Chủ nhật, 30/06/2024, 15:52[GMT+7]

Trường THPT Tây Tiền Hải 50 năm - Một sự nghiệp trồng người

Thứ 3, 15/11/2011 | 16:28:00
3,846 lượt xem
Một buổi chiều đầu tháng 11, dưới cái nắng xiên khoai trái mùa, chúng tôi đã có mặt ở trường THPT Tây Tiền Hải. Không khí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập đã khá nhộn nhịp. Trước cổng trường, con số 50 được dựng lên khá sớm. Con số ấy gieo vào lòng các thầy, cô giáo và thế hệ học sinh hôm nay những suy ngẫm về quá khứ; về trách nhiệm giữ gìn truyền thống – “chiếc nôi” văn hóa.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Tây Tiền Hải.

Đi một vòng khắp sân trường, chúng tôi khó hình dung ra được một mái trường cấp III Tiền Hải của 50 năm trước nghèo nàn đến đâu? Gian khổ thế nào? Song, lứa tuổi như chúng tôi từng được chứng kiến những tháng, năm đến lớp trong tiếng gầm rú của bom, đạn Mỹ. Cũng từng đi sơ tán, học dưới hào giao thông, chia nhỏ lớp và học dưới ánh đèn dầu hỏa... Thầy hiệu trưởng Vũ Minh Thuật kể rằng:

- Cách đây 50 năm, tháng 9 năm 1961, bên bờ hồ Nguyễn Công Trứ, thuộc xã Tây Sơn, có một mái trường cấp III được chính thức ra đời, đón vào vòng tay mình con, em ở 4 huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Ninh, Thụy Anh, và một phần Đông Quan (Đông Hưng ngày nay). Trong ký ức của những học sinh và các thầy, cô giáo hẳn không quên được gian khó của buổi đầu “sinh cơ, lập nghiệp”: Vừa khẩn trương bắt tay xây dựng cơ sở vật chất ban đầu (cũng chỉ là lán tranh, mái ngói). Vừa đón nhận học sinh bước vào năm học đầu tiên 1961 – 1962. Lúc đó, trường mới có 2 ngôi nhà cấp II và III. Có 4 lớp 8 với 203 học sinh và 17 cán bộ, giáo viên. Sau này tách hai hệ riêng biệt, trường dời đến khu mới, nằm cạnh Quốc lộ 39. Một ngôi trường cấp III chỉ vẻn vẹn có hai ngôi nhà lợp ngói, đủ làm phòng học cho 4 lớp 8 và 4 lớp 9.

Trong tiềm thức của thế hệ học sinh hôm nay khó có thể hình dung được, vì sao trên trái đất này lại có một ngôi trường như thế? Nhưng trong tâm trí của các cựu học sinh thì hình ảnh ấy lại không thể quên được, đã đi theo mình trên suốt cuộc hành trình lập thân, lập nghiệp và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc... Lớp học sinh như chúng tôi, bài học khắc ghi là lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Bất luận trong thiếu thốn thế nào thì sự nghiệp “trồng người” vẫn phải “đơm hoa, kết trái”. 98% học sinh khóa I tốt nghiệp là minh chứng đầy đủ cho ý chí ấy, quyết tâm ấy. Đó cũng là điểm tựa vô cùng quan trọng để 49 khóa học sau, từ mái trường này, dù là cấp III hay THPT Tây Tiền Hải, đã có 33.216 học sinh tốt nghiệp. Trong đó có 3836 học sinh thi đỗ tốt nghiệp vào các trường đại học và 6902 học sinh vào các trường cao đẳng, THCN. Có 5.639 học sinh tham gia quân đội, 341 người hy sinh trên các chiến trường, 4 người được phong hàm cấp tướng; 78 người được phong hàm đại tá.

Để hôm nay, trên bảng vàng thành tích của nhà trường, ghi đậm những con số rất đáng tự hào: 5 giáo sư, 6 phó giáo sư, 80 tiến sĩ... không phải ở đâu và ở trường nào cũng có được những con số thống kê có sức thuyết phục như thế. Nó chứa đựng tinh hoa của vùng quê hiếu học. Hội tụ hào khí của tiếng trống năm 30. Và có thêm một yếu tố nữa: trả nghĩa cho trường, trả ơn cho các thầy, cô giáo. Những tên tuổi lớn không chỉ làm rạng danh cho mái trường Tây Tiền Hải, mà còn ảnh hưởng mang tầm vóc đất nước, tầm vóc thời đại.

