Thứ 4, 08/01/2025, 12:07[GMT+7]

Ngành Giáo dục: Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ 2, 11/03/2019 | 10:35:47
1,883 lượt xem
Thời gian qua, ngành Giáo dục chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động giáo dục, đây là việc làm rất cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0.

Giờ học của cô và trò Trường THPT Quỳnh Côi.

Với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, giúp giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Hiện nay, rất nhiều giáo viên lên lớp đã sử dụng giáo án điện tử, dạy học bằng máy chiếu. Đặc biệt, tại những trường học có phòng học thông minh còn sử dụng những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như: bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng E-learning... Để giúp giáo viên đến gần hơn với CNTT, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng bài giảng điện tử ở tất cả các bậc học, giúp giáo viên có thể ứng dụng thành thạo CNTT vào dạy học, xây dựng tiết dạy sinh động, hiệu quả. Hiện nay, tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đều được trang bị đầy đủ phòng học máy tính, với hàng nghìn máy tính được kết nối mạng internet. Các bậc học từ mầm non đến THPT đều đã đưa các phần mềm thiết kế bài giảng trên thiết bị công nghệ vào giảng dạy tại tất cả các tiết học. Đặc biệt, từ khi đưa hệ thống “trường học kết nối” trên mạng internet đi vào hoạt động, việc trao đổi, giao lưu, học hỏi của cán bộ, giáo viên thuận lợi hơn, tiết kiệm được các khoản chi phí đi lại.

Chia sẻ về kết quả đạt được khi ứng dụng CNTT, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Côi khẳng định, nếu như trước đây, khi cần thông tin về một học sinh nào đó, Ban Giám hiệu nhà trường phải yêu cầu văn thư, giáo viên tra thông tin viết tay mất khá nhiều thời gian. Từ khi nhà trường sử dụng sổ điểm điện tử, hệ thống theo dõi hồ sơ, thông tin học sinh, kết quả học tập, rèn luyện được lưu trữ trên hệ thống máy tính. Với cách lưu trữ khoa học, chỉ một cú nhấp chuột, mọi thông tin về bất cứ học sinh nào cũng được tìm thấy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việc cung cấp thông tin định kỳ về hạnh kiểm, kết quả học tập hàng tháng của học sinh được gửi đúng hạn thông qua các phần mềm, hòm thư điện tử... giúp phụ huynh nắm bắt thông tin nhanh và chính xác về con em mình, cho nên cha mẹ học sinh thêm tin tưởng vào sự giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn lắp đặt camera theo dõi tất cả các lớp học và khuôn viên trường nhằm hỗ trợ công tác quản lý. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm: Nhờ tích cực ứng dụng CNTT nên nhiều tiết học trên lớp rất sôi động, thu hút học sinh tham gia, đóng góp ý kiến. Quan trọng hơn, việc ứng dụng CNTT đã giúp các giáo viên trong trường thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để từng bước xây dựng bài giảng hiệu quả.

Thái Thụy được biết đến là huyện có nhiều kết quả nổi bật trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động giáo dục của huyện. Điển hình nhất là các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến và đưa giáo dục STEM vào trường học. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Những buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến được ngành Giáo dục huyện tổ chức thường xuyên và mang lại hiệu quả cao. Thường thì một buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến sẽ tổ chức ở các điểm cầu đặt tại một số điểm trường. Như vậy cán bộ, giáo viên và học sinh sẽ không phải di chuyển xa, hơn nữa số lượng người tham gia cũng đông hơn. Đặc biệt, việc đưa STEM vào trường học đã thu hút rất đông học sinh tham gia, kể cả cấp tiểu học. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, có những nhóm học sinh chỉ học lớp 4, lớp 5 đã chế tạo ra các mô hình rô bốt điều khiển bằng điện thoại thông minh. Hoạt động giáo dục này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của rất nhiều phụ huynh.

Bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của hầu hết giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động giáo dục thì vẫn còn một bộ phận giáo viên “ngại” đổi mới khiến tiết học trở nên nhàm chán, không thu hút người học. Cùng với đó, ở nhiều trường học, thiết bị dạy học còn thiếu hoặc chưa nâng cấp, sửa chữa; việc sử dụng còn nặng về thủ tục khiến các thầy cô giáo khó tiếp cận với các thiết bị hiện đại. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu và huy động xã hội hóa để việc ứng dụng CNTT của cán bộ, giáo viên là một việc làm thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đặng Anh