Thứ 3, 26/11/2024, 23:24[GMT+7]

Chuẩn bị điều kiện tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Thứ 3, 16/04/2019 | 10:28:17
1,128 lượt xem
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục chú trọng triển khai ngay từ đầu năm học. Đến thời điểm này, các điều kiện tổ chức kỳ thi đang được toàn ngành tiếp tục thực hiện, bảo đảm một mùa thi an toàn, hiệu quả.

Giờ học của học sinh Trường THPT Tiên Hưng.

Về cơ bản, hình thức và nội dung kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2018. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và tính chính xác của kỳ thi, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số điều chỉnh về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến chấm thi, tăng cường các khâu giám sát. Ông Phạm Anh Đức, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đề thi năm nay vẫn bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh. Năm nay, điểm xét tốt nghiệp từ kỳ thi THPT quốc gia là 70% và điểm lấy từ quá trình tích lũy THPT là 30%, để bảo đảm đúng với tính chất của kỳ thi quốc gia. Các thí sinh tự do được xếp ngồi thi lẫn với các thí sinh đang học lớp 12. Bộ cũng giao việc chấm các bài thi trắc nghiệm do các trường đại học phụ trách.

Năm 2018, kết quả thi THPT quốc gia của Thái Bình cao hơn bình quân chung của cả nước, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, trong đó môn Hóa học xếp thứ 3, Toán học xếp thứ 7, Vật lý xếp thứ 11. Toàn tỉnh có 11 bài thi đạt điểm 10. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho kỳ thi còn một số hạn chế như: một số đơn vị chưa xây dựng cụ thể kế hoạch ôn tập và phân loại học sinh nên công tác ôn tập chưa thực sự hiệu quả; một số đơn vị ngoài công lập, trường nghề thiếu giáo viên ôn thi ở một số bộ môn, phương pháp ôn tập chủ yếu là truyền đạt kiến thức, chưa chú ý đến việc rèn luyện kỹ năng và phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước, ngoài việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại chất lượng đội ngũ, ưu tiên giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm dạy lớp 12, có kế hoạch điều động, tăng cường để bảo đảm đủ giáo viên cốt cán ở tất cả các môn học ở các trường. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để toàn ngành và xã hội nhận thức đúng về kỳ thi.
Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 9 hội đồng bộ môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Hội đồng bao gồm tối thiểu 10 thành viên được lựa chọn từ những cán bộ, giáo viên cốt cán của Sở và các trường THPT, có quy chế tổ chức và hoạt động do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn thi THPT quốc gia tại từng trường THPT. Tại những buổi tập huấn này, đại diện các hội đồng bộ môn đã tư vấn, giải đáp thắc mắc cho cán bộ, giáo viên về nội dung kỳ thi năm nay. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi. Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tham mưu UBND tỉnh bảo đảm các nguồn lực và cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ kỳ thi.

Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, ngành Giáo dục Thái Bình đang hướng tới kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với mục tiêu tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao, từ đó mở ra cơ hội nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng và năng lực của học sinh sau khi tốt nghiệp.

Đặng Anh