Trong số học sinh ra đi từ mái trường này, có người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo; có người đang làm Thứ trưởng các Bộ, ngành Trung ương; làm Đại sứ ở nước ngoài. Người từng bay vào vũ trụ, ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Rất nhiều trong số đó đã và đang có học hàm, học vị cao; giữ những trọng trách lớn trong các trường Đại học danh tiếng của đất nước. Cũng có người trở thành doanh nhân tâm tài, nắm giữ cả một tập đoàn khổng lồ, vừa ủng hộ gần 30 tỷ đồng để xây dựng khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó học giỏi, chung tay góp sức chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.

Nhờ xã hội hóa, nhờ sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục... bây giờ trường THPT Tây Tiền Hải đã có một diện mạo hoàn toàn mới, sự đổi thay cả về lượng và chất. Khang trang hơn, đẹp hơn và cũng hiện đại hơn. 38 phòng học đúng quy cách, 4 phòng máy vi tính, với 90 máy. Quy mô đào tạo phát triển rất nhanh, từ 4 lớp ban đầu, nay đã có 36 lớp với hơn 1.800 học sinh, cho cả ba khối lớp 10, 11 và 12...

Noi theo tấm gương các thế hệ giáo viên và học sinh đi trước. Các thầy, cô giáo và lớp lớp học sinh ngày hôm nay luôn lấy điểm tựa truyền thống để tự nhủ lòng mình phải dạy thật tốt, học thật tốt, đóng góp vào bảng vàng truyền thống của nhà trường, theo năm, tháng cứ dài thêm, dày lên những thành tích đáng tự hào. Đó là kết quả thi tốt nghiệp hàng năm đạt trên 90%; trong đó 38% đến 50% học sinh thi đỗ vào các trường Đại học – Cao đẳng. 4 năm liên tục gần đây, nhà trường đều có số học sinh đỗ đại học rất cao, nằm trong tốp 200 trường của cả nước có số học sinh đỗ đại học cao nhất nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa.

Năm này, trường cũng có đội tuyển các môn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Chỉ tính từ năm học 2001 – 2002 đến nay, nhà trường có 120 đội tuyển dự thi, có 80 đội đoạt giải; 480 học sinh đạt giải cá nhân. Năm học 2010 – 2011, trước thềm kỷ niệm 50 năm thành lập, đội tuyển học sinh giỏi của trường giành giải nhất toàn đoàn cấp tỉnh. Nhà trường có 7 lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2003 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, trường THPT Tây Tiền Hải, vui mừng đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là thành quả của phong trào thi đua dạy và học, cũng là kết tinh của truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành. Chi bộ đảng với 38 đảng viên đã lãnh đạo nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từng năm học, luôn đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức công đoàn, thanh niên đều được cấp Trung ương khen thưởng.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, thầy hiệu trưởng Vũ Minh Thuật đọc cho nghe một đoạn viết về thầy Đặng Đình Lai, giáo viên dạy khóa I: “Thầy làm việc nhiệt tình và say mê, không tiếc sức mình cho sự nghiệp chung, cho lao động sáng tạo. Thầy tự trang bị cho mình nhiều kiến thức, miền nào cũng phong phú và sâu sắc. Thầy dạy Toán, nhưng lại hay làm thơ, viết văn, viết báo và phổ nhạc bài hát. Thầy biết 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức và tiếng Trung... chỉ bằng tự học”... Những thầy giáo tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” như thế, tất yếu sẽ đào tạo ra lớp học sinh giỏi, chăm ngoan. Tấm gương của thầy là ngọn lửa thắp sáng ước mơ vươn tới của các thế hệ học sinh... Để bây giờ, họ có học hàm, học vị, có vị thế trong xã hội và danh tiếng ở đời. Tấm gương ấy còn tỏa sáng và làm sâu sắc hơn về đạo làm thầy cho lớp giáo viên hôm nay.

Ở trường THPT Tây Tiền Hải có tới 52,5% giáo viên từng là học sinh cũ của trường. Việc thầy Thuật đọc cho nghe đoạn viết về thầy Lai, đủ để chúng tôi hiểu ra rằng: Mái trường này, các thầy, cô giáo và học sinh trường THPT Tây Tiền Hải luôn trân trọng quá khứ và biết kế thừa truyền thống. Đó chính là bài học của sự thành công trên suốt chặng đường nửa thế kỷ vì sự nghiệp “trồng người”.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa