Thứ 3, 26/11/2024, 04:24[GMT+7]

Thực chất - không hô hào (Kỳ 2)

Thứ 5, 30/08/2018 | 09:04:34
1,732 lượt xem
Ở đâu có những người thầy tâm huyết, hết mình vì nghề nghiệp, luôn mong muốn dành cho học sinh những gì tốt đẹp nhất, thì ở đó có những phương pháp dạy học sáng tạo, đem lại hiệu quả cao. Tại Thái Bình đã xuất hiện nhiều nhà giáo như thế. Những nhà giáo tâm huyết với các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy sẽ là đòn bẩy kích cầu sự đổi mới của đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành Giáo dục.

Cô giáo Phạm Hồng Lê và học sinh trong giờ học thực địa tại nhà triển lãm quảng trường Long Hưng (Hưng Hà).

Kỳ II: Nhiều nhà giáo tâm huyết, có nhiều lớp học thông minh

Không để học sinh sợ học lịch sử

Trong hàng chục nghìn học sinh thi THPT quốc gia chỉ có vài trăm thậm chí vài chục học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, cả một hội đồng thi, số thí sinh thi môn Lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại sao học sinh lại sợ học lịch sử? Hoặc học sinh vẫn học lịch sử nhưng lại không nhớ gì về lịch sử dân tộc? Câu hỏi đã được đề cập nhiều trong việc dạy và học lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhiều năm, cũng là trăn trở của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Thái Bình.

Cần phải làm gì để việc giảng dạy lịch sử mang lại hiệu quả? Tại sao không giảng dạy lịch sử cho học sinh từ chính việc cho các em hiểu về mảnh đất quê hương. Trăn trở về điều đó, cô giáo Phạm Hồng Lê, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) quyết tâm tìm cho mình một phương pháp dạy mới. 

Cô giáo Phạm Hồng Lê chia sẻ: Tôi nhận ra rằng, đối với giờ học môn Lịch sử phải có liên hệ thực tế, làm cho học sinh dễ hiểu bài, nhớ bài. Thế hệ học sinh hôm nay đang quên lãng dần lịch sử, không hiểu biết về di tích lịch sử là do việc dạy học từ lâu chỉ mang tính lý thuyết. Những trăn trở ấy đã biến thành hành động. Năm 2015, cô giáo Phạm Hồng Lê cùng với cô giáo Lê Thị Thúy Hường, Trường THCS thị trấn Hưng Hà bắt tay vào xây dựng dự án “Dạy học theo chủ đề tích hợp nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ quốc gia Đại Việt”.

Dự án sử dụng kiến thức liên môn của các môn khoa học xã hội như Văn (lồng ghép trong các bài giảng về chủ đề lòng yêu nước như “Bóp nát quả cam”, “Hịch tướng sĩ”, “Phú sông Bạch Đằng”...); Địa lý (lồng ghép kiến thức giảng về quy luật thủy triều để nhà Trần thực hiện trận Bạch Đằng lịch sử); Giáo dục công dân (lồng gép trong bài giảng dạy về bảo vệ biển đảo quê hương, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc...) để giải quyết nội dung bài học, đồng thời cung cấp thêm cho học sinh những kiến thức liên hệ thực tiễn. Điều đặc biệt của dự án là cùng với các tiết học trên lớp, học sinh sẽ được học thực địa tại di tích lịch sử quốc gia khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà). 

Tham dự một tiết học thực địa trong bài học “Nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ quốc gia Đại Việt” cùng cô giáo Phạm Hồng Lê và các học trò tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần mới thấy quả là phương pháp dạy và học có rất nhiều mới lạ, tạo nhiều hứng thú trong học tập cho học sinh. Sau khi đã được cung cấp một khối lượng kiến thức qua 4 tiết dạy trên lớp, trong hai tiết học thực địa, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lê và nghe trực tiếp thành viên ban quản lý di tích chia sẻ thêm những thông tin hết sức thực tế như: tại sao tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần lại chỉ thờ các vị vua có mộ tại đây, điểm khác giữa đền Trần Thái Bình và đền Trần Nam Định... giúp các em học sinh thêm một lần hiểu, nhớ hơn bài học. Đó cũng là cách dạy lịch sử dễ nhớ nhất, hiệu quả nhất.

