Thứ 6, 27/12/2024, 14:58[GMT+7]

Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật sẵn sàng bước vào năm học mới

Thứ 5, 06/09/2018 | 08:22:09
3,136 lượt xem
Là đơn vị được Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lựa chọn xây dựng trở thành đơn vị trọng điểm phía Bắc, năm học 2017 - 2018, Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy văn hóa và dạy nghề cho người khuyết tật. Kết thúc năm học tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các cấp học của Trường đều đạt và vượt chỉ tiêu giao; học sinh học nghề ra trường đều có công việc ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để nhà trường vững tin bước vào năm học mới.

Giờ thực hành lớp may của các em học sinh Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật.

Với đặc thù dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật và các đối tượng chính sách cùng với dạy văn hóa và học nghề cho học sinh trong độ tuổi lao động, những năm qua, bằng tâm huyết, nỗ lực vượt khó, luôn hết lòng vì học sinh, đặc biệt là dành tình thương yêu cho học sinh khuyết tật, cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và dạy nghề cho hàng nghìn học sinh, sinh viên tạo tâm lý vững vàng cho các em sau khi ra trường. 

Bà Đặng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc dạy văn hóa và dạy nghề cho học sinh của Trường khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với các trường văn hóa, trường nghề trong tỉnh bởi đối tượng học sinh là những em bị khuyết tật, trong đó chủ yếu là học sinh khiếm thính đến các em có lực học kém. Do đó, phương châm của nhà trường là “vừa dỗ, vừa dạy”. Hàng năm, nhà trường đều xây dựng chương trình dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đối với hệ văn hóa chuyên biệt, chủ yếu là học sinh câm điếc, chương trình đào tạo được Trường xây dựng dựa trên chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có chỉnh sửa và giảm tải ở một số bộ môn cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường cũng như trình độ nhận thức của các em học sinh khiếm thính. Đối với dạy văn hóa và đào tạo nghề, hiện tại nhà trường đang đào tạo một số nghề chính: điện - điện tử, may, cơ khí, kế toán, mộc, tin học văn phòng... vì vậy việc kết hợp học văn hóa với tập trung đầu tư máy móc mua sắm trang thiết bị để các em học sinh có thể thực hành được nhà trường rất quan tâm. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên liên kết với một số trường đại học, cao đẳng để tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tại các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm việc làm cho các em sau khi ra trường. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, nhà trường luôn quan tâm đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hàng năm, Trường đều tổ chức thao giảng để đánh giá xếp loại chất lượng đội ngũ giáo viên. Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ giáo viên xếp loại tốt đạt 77,8%. 

Tại hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2018, Trường có 2 giáo viên dự thi đều đạt giải, trong đó có 1 giáo viên được chọn để tham dự hội giảng toàn quốc. Ngoài việc thực hiện tốt các công việc về chuyên môn, nhà trường cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các em học sinh, nhất là các em học sinh khoa văn hóa chuyên biệt được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để giúp các em tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nên năm học 2017 - 2018 nhà trường đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ trung cấp và sơ cấp nghề đạt 100%; 100% các em học nghề ra trường đều có việc làm ổn định, toàn trường không có học sinh cá biệt hoặc mắc tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh hệ văn hóa chuyên biệt hoàn thành tốt chương trình và tỷ lệ học sinh THPT đạt học lực khá còn thấp dưới 50%.

Năm học 2018 - 2019, nhiệm vụ của Trường là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng diễn ra vào tháng 10, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 - 2019; đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên vật liệu, vật tư thực hành phục vụ các khoa nghề trong công tác giảng dạy theo quy định đã được mua sắm. Việc sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ máy móc, thiết bị cho khoa may, điện, tin học nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành của học sinh đã được triển khai; hệ thống bàn ghế học sinh, sửa chữa phòng học tạo môi trường học đường khang trang, sạch đẹp hơn đã được hoàn tất. 

Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới.

Nguyễn Cường