Thứ 6, 27/12/2024, 14:01[GMT+7]

Thực chất - không hô hào (Kỳ 3)

Thứ 6, 31/08/2018 | 09:25:28
1,030 lượt xem
Ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì ở đó giáo dục đi vào thực chất, hiệu quả. Tại mỗi cơ sở giáo dục, việc đổi mới giáo dục không phải cần những khẩu hiệu hô hào. Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục, phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Số lượng học sinh vào lớp 1 quá đông khiến các trường luôn trong tình trạng quá tải. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình).

Kỳ 3: Cần bắt đầu từ những việc rất nhỏ

Nhiệm vụ của không riêng ngành Giáo dục

Để có đánh giá thực chất về việc triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, tháng 1/2018, Tỉnh ủy Thái Bình đã có quyết định chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại các huyện, thành phố, các địa phương và nhiều trường học trong tỉnh. Quá trình kiểm tra cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm đến giáo dục thì ở đó công tác giáo dục nói chung, hoạt động đổi mới giáo dục nói riêng đều mang lại những hiệu quả toàn diện và thực chất hơn.

Song cũng qua quá trình kiểm tra và qua thực tế cho thấy vẫn còn không ít cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm phù hợp, đặc biệt chưa quyết liệt giải quyết những hạn chế, khó khăn liên quan đến giáo dục và đào tạo dẫn đến một số khó khăn lâu ngày đã trở thành vấn đề nóng gây bức xúc trong xã hội. 

Sự quá tải học sinh trên địa bàn thành phố Thái Bình là một ví dụ. 

Hơn 10 năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố được xây dựng, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được mở rộng, dân số thành phố Thái Bình tăng từ gần 186.000 người năm 2010 (số liệu của Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố) lên gần 212.000 người đến tháng 6/2018 song số trường tiểu học, THCS vẫn giữ nguyên so với 20 năm trước. Mặc dù tình trạng quá tải học sinh tại các trường học thành phố đã diễn ra trong nhiều năm song chính quyền thành phố vẫn chưa tìm được các giải pháp cốt lõi để giải quyết tình trạng này. Phường Trần Hưng Đạo được thành lập đã 12 năm song đến nay tại phường này chưa có trường tiểu học. Nếu như ở các trường nông thôn trong tỉnh, số lượng học sinh trung bình/lớp là 30 học sinh thì tại nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố lên tới 60 - 65 học sinh/lớp. Sĩ số học sinh/lớp quá đông sẽ khó trong việc áp dụng các phương pháp đổi mới giảng dạy và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm vì cả giáo viên và phụ huynh đều lo lắng chất lượng giờ học trên lớp.

Trở lại với câu hỏi tại sao việc dạy và học ngoại ngữ tại Thái Bình còn nhiều hạn chế. Về vấn đề này, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc triển khai dạy học chương trình Tiếng Anh mới ở các cấp học quy mô còn thấp, việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ đạt kết quả chưa cao so với yêu cầu. Nhiều nhà giáo nhận xét, không chỉ có học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh mà trong tư duy của đại đa số cán bộ quản lý ngành Giáo dục đều chưa thực sự coi trọng việc dạy và học ngoại ngữ, tỉnh cũng chưa có cơ chế đầu tư phù hợp cho việc dạy và học môn học thời hội nhập này. 

Cô giáo Tống Thị Minh Hồng chia sẻ có quá ít giáo viên ngoại ngữ của Thái Bình được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài, nếu như cô là giáo viên ngoại ngữ bậc THPT đầu tiên của tỉnh được tham dự một khóa đào tạo ở nước ngoài thì giáo viên các tỉnh, thành phố khác, kể cả ở các tỉnh miền núi họ đã được cử đi đào tạo từ nhiều năm nay và đi thường xuyên mỗi năm. Những cơ hội được đào tạo có học bổng là rất hiếm hoi, vì vậy, giải pháp mà các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện là ngành và giáo viên cùng đầu tư kinh phí để được tham gia đào tạo bởi với môn học ngoại ngữ không có đào tạo, giao tiếp thường xuyên thì việc “xơ hóa ngôn ngữ” là việc tất yếu.

Bắt đầu từ những việc rất nhỏ

Nhà giáo ưu tú Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định để đổi mới giáo dục và đào tạo ở mỗi cơ sở giáo dục, điều quan trọng số 1 phụ thuộc vào cán bộ, giáo viên và điều quan trọng số 2 vẫn phụ thuộc vào cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự đổi mới chưa đồng bộ, ì ạch tại không ít trường học là do còn không ít cán bộ quản lý chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, giáo viên cũng ngại học, ngại cập nhật kiến thức, phương pháp mới trong giảng dạy. Cá biệt, ở một số nơi còn xảy ra tình trạng cán bộ quản lý kìm hãm, chưa tạo điều kiện để giáo viên phát huy sự chủ động, sáng tạo trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.

Phân tích từ các tập thể, cá nhân đã thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục cho thấy ở Trường THCS An Vũ, nhà trường sẽ không thể chuyển động từ lán xe đến phòng học thông minh, từ chỗ chất lượng thuộc tốp cuối vươn lên tốp đầu chỉ trong một thời gian ngắn nếu không có sự lãnh đạo tâm huyết, sáng tạo, năng động của cô giáo Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện. 

Tại Trường THCS Kỳ Đồng, THPT Lý Bôn, THPT Bắc Đông Quan, giáo viên sẽ khó thể hiện, phát triển các ý tưởng sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường. 

