Chủ nhật, 30/06/2024, 15:53[GMT+7]

Mái ấm thứ hai của học sinh khuyết tật

Thứ 3, 06/12/2011 | 08:59:29
2,841 lượt xem
Địa chỉ “xóm 8, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình” – nơi Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đứng chân, đã trở thành một điểm đến tin cậy về dạy văn hóa và đào tạo nghề, không chỉ của riêng những người khuyết tật mà của cả cộng đồng xã hội. Từ mái trường này – mái ấm thứ hai của các em, bao thế hệ học sinh đã được chắp cánh cho những ước mơ vượt lên chiến thắng tật nguyền, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cô và trò Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình trong giờ học văn hóa

Nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Đức Cường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình thường chia sẻ tâm sự: dạy chữ, dạy nghề cho học sinh bình thường đã khó, dạy chữ, dạy nghề cho học sinh khuyết tật lại càng khó gấp bội phần. Khó nhất là làm sao để các em thấy được mình “tàn nhưng không phế”, vẫn có khả năng đóng góp công sức, trí tuệ cho cuộc đời. Nghĩa là phải khơi dậy trong các em niềm tin về một tương lai tươi sáng mà các em sẽ vươn tới và đủ khả năng vươn tới. Thầy Cường cho rằng, đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã tin tưởng và giao phó cho nhà trường.

Vì vậy, từ ngày thành lập trường đến nay, trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình không quản ngại bao khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, từ khâu tuyển sinh đến việc truyền đạt kiến thức văn hóa, từ việc dạy lý thuyến đến việc khâu hướng dẫn thực hành…

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, trong suốt những năm học đã qua, thầy và trò Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đã vươn lên giành được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Vị thế chuyên môn của trường ngày càng được khẳng định một cách vững chắc. Không chỉ có những người khuyết tật, đối tượng chính sách mà nhiều thanh niên đến tuổi lao động có nhu cầu được học nghề để tạo dựng tương lai cũng đặt trọn niềm tin ở mái trường này. Trong những năm học vừa qua, số lượng học sinh đến trường xin học nghề, số trúng tuyển và nhập học đông vượt dự kiến của trường và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Năm học 2010 – 2011 tiếp tục đánh dấu một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường với những kết quả rất đáng khích lệ: 256 học sinh học tập trung dài hạn ra trường có 62% đạt khá, giỏi, các em đều có việc làm với thu nhập ổn định. Còn trong số hơn 200 học sinh học nghề ngắn hạn ra trường có trên 70% đạt khá, giỏi. Các em học sinh chuyển tiếp đều đạt thành tích tốt. Toàn trường không có học sinh cá biệt. Các em đều có đạo đức tốt, khá, không có em nào mắc phải các tai tệ nạn xã hội.

Phần lớn học sinh ra trường đều tìm được việc làm phù hợp, thậm chí có một số nghề như mộc – mộc mỹ nghệ, cơ khí, điện… đào tạo không kịp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Sản phẩm thực hành (bàn, ghế) của học sinh Khoa Cơ khí đã được thị trường chấp nhận mẫu mã, khẳng định về chất lượng. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác dạy nghề nói chung, dạy nghề cho học sinh khuyết tật nói riêng, bởi nó đã giúp các em có thêm rất nhiều sự tự tin, niềm tin vào bản thân mình “tàn nhưng không phế”, tạo thêm nhiều hứng khởi để lập nghiệp bằng nghề mà các em đã lựa chọn.

Trên chặng đường đi lên, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình không thể quên sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Lao động – TBXH và các sở, ngành chức năng. Ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo về phương hướng phát triển, nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường còn  nhận được sự quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, mở rộng, tăng cường đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Từ năm học trước, tổng số phòng học và phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên đã được nâng lên 50 phòng. Các trang thiết bị như máy vi tính chất lượng cao, máy hàn Tig, Mig, các máy thực hành cho nghề điện, tin học, mộc… đã giúp thầy trò nhà trường tránh được tình trạng dạy chạy, học chay, học sinh được tiếp cận với những trang thiết bị, máy móc hiện đại, gắn lý thuyết vào quá trình thực hành tạo nên sự đồng bộ trong chỉ đạo và đào tạo chuyên môn, đáp ứng yêu cầu theo chương trình khung do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – TBXH) ban hành.

Ngoài sự quan tâm của trên, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội CCB… dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường hoạt động đều tay, mỗi tổ chức một màu sắc riêng song đều hướng vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của trường, đó là công tác dạy và học, góp phần tích cực nâng cao chất lượng và vị thế chuyên môn của trường. Hướng về tương lai, thầy và trò Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình cùng chung quyết tâm “Đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, trí tuệ, sáng tạo, xây dựng trường mẫu mực về mọi mặt”.

Năm học 2011 – 2012 này, mục tiêu của nhà trường là đẩy mạnh giáo dục toàn diện và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thầy cô tâm huyết, cha mẹ quan tâm, chính quyền vào cuộc”, phấn đấu xây dựng nhà trường thành một trường chất lượng cao, đáp ứng niềm tin và nhu cầu của toàn xã hội.

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có em học sinh của Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đã viết thế này: “Nơi em yêu quý nhất – Trường dạy nghề của em – Địa chỉ thật thân quen – Xã Đông Hòa, xóm 8”. Quả thật, từ lâu, địa chỉ “xóm 8, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình” – nơi nhà trường đứng chân, đã trở thành một điểm đến tin cậy về dạy văn hóa và đào tạo nghề, không chỉ của riêng những người khuyết tật mà của cả cộng đồng xã hội. Từ mái trường này – mái ấm thứ hai của các em, bao thế hệ học sinh đã được chắp cánh cho những ước mơ vượt lên chiến thắng tật nguyền, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. 


                                               Bài, ảnh: Hoàng Minh

 

  • Từ khóa