Thứ 2, 25/11/2024, 22:35[GMT+7]

Nâng cao văn hóa đọc cho học sinh

Thứ 6, 29/06/2018 | 08:33:56
1,766 lượt xem
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn đã khiến văn hóa đọc ngày một phai nhạt.

Học sinh Trường THCS An Bài (Quỳnh Phụ) trong phần thi giới thiệu sách.

Xác định tầm quan trọng của việc đọc sách, những năm qua, ngành Giáo dục đã tích cực đẩy mạnh văn hóa đọc trong trường học thông qua việc xây dựng thư viện, tủ sách lớp học và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa đọc, thi kể chuyện theo sách… Các hoạt động thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia, góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường học.

Tại Thái Thụy, Phòng Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách. Với chủ đề “Thiếu nhi Thái Bình uống nước nhớ nguồn”, các đội đã mang đến hội thi những câu chuyện hay, ý nghĩa về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. 

Với cách giới thiệu sáng tạo, hấp dẫn về cuốn sách “Có một con đường mòn trên biển Đông”, đội Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh đã đưa khán giả đến với một con đường mòn vĩ đại không kém gì đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đại ngàn. Đó là con đường trên biển Đông vận chuyển vũ khí, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, nơi ghi dấu những tấm gương chiến đấu quả cảm, sự hy sinh thầm lặng của những con người vô danh với sức mạnh thần kỳ góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. 

Không chỉ giới thiệu sách, các đội còn mang đến hội thi những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa nhạc và lời thể hiện năng khiếu tiềm ẩn trong giáo viên, học sinh làm cho hội thi thêm sôi động, để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.

Quỳnh Phụ được biết đến là nơi khởi nguồn của tủ sách phụ huynh tại Thái Bình. Ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Những năm qua, mô hình tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh của các nhà trường trong huyện đã và đang mang lại niềm vui cho học sinh nhà trường, là nơi các em tìm đến để thư giãn sau khoảng thời gian học tập, rèn luyện căng thẳng trên lớp. Đây còn là cầu nối để các em tiếp cận với tiếng Việt, với tri thức một cách sinh động, gần gũi và chủ động nhất, là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ dừng lại ở các tủ sách, thư viện, các nhà trường đã chủ động trong việc tổ chức các hoạt động khác như: ngày hội đọc sách, thi kể chuyện, giới thiệu sách… 

Hoạt động ở Trường THCS An Bài là một ví dụ. Nhằm tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, vừa qua, nhà trường đã tổ chức ngày hội đọc sách thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia. Tại ngày hội, học sinh đã tham gia kể chuyện theo sách, sân khấu hóa nội dung về sách, giới thiệu sách và đưa ra ý kiến về tác dụng của việc đọc sách. Những tiết mục này đã góp phần tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, sáng tạo cho học sinh.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để việc đọc sách trở thành thói quen, nếp sống trong học sinh và các gia đình, ngành Giáo dục đã phát động phong trào đọc sách tại tất cả các trường học. Không chỉ bó hẹp trong không gian phòng học, phòng thư viện, rất nhiều trường học trong tỉnh đã thành lập thư viện xanh ngoài trời với không gian mở thu hút học sinh đọc sách ngoài giờ học trên lớp. Trong thời đại công nghệ, việc phát triển các thiết bị  nghe nhìn hiện đại và tiện lợi dẫn đến văn hóa đọc có phần bị phai nhạt. Phong trào đọc được quan tâm và phát triển trong trường học sẽ góp phần hình thành nên văn hóa đọc trong giáo viên, học sinh, tích cực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đặng Anh