Trường Tiểu học Thụy Sơn chỉ là một trường tiểu học thuộc vùng sâu, vùng xa song tại đây nhà trường vẫn quan tâm đến việc dạy KHKT cho học sinh, theo thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, bởi quan niệm giáo dục của nhà trường là không coi các em là những đứa trẻ chưa biết gì mà luôn coi các em như một người lớn, luôn đề cao và khuyến khích tính chủ động học tập và lao động trong học sinh. 

Tại Trường Tiểu học Thụy Sơn, học sinh được tự do lựa chọn môn thể thao yêu thích trong giờ ra chơi, được tự do lựa chọn và đọc sách với hệ thống thư viện mở, học sinh từ lớp 1 đã tham gia làm vệ sinh lớp học và vệ sinh sân trường. 

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Văn Chanh, đổi mới không phải bắt đầu từ những vấn đề quá cao siêu mà phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như hướng dẫn cách cho các em biết chào hỏi lễ phép, thân thiện như thế nào; và việc đổi mới trong tư duy, trong hành động, không cần kinh phí nhưng luôn đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững.  

Anh Nguyễn Minh Quang, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ, con gái anh đang học lớp 5, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Điều anh thấy đặc biệt ấn tượng là ở nhà, cháu rất hay kể về cô “Khoa”. “Cả lớp con, bạn nào cũng mong đến tiết khoa học, hôm nay cô “Khoa” phát cho chúng con hạt giống, hôm nay cô tặng chúng con câu chuyện Rùa và Thỏ”. Tò mò anh đọc, nhưng là câu chuyện đã được phát triển theo một cách mới, rất hay và ý nghĩa. Cuối trang truyện có dòng chữ “Cô giáo... tặng con... Cô mong con luôn cô gắng như chú rùa và đừng kiêu ngạo như chú thỏ nhé. Chúc con luôn chăm ngoan, học giỏi!”. Anh Quang chia sẻ dù chưa có cơ hội gặp cô “Khoa” của con nhưng anh luôn thầm cảm ơn người giáo viên ấy, bởi chỉ là một giáo viên dạy môn phụ song chị đã thể hiện tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp, rất nâng niu và tôn trọng tình cảm, tâm hồn những học sinh bé nhỏ của mình.

Đúng là từ lâu nền giáo dục Việt Nam, nhiều thế hệ phụ huynh Việt Nam đều quá coi trọng điểm số. Mỗi khi đón con ở trường thường hỏi “nay con được điểm mấy” mà rất ít khi hỏi “nay con học có vui không”. Phải chăng, giáo dục đang cần đổi mới từ những điều rất nhỏ trong suy nghĩ và hành động như thế và phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, giáo viên.

Cần thống nhất trong hành động

Khoảng hơn 10 năm gần đây, trái ngược với tăng cao số lượng học sinh tại các trường học tại thành phố thì nhiều trường học vùng nông thôn số lượng học sinh lại giảm mạnh. Có không ít trường THCS có chưa đến 100 học sinh. Điều này đang gây nên nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục và các địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt gây nên tình trạng lãng phí nhân lực. 

Để giải quyết tình trạng này, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện sáp nhập các trường học cùng cấp và các trường tiểu học, THCS ít lớp trong cùng địa phương. 

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 394 trường phải sáp nhập thành 194 trường, trong đó riêng năm 2018 có 217 trường phải sáp nhập. Triển khai nhiệm vụ này, đến nay hai huyện Hưng Hà, Thái Thụy đã hoàn thành sáp nhập các trường theo kế hoạch năm 2018; một số huyện đang tiếp tục triển khai. Mặc dù vậy, trong tư tưởng của một số cán bộ lãnh đạo các trường học, giáo viên còn băn khoăn lo lắng trước việc sáp nhập, nhận định việc sáp nhập sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Song phần đông đội ngũ cán bộ, nhà giáo tâm huyết nhận định đó chỉ là tư tưởng của những người ngại thay đổi bởi nếu nhìn vào những khó khăn, bất cập về đội ngũ ở những trường có quy mô nhỏ, sự lãng phí nguồn nhân lực đang diễn ra chúng ta sẽ thấy việc cần thiết phải thực hiện. 

Là huyện đầu tiên hoàn thành sáp nhập theo kế hoạch năm 2018, đồng chí Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Hưng Hà không gặp nhiều khó khăn trong thực hiện sáp nhập bởi đã có sự thống nhất cao trong triển khai nhiệm vụ này. 

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo và cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 và kế hoạch sáp nhập trường học, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định toàn ngành Giáo dục cần thống nhất trong tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên bởi việc sáp nhập nhằm giúp toàn ngành giải quyết được những khó khăn, hạn chế về tình trạng trường lớp nhỏ lẻ, phân tán, tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên đang diễn ra, hơn hết còn nhằm thực hiện mục tiêu lớn hơn của tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng đã đề ra là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến hết năm học 2017 - 2018, toàn ngành Giáo dục có hơn 900 trường học. Nếu hoàn thành sáp nhập, toàn tỉnh sẽ còn khoảng 700 trường học. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý ngành Giáo dục, mọi sự đổi mới hay mọi thay đổi đều có thể sẽ gặp những khó khăn ban đầu và sẽ có những ý kiến trái chiều. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thống nhất trong tư tưởng, hành động. Trong đổi mới giáo dục và đào tạo cũng vậy, cần thống nhất hơn nữa trong tư tưởng, hành động, để khắc phục hạn chế, bất cập đang có, để việc đổi mới là căn bản, đồng bộ, đi vào thực chất, phù hợp với thực tế hơn.

(Tiếp theo và hết)

Trần Hương - Đặng Anh