Thứ 4, 27/11/2024, 09:20[GMT+7]

Sáp nhập trường học: Từ chủ trương đến hành động (Kỳ 1)

Thứ 6, 19/07/2019 | 09:10:52
7,556 lượt xem
Sau một năm học thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các trường học trên địa bàn theo kế hoạch của tỉnh, ngành Giáo dục đang từng bước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau quá trình sáp nhập đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy học cũng như thực hiện các chế độ, chính sách.

Cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca - Tiền Phong (thành phố Thái Bình) hướng dẫn các bé tưới rau.

Trước tình trạng đó, ngành Giáo dục cũng như các địa phương trong tỉnh chú trọng nắm chắc chủ trương, chủ động phương án nhằm thực hiện hiệu quả việc sáp nhập.

Kỳ I: GIẢM CỒNG KỀNH, TĂNG HIỆU QUẢ

Tinh gọn bộ máy

Hiệu quả lớn nhất dễ dàng nhận ra sau sáp nhập trường học tại Thái Bình sau năm học vừa qua đó là giảm điểm lẻ, tận dụng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy tinh gọn. Nếu như đầu năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 868 trường mầm non, tiểu học và THCS. Sau một năm thực hiện sáp nhập trường học, toàn tỉnh còn 702 trường, giảm 166 trường, đạt 90,84% kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 6/2019, các huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng và thành phố Thái Bình đã hoàn thành kế hoạch sáp nhập trường học; dự kiến các huyện: Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà sẽ hoàn thành kế hoạch trước năm học 2019 - 2020. Không chỉ giảm đầu mối, nhiều địa phương trong tỉnh còn tinh giản cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng cách kịp thời bố trí, sắp xếp đội ngũ này đến công tác tại các trường còn thiếu. 

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền nên kế hoạch sáp nhập các trường học nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và các thầy cô giáo, nhất là lãnh đạo các trường. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy tại các cơ sở giáo dục đã bớt cồng kềnh; từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi. Việc sắp xếp các đơn vị trường học bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Hiện nay, ngành đang từng bước hướng dẫn các đơn vị bố trí, chuyển công tác cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư sau sáp nhập đến các trường khác cùng cấp học hoặc cấp học dưới.


Thực hiện Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 30/7/2018, UBND huyện Thái Thụy đã ban hành Kế hoạch số 186 về việc sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện. Theo đó, năm học 2018 - 2019, toàn huyện đã thực hiện sáp nhập 84 trường mầm non, tiểu học, THCS thành 37 trường. Như vậy, hiện nay, Thái Thụy có 27 trường tiểu học, 28 trường THCS và 21 trường tiểu học và THCS. Sau sáp nhập, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư khá nhiều. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên theo cơ cấu bộ môn ở từng cấp học, Phòng đã chỉ đạo các trường căn cứ trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn để phân công cho phù hợp. Đồng thời, đầu năm học, dựa trên Luật Viên chức, Phòng đã tham mưu UBND huyện thực hiện việc điều chuyển, biệt phái giáo viên để giải quyết việc tổng biên thừa, thiếu cục bộ giữa các đơn vị. Đến nay, huyện có 8 cán bộ, giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi, 5 cán bộ quản lý xin xuống làm giáo viên. Như vậy, toàn huyện chỉ còn thừa 68 cán bộ, nhân viên, số lượng giáo viên đã được bố trí hợp lý, không còn dôi dư.

Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét

Tháng 12/2018, Trường Tiểu học Lê Lợi và Trường THCS Lê Lợi (Kiến Xương) sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi. Sau gần một năm học sáp nhập, tổ chức bộ máy, nhân sự của Trường không chỉ tinh gọn mà chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. 

Thầy giáo Trịnh Quốc Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau sáp nhập, nhà trường tiếp tục ổn định tâm lý, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên đồng thời duy trì các hoạt động giáo dục, tập trung quản lý chuyên môn, phân công cụ thể các đồng chí trong Ban Giám hiệu phụ trách chuyên môn từng cấp học. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động chuyên môn, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng trong sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Kết thúc năm học, các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường chuyển biến rõ nét so với năm trước, trong đó, ở cấp tiểu học, xếp loại về năng lực đạt 85,6% (tăng 2,4%; cấp THCS, loại giỏi đạt 31,54% (tăng 2,94%), loại khá đạt 50% (tăng 1,7%); 100% học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó loại khá giỏi đạt 91,2% (tăng 2,3%). Đặc biệt, tỷ lệ học sinh lớp 9 thi đỗ vào các trường THPT công lập đạt 98,7%, tăng 9,5% so với năm học trước. Đây là những con số đáng mừng sau gần một năm học thực hiện sáp nhập của Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi nói riêng, ngành Giáo dục Kiến Xương nói chung.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Minh Khai (Hưng Hà) vui chơi ngoài sân trường.

Ngoài đơn vị trên, chất lượng giáo dục của 171 trường học sau sáp nhập cũng nâng lên đáng kể. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, ở bậc học mầm non, 100% trẻ đến trường được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng và sức khỏe định kỳ, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về cân nặng ở các đơn vị đều đạt tỷ lệ cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Ở cấp tiểu học, mức độ hoàn thành chương trình môn Toán và tiếng Việt, phẩm chất và năng lực về cơ bản ổn định so với năm học trước, trong đó, mức độ hoàn thành tốt môn Toán từ 53 - 61%, môn tiếng Việt từ 68 - 79%, mức độ hoàn thành chương trình từ 99,8 - 100%. Riêng các huyện: Đông Hưng, Kiến Xương, Thái Thụy và thành phố Thái Bình có tỷ lệ tăng nhẹ ở các mức độ hoàn thành tốt. Ở cấp THCS, tất cả các đơn vị ổn định về tỷ lệ học lực khá giỏi, giảm tỷ lệ học lực yếu kém, đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 9 và tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT công lập đều tăng so với năm học trước. 

Theo đánh giá, bên cạnh việc duy trì ổn định chất lượng giáo dục, hệ thống cơ sở vật chất như: phòng học, bàn ghế, sân chơi, bãi tập, thiết bị phục vụ học tập cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Kết thúc năm học, nhiều trường khẳng định chất lượng giáo dục vẫn được duy trì ổn định, thậm chí chất lượng giáo dục tại nhiều trường có chuyển biến rõ nét, tạo niềm vui, phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và chính quyền địa phương.

(còn nữa)

Đặng Anh