Chủ nhật, 30/06/2024, 15:54[GMT+7]

Bây giờ đã lên trường đại học

Thứ 6, 11/11/2011 | 08:56:20
2,487 lượt xem
Đúng dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Thái Bình công bố quyết định số 1555 của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ bây giờ trong danh mục các trường đại học của cả nước có thêm một trường nữa - Trường Đại học Thái Bình.

Lần đầu tiên Thái Bình có một trường đại học cho riêng mình. Sự kiện này có nhiều ý nghĩa, bởi đây là “đứa con đầu lòng”, sau rất nhiều vật vã, qua nhiều gian nan, mới chính thức được ra đời trong khát vọng và ước mơ bao đời nay của người dân Thái Bình.

Cách đây hơn chục năm, tôi đã vào dự ngày công bố quyết định nâng cấp từ trường trung cấp lên trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KTKT). Từ đó đến nay, trên suốt cuộc hành trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường tôi là người có may mắn được chiêm nghiệm, chia sẻ trước mỗi thành tích và trên từng vinh dự mà nhà trường đạt được. Con đường để trở thành Trường Đại học Thái Bình của Trường Cao đẳng KTKT cũng trải qua nhiều khó khăn, trắc trở. Mong muốn, khát vọng của cả triệu người dân Thái Bình thì đã rõ. Ý chí của lãnh đạo tỉnh và các ngành cũng đã thấy. Song, cứ gần chạm đến vinh quang là có thêm những thử thách mới. Khi thì Chính phủ cần đánh giá lại chất lượng các trường đại học; lúc thì đặt vấn đề sáp nhập, thu lại các đầu mối để tập trung cho đầu tư, nâng cao hiệu quả chất lượng. Gần đây nhất, đoàn kiểm tra của các Bộ ở T.Ư về thẩm định trước khi trình Chính phủ ra quyết định, vẫn còn có sự chưa đồng thuận về cơ chế, nguyên tắc và thủ tục hành chính. Cuối cùng thì cái đích cần đến đã đến và niềm vui của người dân Thái Bình dường như phấn khởi hơn, khi ở ngay trên mảnh đất quê mình có một trường đại học để con em đỡ vất vả “lều chõng” đi học xa. Ông Nguyễn Văn B, xã Hồng An (Hưng Hà) nghe tin Thái Bình có trường đại học tỏ ra rất vui, ông hy vọng đứa con út sẽ được học đại học ở ngay tỉnh nhà. Còn ông Hà, thị trấn Diêm Điền thì cứ tiếc rẻ là nếu có Trường Đại học Thái Bình sớm hơn thì ông sẽ cho cháu thi để học gần nhà. Nhẩm tính học ở Hà Nội tốn kém gấp đôi so với học ở Thái Bình và còn biết bao điều lo toan vô hình khác nữa.

51 năm xây dựng và trưởng thành, 11 năm lên cao đẳng và hôm nay trở thành trường Đại học, thầy Nguyễn  Trung Tín, hiệu trưởng nhà trường vẫn không khỏi xúc động khi nhìn lại những đóng góp của nhà trường suốt nửa thế kỷ qua, đặc biệt là hơn một thập niên ở vị trí hệ cao đẳng. Những đóng góp của nhà trường vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo  nguồn nhân lực cho Thái Bình và các tỉnh trong khu vực là rất lớn, uy tín và thương hiệu của nhà trường theo thời gian năm tháng đã dần được khẳng định trong tình cảm và lòng mến mộ của nhân dân. Điều đó được chứng minh qua quy mô đào tạo: Nếu năm 2000 có 1900 sinh viên thì năm 2011 - trước thềm lên đại học nhà trường đã có 5500 sinh viên. Từ nhiều năm gần đây, trong lộ trình nâng cấp lên đại học, nhà trường đã lặng lẽ chuẩn bị lực lượng “khung”, liên tục cử cán bộ, giáo viên đi học trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tiếp cận với khung đào tạo bậc đại học, đến nay đã có 55,84% giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và thật sự có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng thu hút nhân tài. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, nhìn thấy hiệu quả, chất lượng đào tạo của nhà trường, tỉnh đã dành những khoản ngân sách (dù còn rất khiêm tốn) để nâng cấp cơ sở vật chất. Trong năm 2000, trường có 3/4 phòng học cấp 4, duy nhất chỉ có 15 phòng học kiên cố. Đến nay, đã có 60 phòng học kiên cố, hệ thống nhà ăn, ký túc xá, thư viện, phòng máy vi tính, thiết bị xưởng trường hiện đại, nhiều phòng có máy Prôjeđer cố định…

Có lần khi còn trên cương vị hiệu trưởng nhà trường, anh Nguyễn Tiến Dũng tâm sự: Chúng tôi tính toán chi li từng khoản thu, cố gắng thu ở mức thấp nhất để bà con quê nhà bớt nghèo, bớt khổ khi phải lo cho con đi học. Tấm lòng ấy, tình cảm ấy làm sao không “hữu xạ” trong dư luận xã hội. Có một điều mà anh em báo chí và nhiều người không lý giải được thật cặn kẽ là: Nhà trường khởi động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động… đều thu được kết quả vượt cả sự mong đợi. Là điển hình của cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là tấm gương tiêu biểu của một tập thể giàu lòng nhân ái từ: xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, hiến máu nhân đạo… Nguyên nhân cốt lõi mà quá trình gắn bó với nhà trường tôi nhận ra, đó chính là: làm thật, nói thật, kết quả thật. Nếu ở đâu đó còn xuất hiện cảnh làm “đầu voi, đuôi chuột” hoặc “làm láo, báo cáo hay” nên phong trào nửa vời và kết quả không cao, chất lượng thấp. Ở trường cao đẳng KTKT thì từ chủ trương đến hành động là một ý chí, làm có bài bản, sáng tạo và luôn giữ được cốt cách của môi trường sư phạm.

Mới đây, khi ngồi tâm sự với tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Tín nói thật lòng mình rằng: Vinh dự lên trường đại học là rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng thật nặng nề. Cái lo của người đứng đầu chuyển hóa thành những giải pháp cụ thể, cách làm cụ thể. Định hướng cho bước đi ban đầu và dài hơi của một trường đại học đã được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tính toán. Song, chúng tôi vẫn có một niềm tin là: Trường Đại học Thái Bình sẽ vươn xa, lớn mạnh… khi nền móng của nhà trường là thành tích, bề dày kinh nghiệm và điểm tựa là vùng đất, vùng quê giàu truyền thống hiếu học.

Phạm Viết Thanh

 

  • Từ khóa