Thứ 6, 10/01/2025, 06:50[GMT+7]

“Liên thông ngược” - nghịch lý trong giáo dục và đào tạo

Thứ 3, 21/05/2019 | 08:53:53
2,844 lượt xem
Những năm gần đây, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không xin được việc làm đúng ngành, tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng diễn ra khá phổ biến. Điều này đã gây lãng phí về thời gian và tiền bạc trong quá trình đào tạo.

Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chọn Trường Đại học Thái Bình vừa học nghề vừa học văn hóa.

“Liên thông ngược”: cử nhân học… trung cấp

Tốt nghiệp THPT loại khá, Nguyễn Kim Anh (sinh năm 1990 tại thành phố Thái Bình) thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cứ ngỡ sau khi tốt nghiệp em sẽ tìm được việc làm đúng ngành, sớm ổn định cuộc sống. Nhưng sau 2 năm chật vật nộp hồ sơ từ nơi này đến nơi khác, vừa không xin được việc đúng ý Kim Anh còn hao tốn tiền của. Biết không thể duy trì mãi, em quyết định nộp hồ sơ học kế toán tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. 

Kim Anh tâm sự: Hiện nay, tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường khá phổ biến và em cũng không nằm ngoài số đó. Khi đăng ký thi vào khoa Ngữ văn là theo đuổi đam mê của mình chứ chưa nghĩ nhiều đến lúc đi xin việc. Sau 2 năm loay hoay, em đã đi học kế toán. Hiện nay cuộc sống của em cũng tạm ổn định nhờ vào tấm bằng kế toán này.

Chuyện của Nguyễn Kim Anh tưởng ít nhưng hiện nay hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê gần nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II/2018, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên là 126.900 người. Còn đến thời điểm hiện nay, cả nước có hơn 200.000 cử nhân và người có trình độ trên đại học đang thất nghiệp. 

Tại Thái Bình đã xuất hiện tình trạng nhiều sinh viên phải giấu tấm bằng đại học để xin làm việc trong những công ty may. 

Em Trần Thị Khánh Chi (huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ: Cũng như bao bạn khác, khi ra trường em cũng rất háo hức cầm tấm bằng của Trường Đại học Ngoại thương đi xin việc với hy vọng cao là sẽ có việc làm tốt, thế nhưng em đã sai. Khi em đăng ký chọn thi, khoa quản trị kinh doanh được đánh giá là ngành “hot” nhưng sau khi học xong thì độ “hot” của khoa cũng không còn. Trong khi đó, các công ty ở Thái Bình lại chỉ cần những lao động phổ thông có tay nghề. Em nghe nói khi tuyển dụng các công ty này cũng loại những người có bằng đại học, vì vậy em phải giấu tấm bằng của mình đến tận bây giờ. Và khi vào công ty, em phải qua một khóa học đào tạo cơ bản để đáp ứng yêu cầu công việc. 

Theo ông Phạm Anh Đức, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo, thực tế cho thấy nhiều học sinh khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, chủ yếu học theo sở thích của gia đình, người thân. Điều này không chỉ khiến nhiều em thất nghiệp sau khi ra trường trong khi thị trường lao động đang thiếu trầm trọng mà còn gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình.

Nghề may của Trường Đại học Thái Bình thu hút cả học sinh nam.

Cần những giải pháp đồng bộ

Từ câu chuyện “liên thông ngược” của Nguyễn Kim Anh và Trần Thị Khánh Chi, có thể thấy việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực, từ đó có những kế hoạch đào tạo và phát triển ngành nghề gắn với nhu cầu xã hội. Những năm qua, bên cạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhiều trường học đã phối hợp với các công ty, xí nghiệp tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế quá trình sản xuất đã bước đầu mang lại hiệu quả. 

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Vũ Thư, đơn vị đã định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ năm lớp 10, vừa kết hợp học nghề với học văn hóa vừa có thể tạo thu nhập cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ thực hiện hiệu quả nên tỷ lệ học sinh sớm có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp khá lớn, chiếm trên 70% tổng số học sinh.

Nói về cơ hội tiếp cận việc làm, ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình cho biết: Tại Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình có đến gần 85% học viên đi làm trước khi ra trường, nhiều nghề 100% sinh viên có việc làm với mức lương cao. Hiện nay, để hạn chế tình trạng đào tạo lại, các doanh nghiệp thích tuyển dụng sinh viên học nghề vì tâm lý ổn định, có kiến thức, kỹ năng, có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp ngay. Vì vậy, nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân không có việc làm quay trở lại học nghề là một giải pháp rất hợp lý. 

Đồng quan điểm với ông Khang, bà Trần Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình chia sẻ: Số lượng học sinh, sinh viên học nghề của Trường có việc làm sau khi ra trường khá cao bởi hiện nay Thái Bình và các tỉnh lân cận phát triển công nghiệp nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề rất lớn. Nắm bắt xu hướng này, nhà trường đã mở thêm nhiều ngành, nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Hiện nay, nhìn nhận của xã hội đã thay đổi, không phải những người làm nhà nước mới được đánh giá cao mà những người làm ở các công ty, doanh nghiệp cũng được coi trọng. Vì vậy, việc phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm là một việc làm quan trọng, quyết định trực tiếp đến tương lai của các em.

Đặng Anh