Thứ 3, 26/11/2024, 19:29[GMT+7]

Kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong trường học

Thứ 2, 04/03/2019 | 09:46:36
2,039 lượt xem
Để tránh áp lực cho giáo viên, ngày 18/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Với các nội dung của Chỉ thị này, các trường học trong tỉnh đang từng bước giảm tải sổ sách cho giáo viên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi trong phòng học thông minh.

Chỉ thị số 138 nêu rõ: Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, trưởng phòng giáo dục và đào tạo cùng hiệu trưởng các nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Tuy nhiên, từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố khẩn trương triển khai nội dung đến các nhà trường đồng thời kiểm tra việc thực hiện hồ sơ, sổ sách của các nhà trường trong những năm qua. 

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc kiểm tra hồ sơ, sổ sách là việc làm thường xuyên nằm trong kế hoạch kiểm tra của từng năm học. Qua kiểm tra, một số trường thực hiện khá tốt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cũng không ít trường còn để mỗi giáo viên có từ 5 - 6 loại sổ.

Trường THPT Chuyên Thái Bình là trường học đặc thù của tỉnh với nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi thi quốc gia. Vì vậy, theo thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, mỗi giáo viên của Trường sẽ có khoảng 4 - 5 loại sổ tùy theo từng vị trí: sổ giáo án, sổ dự giờ tích hợp với sổ chuyên môn, sổ điểm cá nhân, sổ kế hoạch và sổ chủ nhiệm đối với những thầy cô làm công tác chủ nhiệm. Với Chỉ thị số 138 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, nhà trường sẽ tích cực khuyến khích giáo viên sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử. 

Còn tại Trường THPT Nguyễn Trãi, ngay sau khi Chỉ thị số 138 được ban hành, nhà trường đã hướng dẫn giáo viên giảm tải một số loại sổ sách theo hình thức kết hợp các loại sổ sách cũ. 

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Phương chia sẻ: Trước đây, tôi có sổ kế hoạch, sổ điểm, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ giáo án. Với Chỉ thị số 138, chúng tôi đang từng bước kết hợp một số loại sổ, quan trọng hơn, nhà trường cho phép chúng tôi sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử để tiếp cận những âm thanh, hình ảnh và tư liệu trên internet.

Hiện nay không phải mỗi giáo viên có khoảng 6 đầu sổ, qua thực tế, một số nhà trường còn yêu cầu giáo viên có đến 7, 8 loại sổ. 

Bà Hà Thị Thu Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Phòng đã triển khai Chỉ thị số 138 đến tất cả các trường đồng thời thực hiện kiểm tra. Qua đó phát hiện một số trường có một số loại sổ sách được tách ra từ các loại sổ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Phòng đã yêu cầu các trường chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ. 

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Hiện nay, không chỉ tại Thái Bình mà rất nhiều tỉnh, thành phố khác yêu cầu giáo viên in từ sổ điểm điện tử để nhà trường kiểm tra hồ sơ, sổ sách hoặc yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án bằng cách viết tay. Điều này vừa gây lãng phí vừa tạo áp lực cho giáo viên. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 138 yêu cầu các nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng thiết bị điện tử để tiếp cập với những nguồn tư liệu, âm thanh, hình ảnh, trang mạng internet; đồng thời, sử dụng giáo án điện tử, sổ điểm điện tử để tránh tiêu cực và giảm tải cho giáo viên.

Đây không phải lần đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn nhiều năm tại các nhà trường. Vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên sẽ là một biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng trên, góp phần giảm áp lực cho giáo viên.

Đặng Anh