Thứ 3, 23/07/2024, 02:29[GMT+7]

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường

Thứ 4, 17/04/2019 | 15:41:14
1,015 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường tổ chức vào sáng ngày 17/4.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: baoluchocduong1704_mixdown.mp3

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản để tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường trong đó một số nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu phân tích như: do những hạn chế trong quản lý, giáo dục từ gia đình, nhà trường, sự tác động tiêu cực từ xã hội… Bên cạnh đó có một nguyên nhân không nhỏ là do thời gian qua, một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh trong các hoạt động nội khóa và ngoại khóa chưa được chú trọng; một số nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm chưa cao, còn lúng túng trong xử lý các tình huống; sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên.

Cùng với nêu các nguyên nhân, nhiều giải pháp đã được các nhà lãnh đạo, quản lý ngành Giáo dục đề cập trong đó các ý kiến tập trung nhấn mạnh cần phải nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổng phụ trách và giáo viên chủ nhiệm trong việc tìm ra các giải pháp trong phòng chống bạo lực học đường. Công tác phòng chống bạo lực học đường phải đi sâu vào hoạt động chuyên môn, không chỉ nghiêng về chống mà đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa. 

Các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến tham vấn về kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường năm 2019, trong đó chú trọng vào các giải pháp như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai bảo đảm an toàn trường học; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc bạo lực học đường xảy ra; đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị toàn ngành cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường, trong đó phải đặc biệt quan tâm phòng ngừa các hành vi bạo lực diễn ra trong học sinh. Các địa phương, đơn vị, trường học cần cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường trong nhiệm vụ năm học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Các trường học phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực học đường. Lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm chủ trương của ngành, đình chỉ đứng lớp đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục cùng đồng hành với ngành Giáo dục để kịp thời phát hiện những vụ việc nổi cộm, bên cạnh đó, tuyên truyền những tấm gương sáng, mô hình tốt trong thực hiện phòng, chống bạo lực học đường, từ đó nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Đặng Anh