Thứ 5, 09/01/2025, 09:30[GMT+7]

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Thứ 5, 11/04/2019 | 08:44:35
1,353 lượt xem
Với gần 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, những năm qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng đổi mới, phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Giáo viên trình giảng tại hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 22 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập. Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng với ngành nghề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong số 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 820 nhà giáo, số nhà giáo có trình độ thạc sĩ chiếm 10,85%, đại học 67,4%, cao đẳng và cao đẳng nghề 6,59%; số nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề 158 người, chiếm tỷ lệ 19,27%. Với sự đầu tư đồng bộ, số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chiều hướng tăng. 

Trong 3 năm (2016, 2017, 2018) lần lượt số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp tăng từ 1.100 lượt người (năm 2016) lên 1.600 lượt người (năm 2017) và 2.000 lượt người (năm 2018), góp phần quan trọng trong việc đào tạo nghề cho người lao động. 

Theo thống kê trong năm 2018, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 33.540 người (tăng 1,6% so với cùng kỳ); tuyển sinh, đào tạo nghề cho 34.700 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 2,5% so với năm 2017). 

Trong quá trình đào tạo, nhiều trường đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ đó, kết thúc quá trình thực tập, nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc đã được doanh nghiệp nhận vào làm chính thức, giải quyết một phần đầu ra cho học sinh, sinh viên các trường sau tốt nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng để các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện cam kết giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường.

Tuy nhiên, hoạt động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Một số trường chất lượng giáo dục còn thấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được ngành nghề đào tạo; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia học trình độ cao đẳng và trung cấp còn thấp so với tổng số học sinh, sinh viên được tuyển sinh đào tạo, chủ yếu là tuyển sinh trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ trên 70%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 9%... 

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, tại nhiều hội nghị liên quan đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn nhấn mạnh tới việc thực hiện đề án rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó xác định trường trọng điểm, nghề trọng điểm để tích cực đầu tư theo hướng công nghệ cao. Việc sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý, tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Trong năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, 3 trường (Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, Trung cấp Xây dựng Thái Bình, Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ Kiến Xương) hoàn thiện các thủ tục sáp nhập vào Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Cùng với việc sáp nhập một số trường để nâng cao hiệu quả hoạt động, việc nâng cao trình độ tay nghề của cán bộ, giáo viên cũng được các trường chú trọng. Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2018 với sự tham gia của 38 nhà giáo đến từ 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với mục đích đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế, năm 2018 UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh xây dựng đề án “Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2025”. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đổi mới, nâng cao và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao, phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo, xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học, phát triển ngành nghề trọng điểm quốc gia tiếp cận với khu vực và quốc tế.

Nguyễn Cường