Chủ nhật, 30/06/2024, 15:55[GMT+7]

Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Thứ 5, 10/11/2011 | 08:27:19
1,641 lượt xem
Những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú về loại hình đào tạo. Ðiều này giúp phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều áp lực lớn, nhất là cần phải giải bài toán về phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học càng được xác định quan trọng hơn lúc nào hết.

Thực trạng kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam đã được triển khai ở phạm vi cơ sở đào tạo (trường) và chương trình đào tạo. Trong đó, khoảng 70% số cơ sở giáo dục đại học thực hiện quy trình kiểm định chất lượng trường (bắt đầu từ việc gửi các thông tin về hiện trạng đến việc hoàn thành báo cáo tự đánh giá). Tính đến năm 2011, khoảng 60% số cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, trong đó có 20 trường đại học đã được đánh giá ngoài và được Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định; 20 trường đại học khác đã được đánh giá ngoài. Tuy nhiên, sau khi đã được Hội đồng quốc gia thẩm định và thông báo kết quả thì vẫn chưa có trường nào được Bộ Giáo dục và Ðào tạo cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do chưa có luật định chi tiết cho việc này khiến cho các nhà quản lý lúng túng ngay tại khâu kết thúc của quy trình.

Phạm vi chương trình, có 100 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học đã xong tự đánh giá. Nhưng khi kiểm định trường chưa hoàn tất thì kiểm định chương trình cũng chỉ là bước tiến hành thận trọng theo những kế hoạch của các dự án là chính, chưa phải là chiến lược trọng tâm trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

Sự quan tâm của các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội các trường đại học, cao đẳng trong thời gian gần đây về công tác này thể hiện ở nhu cầu được nâng cao năng lực cho đơn vị chuyên trách của chính họ, hoặc được tạo một hành lang pháp lý cho đơn vị chuyên trách của họ hoạt động tư vấn bảo đảm chất lượng cho các trường,... Có những hiệp hội đại diện cho các trường chủ động tiếp cận thông tin mới nhất về kiểm định, các hoạt động của họ thể hiện mong muốn làm một kênh kết nối quan trọng góp phần triển khai các vấn đề cơ bản của giáo dục đại học một cách khoa học và hệ thống. Ðặc biệt, các trường cao đẳng, dân lập hoặc tư thục thường có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến yếu tố này. Có thể lý do nằm ở một phần nhận thức về ý nghĩa và mục tiêu của việc kiểm định. Ðược kiểm định, có nghĩa là chất lượng được bảo đảm, có thể gia tăng số lượng sinh viên đầu vào và tạo được niềm tin nơi các nhà tuyển dụng. Với các trường cao đẳng, thực hiện tự đánh giá (khâu quan trọng của kiểm định) thậm chí còn được coi như một trong những yếu tố thuyết minh thêm về lợi thế của nhà trường khi đề xuất với Chính phủ chấp thuận nâng cấp thành trường đại học, hoặc gia tăng độ tin cậy để nhận được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho việc nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường.

Mối quan tâm chung của xã hội với kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam càng rõ bao nhiêu, thì việc cần một cơ chế và chế tài thỏa đáng cho kiểm định (và đối tượng của kiểm định) cũng trở nên cấp thiết bấy nhiêu. Các trường tham gia kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam chưa có được cơ chế khuyến khích để tiếp cận với ngân sách nhà nước (thí dụ như hỗ trợ tài chính và dự án nghiên cứu), hoặc sinh viên các trường (nếu được kiểm định) chưa có lợi thế khi tìm việc. Tương tự, cũng thiếu một chế tài dành cho các đơn vị chậm hoặc không triển khai công tác này. Trong khi chính các cơ sở giáo dục mới là nhân tố quan trọng hàng đầu.

Luật hóa, một trong những giải pháp cần thiết

Trước hết, cần xác định và luật hóa vai trò trung tâm của các cơ sở giáo dục đại học, bắt đầu từ việc thành lập đơn vị chuyên trách bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, sau bảy năm triển khai xây dựng hệ thống chuyên trách, đã có 70% số cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thành lập được đơn vị chuyên trách riêng, nhưng vấn đề đặt ra là họ hoạt động theo cơ chế chung nào và hiệu quả của hệ thống này đến đâu khi họ chính là những nhánh kết nối trong toàn hệ thống để xây dựng, phát triển công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Ðây cũng chính là nơi lập kế hoạch huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo của trường mình sau khi được kiểm định. Vì thế, quan tâm chất lượng của hệ thống đơn vị chuyên trách là giải pháp quan trọng cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Ðồng thời, luật hóa các tiêu chí quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đồng bộ, cùng vì cái chung nhằm đạt tới một xu hướng chung, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm". Những điều kiện cơ bản về thực lực, độ công khai, minh bạch và chuẩn đầu ra cần được quan tâm đúng nhưng trên thực tế, điều này không phải là công việc được ưa chuộng ở tất cả các trường. Nhất là khi nhiều trường còn phải lo đến việc thuê giảng đường, thiếu giảng viên có trình độ đạt chuẩn, thiếu thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Thậm chí, với các trường lớn và tốp đầu, việc thực hiện bảo đảm chất lượng theo một quy trình tương thích với quốc tế cũng chưa chắc đã là vấn đề được hưởng ứng, bởi vì khi chưa có cái gọi là bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng, trường đó đã quá tải người học, và sinh viên của họ ra trường phần lớn đều được các cơ quan tuyển dụng đón nhận. Tính truyền thống, bề dày thành tích hoặc những vấn đề tương tự, nhiều khi lại trở thành một tâm lý tự bằng lòng, khiến các hoạt động bảo đảm chất lượng chưa thể được quan tâm đúng mức và đều khắp trên toàn hệ thống.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần được phân định rõ ràng hơn về quy trình bảo đảm chất lượng khi đã thống nhất được hướng đi chung. Một nguyên tắc đặt ra ở đây là, khi đã tạo nên một sân chơi chung, thì phải có luật cho những bên tham gia.

Ðiều cần thiết nhất là phân định về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng của kiểm định phải rõ và tương thích với chuẩn quốc tế. Có lẽ, một trong những giá trị lớn của kiểm định sẽ làm tăng niềm tin rằng việc giới thiệu về trường hoặc chương trình đào tạo do trường đó cung cấp là chính xác và công bằng, trong đó bao gồm cả việc mô tả các dịch vụ cho sinh viên và những thành tích mà các sinh viên tốt nghiệp của trường đạt được. Vì vậy, việc công khai thông tin về chất lượng là yêu cầu không thể thiếu. Các nguyên tắc cơ bản như tính độc lập, khách quan, đúng pháp luật; tính trung thực, công khai, minh bạch là những nguyên tắc chung của kiểm định chất lượng quốc tế cũng cần được thực hiện sớm ở Việt Nam.

Theo nhandan

  • Từ khóa