Chủ nhật, 30/06/2024, 15:56[GMT+7]

Thi đua dạy tốt, học tốt thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Thứ 4, 16/11/2011 | 15:20:03
2,003 lượt xem
Chào mừng kỷ niệm 29 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để toàn ngành GD&ĐT nhìn lại các phong trào thi đua trong một năm đã qua và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua: Dạy tốt – Học tốt.

Vai trò của người thầy luôn giữ yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Ảnh: Thành Tâm

“Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã kết tinh thành đạo lý của người Việt Nam từ bao đời nay. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, dù trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, với bao biến cố thăng trầm, nhưng chưa khi nào và cũng sẽ không bao giờ mất đi sự tôn vinh vai trò của người thầy trong xã hội. Nói đến nghề giáo đã có biết bao bài ca, bao nhiêu áng văn chương, bao nhiêu lời hay ý đẹp được dành để ca tặng; bởi lẽ hình tượng người thầy được ví như người cha, người mẹ, mà có người cha người mẹ nào lại không mong muốn con mình khôn lớn, trưởng thành.

Trên cơ sở kế thừa ngày hiến chương nhà giáo quốc tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng thời để thắp lên một nội dung, một tầm cao và một ý nghĩa mới đối với truyền thống nhà giáo Việt Nam, năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) đã lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam, ngày mà toàn xã hội hướng về các nhà giáo và dành cho thầy giáo, cô giáo những tình cảm trân trọng, quý mến và biết ơn.

Chào mừng kỷ niệm 29 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để toàn ngành nhìn lại các phong trào thi đua trong một năm đã qua và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua: Dạy tốt – Học tốt.

Năm học 2010 – 2011 được Bộ GD&ĐT xác định là năm “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Với mục tiêu ấy, trong các phong trào thi đua chung, giáo dục và đào tạo Thái Bình đã khẳng định mình bằng những kết quả rất đáng tự hào: quy mô các ngành học, cấp học được củng cố và mở rộng, các loại hình trường lớp được phát triển đúng hướng, các chỉ số về giáo dục đào tạo được nâng cao không ngừng.

Giáo dục mầm non: 299 trường, trong đó 296 trường công lập, 03 trường tư thục. Có 35.595 (=67.2%) trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 70.974 (=99,9%) trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, đến trường. Nhiều năm liền đã huy động được 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Có 299 (=100%) trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn tại trường với 32.779 (=96%) trẻ nhà trẻ và 70.065 (=98,7%) trẻ mẫu giáo; Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 6,5%, không để xảy ra tình trạng mất an toàn cho trẻ trong các nhà trường. Là năm thứ 2 triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới, Sở GD& ĐT đã bồi dưỡng chuyên môn cho 100% cán bộ giáo viên, tổ chức cung ứng tài liệu, học liệu cho 100%  số trường thực hiện tốt chương trình GDMN mới, 298/299 (=99,7%) trường ứng dụng CNTT, 276/299 (=92,3%)  trường kết nối internet để phục vụ cho công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ. Có 296/299 trường ứng dụng phần mềm Nutrikis, 14/299 trường ứng dụng phần mềm kế toán. Toàn tỉnh có 595/ 696 (=85,5%) trẻ khuyết tật được giáo dục hoà nhập tại trường mầm non.

Giáo dục Tiểu học: Có 293 trường với 4.197 lớp gồm 122.513 học sinh, không có học sinh bỏ học. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 22.549, đạt 100%. Cấp Tiểu học luôn giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện. Có 100% số trường với 4.091 lớp, 119.580 học sinh được học môn Tiếng Anh. Năm học 2010-2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn Thái Bình là 1 trong 20 tỉnh thành dạy học Tiếng Anh theo chương trình thí điểm 4 tiết/tuần và Thái Bình đã triển khai tốt việc thực nghiệm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ. Hiện có 277/293 trường với 2.660 lớp gồm 76.358 học sinh được học Tin học.

 Thực hiện mục tiêu chủ yếu đối với cấp Tiểu học là giáo dục toàn diện, nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu rất quan trọng cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Học sinh giỏi được phát hiện sớm ở tất cả các khối lớp và được tổ chức bồi dưỡng thường xuyên. Quan tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, HS khuyết tật, các nhà trường đã tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để các em học hết lớp, hết cấp, hoàn thành CTTH. Ngoài ra, các nhà trường còn chú ý hướng dẫn, động viên các em tham gia các hoạt động như sân chơi Toán Tuổi thơ, Văn Tuổi thơ, thi viết vẽ về GDMT, thi vở sạch chữ đẹp, thi giải toán qua mạng, thi tiếng Anh qua mạng...nhằm phát hiện HS có năng khiếu.