Đến nay, bài giảng “Nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ quốc gia Đại Việt” thường xuyên được cô giáo Lê áp dụng trong việc dạy của mình. Không những thế, bài giảng còn được nhiều trường áp dụng và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà nhân rộng với nội dung đổi mới giáo dục gắn với di sản văn hóa ở nhiều bộ môn học khác như Văn học, Mỹ thuật, Kỹ thuật dạy thực địa tại từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn, đền thờ Nguyễn Tông Quai, các làng nghề truyền thống của địa phương góp phần vào đổi mới hoạt động dạy và học của giáo dục Hưng Hà.

Thầy giáo dạy hóa đam mê tin học

Là giáo viên dạy môn Hóa học nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Thế, Trường THPT Lý Bôn có niềm đam mê với tin học, thầy say mê khám phá, tiếp cận với các phần mềm công nghệ thông tin. Năm 2016, sự đổi mới trong việc ra đề thi của kỳ thi THPT quốc gia chuyển từ phân môn sang thi tổ hợp khiến cho không ít giáo viên và đặc biệt là học sinh lo lắng bởi thay vì như trước đây, các thí sinh chỉ thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một môn tự chọn, nay các em thi 3 môn bắt buộc và một tổ hợp tự chọn (bao gồm 3 môn) là tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Như vậy, với sự thay đổi này, mỗi học sinh sẽ phải ôn tập ít nhất thêm 2 môn. 

Để giải quyết những áp lực trong ôn tập cho học sinh đồng thời tìm giải pháp để học sinh nhà trường có điều kiện ôn tập tốt nhất, thầy giáo Nguyễn Văn Thế cùng với học trò của mình đã hình thành ý tưởng xây dựng một phần mềm riêng biệt cho học sinh nhà trường ôn tập và thi trực tuyến ở các môn thi trắc nghiệm. Phần mềm được thầy giáo Thế xây dựng theo hướng mở để mỗi giáo viên trong trường có thể sử dụng ngân hàng đề thi để đưa vào phần mềm ôn tập, vì vậy học sinh sẽ được tiếp cận với nhiều dạng đề, kể cả khi có sự đổi mới, đề thi cũng được thay đổi để học sinh dần thích ứng. Học sinh có thể ôn tập, thi trực tuyến và biết luôn kết quả ở từng phân môn trong mỗi tổ hợp. Ưu điểm lớn nhất của phần mềm là học sinh có thể tự học, học mọi lúc, mọi nơi khi các em thấy cần, hoàn toàn chủ động về thời gian học và hạn chế thời gian phải tới lớp học tập trung. Với mỗi học sinh đăng ký sử dụng phần mềm, thầy giáo Thế đều lập tài khoản và hướng dẫn học sinh sử dụng. 

Em Đỗ Thị Oanh, cựu học sinh của trường vừa đỗ vào Học viện Tài chính chia sẻ: Trong suốt quá trình ôn tập, em thường xuyên tự ôn tập và luyện thi bằng phần mềm của nhà trường. Kết quả mà em có được trong kỳ thi vừa qua nhờ một phần không nhỏ từ việc ôn tập tiện ích đó.  

Học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan.

Thầy giáo Đỗ Văn Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Bôn chia sẻ phần mềm ôn tập và thi trực tuyến do thầy giáo Nguyễn Văn Thế và các em học sinh xây dựng thực sự rất hữu ích. Sau 3 năm sử dụng phần mềm ôn tập, chất lượng thi THPT của nhà trường đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, kết quả tốt nghiệp của nhà trường đạt gần 100%, có nhiều lớp có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, điển hình là lớp 12C12 và 12C13 với trên 90% học sinh đỗ đại học. 

Tại một trường học không ở trung tâm như Trường THPT Lý Bôn sẽ luôn có nhiều khó khăn hơn cho giáo viên và học sinh ở các trường học thành phố bởi bị hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin để phục vụ cho hoạt động dạy và học. Việc giáo viên, học sinh nhà trường “tự túc” được một phần mềm hữu ích, thiết thực phục vụ cho chính hoạt động dạy và học của nhà trường là việc rất đỗi tự hào. Mỗi trường học đều cần có nhiều hơn những giáo viên sáng tạo, say nghề như thầy giáo Thế để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Mỗi ngày, phải là ngọn lửa lớn hơn ngọn lửa ngày hôm qua

Là tỉnh thường xuyên nằm trong các tỉnh dẫn đầu song có một hạn chế trong giáo dục Thái Bình đó là việc dạy và học Tiếng Anh. Tại Thái Bình, có một số em học giỏi vượt trội, đạt giải cao ở cả các cuộc thi quốc tế song các em không thể đến với các trường đại học danh tiếng thế giới chỉ vì hạn chế Tiếng Anh. Phải làm gì để giải quyết bài toán nâng cao trình độ Tiếng Anh cho học sinh Thái Bình?

Cô giáo Tống Thị Minh Hồng, Trường THPT Bắc Đông Quan chia sẻ: Trong suốt quá trình dạy, cô nhận thấy không chỉ học sinh mà phần đông người Thái Bình chưa thực sự chú trọng quan tâm đến việc học Tiếng Anh mà vẫn nghiêng về học các môn khoa học tự nhiên. Phải cho học sinh thấy được sự cần thiết của Tiếng Anh trong cuộc sống, chỉ có giỏi Tiếng Anh mới giúp các em vươn ra thế giới rộng lớn, có khả năng trở thành công dân toàn cầu đáp ứng với thời kỳ hội nhập. Để làm được điều đó, điều quan trọng đầu tiên là phải luôn quan tâm khích lệ, tạo hứng thú, truyền lửa đam mê học Tiếng Anh cho học sinh. Để truyền lửa, trước hết mình phải là một ngọn lửa. Vì vậy, với cô giáo Hồng, mỗi giờ giảng trên lớp luôn là những giờ “lên đồng”, cháy hết mình truyền cảm hứng và kiến thức học tập cho học sinh. 

Kinh nghiệm cô giáo Hồng truyền cho học sinh để học tốt Tiếng Anh là chú tâm học Tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi khi có thể, học Tiếng Anh trên một chiếc vỏ kẹo khi ta ăn, trên một tấm vé, trên một tấm card khi ta nhận được, qua bài hát, đoạn phim tình cờ xem… Tận dụng tiện ích của mạng xã hội, cô giáo Hồng đã lập nhóm trên mạng xã hội facebook cho từng lớp để đăng tải bài tập, chữa bài tập và đăng tải những kiến thức cần thiết của môn Tiếng Anh, để học sinh tự trao đổi và cùng cô giáo trao đổi tất cả những gì mà thời gian trên lớp không đủ để giảng dạy và học tập.

Theo cô giáo Hồng, cùng với truyền lửa cho học sinh, việc tận dụng các thiết bị âm thanh, hình ảnh vào việc học Tiếng Anh cũng là vô cùng quan trọng. Nếu như trước đây cô thường phải xách máy cát-xét lên lớp thì hiện nay cô có thể sử dụng điện thoại thông minh vào giờ học. Đặc biệt, tại Trường THPT Bắc Đông Quan hiện nay đã có hơn 10 phòng học được lắp đặt tivi thông minh, trong mỗi giờ giảng, cô giáo Hồng đều tận dụng hệ thống trang thiết bị để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với bài giảng và có nhiều thời gian thực hành kỹ năng nghe và nói.

Năm 2017, cô giáo Tống Thị Minh Hồng là một trong hai giáo viên Tiếng Anh của cả nước cũng là giáo viên đầu tiên của Thái Bình được nhận học bổng học tập tại Singapore. Cô giáo Hồng chia sẻ khi ra nước ngoài tham gia khóa học giúp cô nâng cao trình độ nhưng cũng giúp cô hiểu hơn hạn chế của mình và việc dạy Tiếng Anh ở các trường học địa phương, cô càng hiểu: mỗi ngày, mình phải là ngọn lửa lớn hơn ngọn lửa ngày hôm qua.

(còn nữa)

Trần Hương - Đặng Anh