp tục tăng cường kỷ vương, nền nếp trong quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá thi cử. Tiến hành kiểm tra đánh giá trình độ giáo viên ngoại ngữ, phân loại và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo Đề án dạy học ngoại ngữ và tích cực thực hiện “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý có 1 đổi mới phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có 1 kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học”.

Ngành học Giáo dục thường xuyên: Phát triển đa dạng các hình thức học Giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người. Triển khai thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2010 – 2015” ở Thái Bình.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo và nâng cao chất lượng các trường chuyên nghiệp để nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trong đào tạo. Tích cực tham gia đào tạo nghề cho người lao động theo các đề án của Bộ, của tỉnh.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và với sự nỗ lực đổi mới theo tinh thần kỷ cương nền nếp, dân chủ sáng tạo, chất lượng và hiệu quả, giáo dục và đào tạo Thái Bình sẽ ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

NGƯT Đặng Phương Bắc

( Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình)


  • Từ khóa