Thứ 3, 26/11/2024, 05:01[GMT+7]

Tưng bừng vào năm học mới

Thứ 4, 05/09/2018 | 08:25:15
812 lượt xem
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Giáo dục Thái Bình và các huyện, thành phố đang tích cực phối hợp thực hiện sáp nhập các trường học cùng cấp và trường tiểu học, THCS ít lớp trong cùng địa phương.

Năm học 2018 - 2019, số đầu mối trường học toàn tỉnh giảm, nhiều trường học sẽ hoạt động theo mô hình trường phổ thông hai cấp tiểu học và THCS.

Tháo gỡ khó khăn

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục và đào tạo cũng gặp một số khó khăn, tồn tại trong đó một trong những tồn tại là đầu mối trường lớp nhiều, có nhiều trường số lớp học và học sinh ít dẫn đến khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, ngành Giáo dục và Đào tạo và các huyện, thành phố tiến hành hợp nhất, sáp nhập, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, THCS) hoặc có cùng cấp học theo nguyên tắc các trường sau khi tổ chức lại có đủ số giáo viên từng bộ môn; dạy đủ số tiết tối thiểu theo định mức quy định, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Thực hiện chỉ đạo này, một số địa phương đã hoàn thành kế hoạch sáp nhập ngay trước thềm năm học mới, kịp thời ổn định tình hình sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.  

Thị trấn Diêm Điền là đơn vị đầu tiên của huyện Thái Thụy thực hiện sáp nhập Trường Mầm non tháng Tám vào Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền. Ở thời điểm trước khi sáp nhập, nhà trường không những thiếu phòng học, phòng chức năng mà ngay cả hiệu trưởng, hiệu phó và các cô giáo của nhà trường cũng phải dùng chung một phòng với diện tích khoảng 20m2 vừa là nơi để họp vừa là nơi để sinh hoạt hiệu bộ. Trong khi đó, Trường Mầm non tháng Tám có khuôn viên rộng, đủ phòng học, phòng chức năng, phòng hiệu bộ. 

Để việc sáp nhập bảo đảm chất lượng giáo dục, nhà trường đã mở thêm 2 phòng học để dãn mật độ học sinh ở Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền. Một khó khăn lớn của thị trấn Diêm Điền nữa đó là khi có 2 trường mầm non với 3 điểm trường trên cùng địa bàn sẽ khó khăn trong công tác quản lý. Sau khi sáp nhập, hiệu trưởng của ngôi trường chung này sẽ chịu trách nhiệm quản lý 3 điểm trường, giảm tải bộ máy quản lý cồng kềnh với trên 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 700 học sinh. 

Cô giáo Tô Thị Ngà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Diêm Điền chia sẻ: Sau khi sáp nhập, nhà trường sẽ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền để các phụ huynh yên tâm chuyển khoảng 40 cháu sang học ở điểm của Trường Mầm non tháng Tám cũ.

Phấn khởi và hy vọng

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Toàn huyện có 145 trường học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, theo Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh về sáp nhập trường học thì trường tiểu học và THCS của 41 xã trong huyện phải thực hiện sáp nhập, trong đó, năm 2018 sẽ sáp nhập 42 trường tiểu học, THCS ở 21 xã. Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo và huyện đã tích cực tuyên truyền, động viên tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên trong huyện để tiến hành việc sáp nhập. Nhìn chung, hầu hết các nhà trường và các địa phương đều đồng tình với tinh thần Nghị quyết số 19. 

Cuối tháng 8 vừa qua, Trường Tiểu học Thụy Dương và Trường THCS Thụy Dương được sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Thụy Dương. Thuận lợi là 2 trường tiểu học và THCS chỉ cách nhau một bức tường nên khi sáp nhập chỉ cần phá bỏ bức tường thì đã thành một ngôi trường chung. 

Ông Vũ Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Thụy Dương chia sẻ: Sau khi nhận được thông tin sáp nhập, chúng tôi rất phấn khởi bởi trước đó, về phía trường tiểu học thì đang khuyết hiệu trưởng, không có phòng hiệu bộ. Thực hiện sáp nhập, hai trường sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị và khu hiệu bộ. Thầy giáo Vũ Đức Cảnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thụy Dương chia sẻ: Như vậy, trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại hợp lý, bảo đảm dạy đúng chuyên môn được đào tạo và đủ số tiết theo quy định.

Cô và trò Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) tham gia các hoạt động.

Tại huyện Kiến Xương, trước thềm năm học mới, Trường Mầm non Hoa Sen nhận quyết định sáp nhập vào Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê. 

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê chia sẻ: Niềm vui lớn nhất sau khi sáp nhập đó là tận dụng được cơ sở vật chất của cả hai bên. Nếu như trước đây, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen phải sinh hoạt chuyên môn ở khu vực hành lang lớp học thì hiện nay, phòng hội đồng của Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê đã trở thành điểm sinh hoạt chung cho hơn 50 cán bộ, giáo viên. Mặt khác, khi sáp nhập, nhà trường sẽ điều chuyển một số giáo viên khu B (Trường Mầm non Hoa Sen cũ) sang khu A (Trường Mầm non thị trấn Thanh Nê) để hỗ trợ chuyên môn bởi 2/3 giáo viên của khu A đang là giáo viên hợp đồng để bảo đảm chất lượng hai khu có sự đồng đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn về một số vấn đề như: thời gian, quản lý, công tác bán trú… nhưng với quyết tâm cao, các nhà trường, địa phương đều tin tưởng vào hiệu quả của việc sáp nhập, mang lại khí thế mới cho năm học mới.

Đặng Anh