Giáo dục Trung học: Ở cấp THCS: 271 trường với  96.521 học sinh. Huy động hết số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6, 100% xã phường đạt PCGDTHCS. Các nhà trường đã tích cực chủ động thực hiện nhiều biện pháp để huy động và duy trì số lượng. Cấp THPT: toàn tỉnh có 40 trường, trong đó 29 trường công lập và 11 trường tư thục 62.402 học sinh, gồm 47.931 HS công lập, 13.343 HS  ngoài công lập. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phân hoá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; Tổ chức nghiêm túc, an toàn các kì thi, kiểm tra chất lượng, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp THPT, thi HSG quốc gia, HSG lớp 9, lớp 12. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, TD-TT, tin học, ngoại ngữ...

Trong kỳ thi học sinh giỏi giải toán bằng máy tính Casio, Vinacal khu vực phía Bắc, đội tuyển Thái Bình có  01 em học sinh THCS  và 4 em học sinh THPT đã đoạt giải. Trong kỳ thi HSG lớp 9 cấp tỉnh có 640 em dự thi, trong đó 444 em đoạt giải, đạt tỷ lệ 69,3% (41 giải Nhất; 122 giải Nhì 196 giải Ba; 85 giải Khuyến khích). Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, tổng số học sinh toàn tỉnh dự thi là 1736 em,  có 1110 em đoạt giải, đạt tỷ lệ 63,9%; trong đó: Nhất: 75 em = 6,6%; Nhì:  309 em = 27,8%; Ba: 469 em =  41,6%; Khuyến khích 257 em = 23,1%. Tham gia thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, Thái Bình có 10 đội tuyển với 66 thí sinh dự thi, số giải đoạt được là 51, trong đó 02 giải Nhất, 16 giải Nhì; 18 giải Ba; 15 giải Khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đoạt giải là 77,27%. Chúng ta có 4 học sinh đạt giải cao được bồi dưỡng để dự thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế môn Hóa học và Sinh học.

Giáo dục thường xuyên: Toàn tỉnh có 10 trung tâm G.D.T.X cấp huyện, 1 trung trung tâm Ngoại ngữ - Tin học , 286 trung tâm  H.T.C.Đ. 100% đơn vị cấp xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về XMC và phổ cập tiểu học cho người lớn đến 35 tuổi. Hàng năm thường xuyên mở các lớp bổ túc,các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn người. Các trung tâm H.T.C.Đ thường xuyên tổ chức lớp học chuyên đề cho hàng triệu  lượt người học, bình quân mỗi năm mỗi trung tâm tổ chức được trên 30 lớp với trên 5.000 lượt người theo học.

Giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp: Thái Bình hiện có 3 trường TCCN và 7 cơ sở có đào tạo TCCN, có 3 trường Cao Đẳng và 3 trường ĐH đặt trên địa bàn. Tổng số học sinh được đào tạo TCCN hàng năm là trên  5.000 học sinh, CĐ, ĐH trên 15.000 học sinh.

Trong GD&ĐT vai trò của người thầy luôn giữ yếu tố quyết định trong việc  bảo đảm  chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới đã được Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo và đã đạt được kết quả khá tốt. Toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục”. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, đạt tỉ lệ khá cao và đều vượt so với năm học trước. Hiện nay tỉ lệ cán bộ giáo viên mầm non đạt chuẩn trở lên là 98,5%, trên chuẩn là 43,6%; các cấp học khác đều đạt chuẩn 100% trong đó trên chuẩn ở tiểu học là 90,5%, THCS là 57,8%, THPT và GDTX là 3,5%. Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.

Công tác tuyển dụng giáo viên thực hiện nghiêm túc; Công tác bố trí, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thực hiện đúng quy trình, phát huy hiệu quả. Một số đơn vị đã phân công giáo viên THCS dạy các môn ít giờ theo hình thức liên trường để khắc phục tình trạng dạy chéo ban, chéo môn. Từ các phong trào thi đua, nhiều cá nhân và đơn vị đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời ".  Từ mục tiêu đó, đòi hỏi GD&ĐT  phải tích cực chuyển biến, phải không ngừng tự đổi mới để phát triển hơn nữa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế và khu vực.

Trước hết và trước mắt là phải chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Triển khai học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tích cực thực hiện các cuộc vận động, chú trọng nội dung “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm “ Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh” Ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đã được giảm tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu, với ý nghĩa bao trùm là, mỗi thầy cô giáo chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống cao quý, tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, tiếp tục tô thắm những truyền thống ấy bằng tất cả nhiệt huyết phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực nghiệp vụ vững vàng và lòng tận tâm nghề nghiệp để hoàn thành trọng trách cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Kỷ niệm 29 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, với ngành Giáo dục tỉnh nhà, hành động có ý nghĩa nhất là không ngừng phấn đấu để xứng đáng “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện tốt chủ đề của năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, các nhà giáo, các cán bộ quản lý, các em học sinh, sinh viên hãy tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Hai tốt” xây dựng điển hình tiên tiến, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2011 – 2012 tạo ra sự chuyển biến mới thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đúng theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “ Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

NGƯT: Đặng Phương Bắc

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình)

 


 

  • Từ khóa