Thứ 6, 27/12/2024, 14:33[GMT+7]

Hôm nay, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới

Thứ 4, 05/09/2018 | 09:08:29
799 lượt xem
Hôm nay 5/9, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước tưng bừng dự lễ khai giảng đón chào năm học mới 2018-2019. Lễ khai giảng sẽ diễn ra trong một tiếng, bắt đầu từ 7h30, gồm phần lễ với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; phần hội là các tiết mục văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.

Ảnh minh họa.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đầu cấp nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và rèn luyện mới.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống của nhà trường. Phổ biến nội quy; bộ quy tắc ứng xử; quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học lực, hạnh kiểm và các quy định khác của nhà trường. Tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia lao động, vệ sinh trường, lớp học, công trình vệ sinh trong trường học.

Trong Ngày đặc biệt này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đến dự khai giảng, đánh trống khai trường tại nhiều cơ sở giáo dục; khích lệ, động viên thầy trò nhiều trường học trên cả nước, góp phần tạo tâm thế tốt nhất bước vào năm học mới với những thành công mới.

Những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018 - 2019 sẽ được ngành Giáo dục tập trung thực hiện gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đổi mới chương trình Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT); đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT;

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT; Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDPT; xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn trường học, lớp học…; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện...

Rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành mới định mức số lượng người làm việc theo vị trí việc làm ở các cơ sở GD&ĐT theo chủ trương tinh giản biên chế và thực hiện Chương trình GDPT mới. Các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, có phương án phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những vùng tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh.

Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT mới, ưu tiên bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1. Triển khai thực hiện chuẩn, đánh giá đội ngũ giáo viên và hiệu trưởng cơ sở giáo dục theo chuẩn. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo...

Thẩm định, ban hành và hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các cơ sở GDPT thực hiện Chương trình GDPT mới. Chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học từ lớp 1 - 12, trong đó ưu tiên đối với lớp 1. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới...

Trình Chính phủ Nghị định về quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non, GDPT; Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập và các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về chủ trương thực hiện thí điểm cơ chế không có cơ quan chủ quản đối với các trường đại học.

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trên cơ sở đó, địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo; đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học còn thiếu.

Thúc đẩy phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo ngang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hữu hiệu thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm.

Được biết, để chuẩn bị cho năm học mới,  từ nhiều tháng trong hè, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp; nhiều phòng học mới được xây dựng, nhiều trang thiết bị được đầu tư, mua sắm, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục./.

Theo dangcongsan.com.vn