Thứ 2, 22/07/2024, 22:43[GMT+7]

Giúp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt hòa nhập cộng đồng

Thứ 5, 16/05/2019 | 08:11:45
7,659 lượt xem
Trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh, là ngôi nhà chung thân thương cho nhóm trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt Thanh Thảo (thành phố Thái Bình) đã phát hiện, tư vấn, can thiệp giúp cho nhiều trẻ khuyết tật, khó khăn về tâm lý sớm hòa nhập cộng đồng, mang lại tương lai cho trẻ và hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Kiên trì từng động tác với trẻ.

Theo chị Trịnh Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt Thanh Thảo: Trẻ mắc bệnh về tâm lý có nhu cầu giáo dục đặc biệt thường là trẻ mắc các dạng tật rối loạn phổ tự kỷ, khó khăn về ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, mắc hội chứng tăng động, giảm chú ý... Những dạng tật trên đều có thể can thiệp hiệu quả, song đòi hỏi cần có sự can thiệp sớm, khoa học, bài bản tại cơ sở giáo dục chuyên biệt. Đặc biệt cần sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ và có sự phối hợp tích cực, tận tụy của gia đình và cộng đồng xung quanh thì việc can thiệp mới có hiệu quả. Những năm gần đây, số trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tăng cao, trong đó gia tăng số trẻ rối loại phổ tự kỷ. Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh thiếu kiến thức, hiểu biết về căn bệnh. Có những người nhận biết con mình có biểu hiện không bình thường, song lúng túng không biết phải làm thế nào để giúp đỡ con phát triển, hòa nhập. Sau khi loay hoay tìm hiểu thông tin, gia đình nào có điều kiện thì đưa con đến các thành phố lớn, nơi có các bệnh viện, các trung tâm hỗ trợ để gửi con, hy vọng con sớm được phát triển bình thường. Có những cha mẹ dù đã phát hiện con mình khác biệt hoặc biết rõ con mắc bệnh rối loạn phổ tự kỷ nhưng chủ quan, sợ bị kỳ thị nên giấu bệnh, không giúp con chữa trị. Có cha mẹ do hoàn cảnh khó khăn, bận lao động, công tác hoặc thiếu kiên nhẫn, buông xuôi, dẫn đến trẻ thiệt thòi do không được can thiệp kịp thời.

Dạy trẻ nhận biết màu sắc.

Trước thực trạng đó, là người được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, chị Trịnh Thị Thanh luôn trăn trở làm sao có thể giúp được nhiều trẻ thoát cảnh khuyết tật không thể hòa nhập, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ý tưởng thành lập cơ sở chuyên đào tạo trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt của chị được bạn bè cùng chuyên môn, tâm huyết ủng hộ, tham gia. 

Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm, đến tháng 10/2016, Trung tâm Hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt Thanh Thảo chính thức khai trương sau khi có quyết định phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. Chức năng chính của Trung tâm là nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của khoa học giáo dục trong công tác hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ có khó khăn về tâm lý; cung cấp dịch vụ giáo dục, tư vấn, phát hiện, can thiệp, tạo cơ hội thuận lợi tối đa cho các em được tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục. Từ đó hình thành những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết, giúp trẻ có thể phát triển độc lập, tự tin hòa nhập tốt với cộng đồng. 

Từ lúc ban đầu chỉ có hơn 10 giáo viên, thực hiện can thiệp cho một nhóm trẻ, đến nay Trung tâm đã phát triển hỗ trợ can thiệp trị liệu cho gần 100 trẻ từ 2 - 8 tuổi. Số giáo viên tăng cả về chất và lượng lên tới 30 người, trong đó 70% có trình độ chuyên ngành tâm lý học đại học trở lên, có 4 người là thạc sĩ, 3 người giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, 5 người là giáo viên kiêm nhiệm giảng viên của các trường: Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Đại học Thái Bình, Đại học Y Dược Thái Bình. Cơ sở vật chất của Trung tâm cũng không ngừng được đầu tư khang trang, hiện đại với nhiều thiết bị phục vụ can thiệp phù hợp, bảo đảm yêu cầu cho các hoạt động.

Tiết mục múa hát của các em chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Mai Thị Phúc, giáo viên của Trung tâm chia sẻ: Do đặc thù môi trường giáo dục dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nên việc dạy dỗ trẻ gặp không ít khó khăn. Nếu thiếu sự kiên trì nhẫn nại, lòng nhiệt tình, yêu trẻ thì không thể theo nghề được. Nhiều trẻ đến với Trung tâm khi đã sang tuổi thứ 4 trở lên, quá giai đoạn can thiệp tốt nhất nên việc can thiệp càng gặp khó khăn. Có những trẻ tăng động, không hợp tác, thậm chí chống đối cào cấu cô giáo, đập phá đồ đạc, tự làm tổn thương bản thân như lao đầu vào tường, cào cắn tay chân gây cho giáo viên rất nhiều áp lực. Song qua nhật ký hàng ngày, chỉ cần có một thay đổi nhỏ trong nhận thức và hành vi của trẻ là niềm vui, động lực lớn để các cô tiếp tục cố gắng. Thực tế thời gian qua, hàng chục em được can thiệp sớm đến tuổi học lớp 1 đã có thể hòa nhập cùng bạn bè. Trường hợp như em N.H.L ở tổ 35, phường Trần Lãm, đến với Trung tâm sớm khi hơn 2 tuổi. Ban đầu bé không biết nói, không có cử chỉ giao tiếp bằng mắt, không hợp tác với cô và khóc khi thấy người lạ. Sau 1 thời gian kèm cặp rất lâu bé mới có thể ngồi vào bàn, cho cô cầm tay hướng dẫn chơi và học. 2 năm sau mới bật nói được âm từ đầu tiên và đến nay sau gần 4 năm kiên trì, tuy vẫn còn hạn chế trong giao tiếp song bé đã đi học lớp 1 với các bạn cùng trang lứa. 

Bà N.T.S, phường Kỳ Bá là người hàng ngày thay mặt bố mẹ bền bỉ đưa đón cháu nội đến Trung tâm thì không giấu được niềm vui khi kể về trường hợp của cháu mình: Bố mẹ cháu bận công tác, trước đây tôi phải đưa cháu lên trọ ở Hà Nội để chữa bệnh. Từ ngày có Trung tâm mở tại tỉnh nên việc can thiệp cho cháu thuận lợi và đỡ tốn kém hơn nhiều. Đến nay, cháu tôi đã có tiến bộ rõ rệt, đã biết khi được gọi tên, biết phát âm, biết giao tiếp bằng mắt và biểu lộ tình cảm. Trước kia, gia đình rất chán nản thất vọng thì nay đã phấn khởi, có niềm tin cháu có thể hòa nhập và có tương lai.  

Được sự tin tưởng của cộng đồng và các bậc phụ huynh, số lượng trẻ đến với Trung tâm ngày càng đông. Ngoài hỗ trợ can thiệp, Trung tâm còn tiếp nhận giúp phát hiện, xác định tình trạng trẻ và tư vấn, hướng dẫn cho các bậc phụ huynh. Đồng thời tổ chức các đợt phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng với mong muốn tránh tình trạng kỳ thị. Trẻ mắc bệnh về tâm lý, có nhu cầu giáo dục đặc biệt được phát hiện, can thiệp sớm để có thể phát triển bình thường, không còn là gánh nặng, tương lai trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Hà Dung