Thứ 3, 23/07/2024, 08:33[GMT+7]

Dự án y - sinh học của hai nữ sinh lớp 11

Thứ 5, 10/01/2019 | 08:28:14
4,786 lượt xem
Mới chỉ học lớp 11 thế nhưng hai em Vũ Hồng Minh và Nguyễn Mai Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh lại rất say mê nghiên cứu một lĩnh vực được coi là khó và có rất ít học sinh tham gia, đó là lĩnh vực y - sinh học với dự án: “Nghiên cứu ứng dụng ozone trong điều trị viêm loét ở người bệnh đái tháo đường”. Dự án đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực y - sinh học cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học này.

Dự án “Nghiên cứu ứng dụng ozone trong điều trị viêm loét ở người bệnh đái tháo đường” của hai nữ sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh.

Em Vũ Hồng Minh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, trưởng nhóm thực hiện dự án chia sẻ: Em đam mê lĩnh vực sinh học từ ngày còn bé khi được nghe bố mẹ là bác sĩ chia sẻ về những câu chuyện trong bệnh viện. Em mong muốn theo đuổi niềm đam mê của mình với môn Sinh học. Đặc biệt, em mong muốn được theo đuổi lĩnh vực y - sinh học, lĩnh vực mà những nghiên cứu sinh học được ứng dụng vào thực tiễn y học. Bởi theo em, khoa học khi áp dụng vào thực tiễn sẽ cho thấy giá trị tốt đẹp nhất của nó. Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường cũng là động lực giúp Hồng Minh mạnh dạn chia sẻ ý tưởng với bạn Nguyễn Mai Phương (lớp 11A2) và cô giáo Hà Ngọc Linh. Nhận được sự ủng hộ và chung ý tưởng, Hồng Minh và Mai Phương bắt tay vào việc tìm hiểu các tài liệu tổng quan về bệnh đái tháo đường và máy ozone. Hồng Minh chia sẻ thêm: Tại Việt Nam, việc sử dụng ozone để điều trị viêm loét cho bệnh nhân đái tháo đường có cơ sở khoa học và đã được thực hiện, tuy nhiên, để điều trị thì bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế gây bất tiện trong di chuyển và tốn kém. Chính vì vậy, em và bạn Mai Phương đã tìm ra một phương pháp mới đó là sử dụng máy ozone mà nhiều gia đình đã có sục ozone trong nước muối sinh lý để rửa ổ viêm loét cho bệnh nhân, vừa hiệu quả, khả thi và thân thiện với người bệnh.

Dụng cụ mà Hồng Minh và Mai Phương sử dụng trong dự án của mình rất đơn giản và dễ mua, đó là nước muối sinh lý; bông, băng, cồn, gạc, kéo nĩa; khay đựng dụng cụ; máy tạo ozone. Trong 2 tháng, hai em đã thực hiện nghiên cứu dự án ở 11 bệnh nhân và ngay tại chính gia đình của họ. Đây chính là điểm mới trong dự án và mang lại nhiều ưu điểm nổi bật. Mai Phương chia sẻ: Chúng em sử dụng nguồn điện gia đình, sục nước muối sinh lý trong 15 phút để rửa ổ viêm loét trong ngày đầu, 10 phút để rửa ổ viêm loét trong 3 ngày tiếp theo và 5 phút để rửa ổ viêm loét trong những ngày sau. Tốc độ phân hủy của ozone trong nước phụ thuộc vào độ muối, nhiệt độ và độ pH của nước, do vậy việc sục ozone trong nước muối sinh lý trong điều kiện nhiệt độ bình thường rất khả thi, đơn giản và có thể thực hiện ngay tại gia đình. Trong quá trình trị liệu, quan sát toàn trạng, Hồng Minh và Mai Phương không phát hiện thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào xảy ra như ngứa, nổi mẩn, kích thích, co giật... Đến ngày thứ 3, biểu bì chưa bong và chưa rụng hoại tử; đến ngày thứ 14, biểu bì bong và rụng hoại tử, không tiết dịch và đến ngày thứ 28, các vết loét thu hẹp, khô và bắt đầu lên da non.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với những kết quả đạt được trong dự án của Hồng Minh và Mai Phương, việc sử dụng ozone để điều trị vết loét đã bảo đảm nguyên tắc điều trị với mục đích giảm đau, điều trị dự phòng những biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ, tạo điều kiện tốt cho quá trình tái tạo phục hồi, rút ngắn ngày nằm chữa bệnh, chất lượng sẹo da tốt khi khỏi. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của hai em cũng tồn tại hạn chế đó là chưa có đủ điều kiện để thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn tại các thời điểm theo dõi. Thời gian tới nếu các em tiếp tục theo đuổi nghiên cứu của mình thì dự án của các em sẽ hoàn chỉnh hơn.

Mặc dù dự án của Hồng Minh và Mai Phương mới chỉ dừng lại ở việc điều trị ổ viêm loét cho 11 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tại nhà nhưng đã tạo ra niềm tin, động lực cho học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo các dự án thuộc lĩnh vực y - sinh học, góp phần đưa phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật phát triển sâu rộng trong các nhà trường.

Đặng Anh